Xóm chạy thận trước ngày tan tác

18/01/2010 21:31 GMT+7

Kể từ năm 2010, dù có bảo hiểm y tế người bệnh vẫn phải chi trả 5-20% viện phí. Quy định này khiến cư dân xóm chạy thận (ngõ 121 Lê Thanh Nghị, Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội) hoang mang tột độ.

Có thâm niên 5 năm cư trú tại xóm chạy thận, cô Nguyễn Thị Thiết (Phúc Thọ) kể, cô bị bệnh viêm thận đa nang và suy cầu thận. Hoàn cảnh của người phụ nữ 43 tuổi vô cùng đáng thương: bố là liệt sĩ hi sinh năm 1966 ở chiến trường, mẹ mất, bản thân không lập gia đình, không họ hàng, người thân, lại mang trong mình căn bệnh quái ác.

Ở xóm chạy thận, cô Thiết chung phòng trọ với một cặp vợ chồng già người Nam Định. Căn phòng rộng 7m2, kê vừa đủ hai chiếc giường con con cho 3 người. Mỗi một tháng, tiền phòng và tiền điện, nước là 900.000 đồng.

Chật vật lắm, người đàn bà tội nghiệp này mới lo được 300.000 trả tiền phòng. Tiền chạy thận trông cậy cả vào sổ bảo hiểm hộ nghèo, được tài trợ 100%.

“Cũng chẳng dám ăn cơm chung với bạn trọ, vì mình nghèo, không có tiền để đóng góp, có gì ăn nấy thôi. Nhiều khi ăn cơm nhạt với muối trắng. Mùa đông, cái áo khoác không có mà mặc, may có bà hàng xóm tốt bụng đem cho một cái”, cô Thiết nghẹn ngào.

“Bây giờ, với chính sách mới về bảo hiểm y tế, cư dân nghèo chạy thận như chúng tôi, tiền ăn còn không có, lấy đâu ra tiền để đóng viện phí. Chắc chỉ chờ chết mà thôi”, cô Thiết và nhiều bệnh nhân chạy thận tại đây cho biết.

Trở thành cư dân xóm chạy thận được 2 năm, chị Lê Thị Hoài (Yên Định, Thanh Hóa) kiếm được mối đi buôn chè mạn. Tâm sự với chúng tôi, chị Hoài cho biết đang tính về quê chờ chết vì không còn khả năng xoay sở tiền để chạy thận.

“Sang năm 2010, chính sách mới không tài trợ 100% tiền bảo hiểm nữa. Thế này làm sao chúng tôi kham nổi”, chị Hoài nấc nghẹn. Chị kể, đến hạn cuối cùng nộp viện phí, chị chỉ dằn túi được 200.000 đồng, còn thiếu 300.000 mà không thể nào xoay sở được. “Đành đem số chè còn lại, bán tống bán tháo được 200.000 đồng, vay thêm 100.000 đồng nữa mới đủ để đóng tiền. Vét túi còn lại được tổng cộng 16.500 đồng", chị Hoài than thở.

Tết cuối cùng?

Là một trong những cư dân lâu đời nhất của xóm nghèo này, thâm niên chạy thận của bác Nguyễn Văn Khai (Sơn La) đã được 15 năm. Bác Khai cho hay, ngày thường, không khí ở xóm nghèo này đã thê lương, giờ đây có thêm chuyện phải nộp viện phí, không khí càng hiu hắt gấp bội lần.

“Chạy long xòng xọc mà không xoay nổi tiền để đóng. Có khi sớm muộn xóm này cũng giải thể. Vì chúng tôi nghèo một giuộc, lấy đâu ra tiền”, bác Khai rầu rĩ.

Đối với bệnh nhân chạy thận ở đây, Tết năm nay quá buồn thảm. Mỗi một lần chạy thận cách nhau 2 ngày nên năm nào cũng thế, bệnh nhân chạy thận chỉ tranh thủ về quê ăn Tết 1 ngày, hôm sau lại lên Hà Nội để vào viện lọc máu.

“Năm nay chắc nhiều người về quê ăn Tết hơn, để... chờ chết thôi. Vì chúng tôi xác định án tù chung thân với bệnh viện, giờ đóng thêm viện phí như thế, ít người kham nổi lắm”, bác Khai cho biết.

Với anh Trần Đại Nam (Bình Lục, Hà Nam), mỗi lần nhìn thấy bè bạn cùng trang lứa có một gia đình hạnh phúc, sớm tối quây quần là một lần anh rơi nước mắt thương cho phận mình.

Anh Nam bị suy thận mãn, đã cư ngụ ở xóm chạy thận cũng được tròn 10 năm. Tâm sự với chúng tôi, giọng anh chùng lại: “Nhiều đêm không ngủ được, vì nghĩ hẩm hiu cái thân phận mình. Nói dại, giá mình chết ngay đi được, chắc đỡ khổ hơn, đằng này cứ sống lay lắt, không biết chết ngày nào, khổ mình, khổ cả người thân, đau lắm. Tôi đang tính Tết này về quê, rồi ở nhà luôn. Chứ đang túng quẫn, lại thêm khoản 5-20% viện phí mỗi tháng chạy thận, thì kiếm đâu ra”.

Trần Đan 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.