Sức mạnh 'hướng Đông' của Ấn Độ

22/03/2015 09:00 GMT+7

Chính sách “Hành động hướng Đông” của Ấn Độ nhằm tăng cường hợp tác toàn diện với ASEAN là sự đồng lòng từ một đất nước đang muốn vươn mình trỗi dậy trong lúc khu vực đang có nhiều biến động.

Chính sách “Hành động hướng Đông” của Ấn Độ nhằm tăng cường hợp tác toàn diện với ASEAN là sự đồng lòng từ một đất nước đang muốn vươn mình trỗi dậy trong lúc khu vực đang có nhiều biến động.

Chính sách “Hành động hướng Đông” ngày càng được đẩy mạnh dưới thời Thủ tướng Narendra Modi - Ảnh: Hải quân Ấn Độ Chính sách “Hành động hướng Đông” ngày càng được đẩy mạnh dưới thời Thủ tướng
Narendra Modi - Ảnh: Hải quân Ấn Độ
Tại Hội nghị Kinh doanh vùng đông bắc Ấn Độ diễn ra tại New Delhi (Ấn Độ) vào ngày 13.3, tuyệt đại đa số phóng viên đến từ đoàn báo chí các nước ASEAN không đến dự. Lý do rất dễ hiểu: Nhóm phóng viên này - đang dừng chân tại New Delhi trong một chương trình giao lưu báo chí với các nước ASEAN do Bộ Ngoại giao Ấn Độ tổ chức - cho rằng chủ đề của hội nghị nói trên không có nhiều vấn đề để khai thác.
Thế nhưng, trái ngược với dự đoán của cánh báo chí, Thứ trưởng Ngoại giao Ấn Độ phụ trách phương Đông, ông Anil Wadhwa, đã dành hơn nửa thời gian được phân bổ trong bài phát biểu tại hội nghị trên để tiếp tục nhấn mạnh về vai trò của ASEAN trong chính sách “Hành động hướng Đông” của nước này. Ông Wadhwa nhấn mạnh: “Mặc dù hầu hết các nước ASEAN không có mặt tại hội nghị này (trừ Myanmar - NV), tôi vẫn muốn nhấn mạnh về vai trò không thể thiếu của ASEAN trong chính sách “Hướng Đông”, nay gọi là “Hành động hướng Đông”. Tôi xin lỗi khi sẽ phải lặp lại những gì đã phát biểu trong hai ngày trước, nhưng thực sự không thể không nhắc lại tầm quan trọng của việc đẩy mạnh hợp tác sâu rộng Ấn Độ - ASEAN trên mọi phương diện, nhất là trong tình hình hiện nay”.
Vào ngày 11 - 12.3, Đối thoại ASEAN - Ấn Độ (Đối thoại Delhi lần thứ 7) đã diễn ra tại New Delhi và “Hành động hướng Đông” luôn là chủ đề chính trong các bài diễn văn quan trọng của các quan chức cấp cao Ấn Độ, trong đó có Ngoại trưởng Sushma Swaraj. Các diễn giả cũng trình bày hàng loạt bài tham luận liên quan đến mọi chủ đề - từ địa chính trị, văn hóa xã hội, an ninh mạng, kinh tế và các viễn cảnh hợp tác trong tương lai. Đặc biệt, vấn đề an ninh biển luôn chiếm phần lớn chương trình nghị sự. Thứ trưởng Wadhwa nêu rõ: “Những biến động chưa từng có tiền lệ trong bối cảnh hiện nay nhấn mạnh sự thiết yếu của một môi trường ổn định, hòa bình trong khu vực Đông Nam Á và tính trung lập của ASEAN. Đây là những yêu cầu chính yếu trong việc tăng cường hợp tác giữa Ấn Độ và ASEAN trong các lĩnh vực an ninh và tự do hàng hải, cũng như giải quyết hòa bình các tranh chấp trên biển theo luật pháp quốc tế”.
Tầm quan trọng của việc tiếp tục đẩy mạnh hợp tác Ấn Độ - ASEAN không chỉ nằm trong các bài diễn văn. Điều này có thể thấy rõ khi bên lề Đối thoại Delhi, các đại biểu vẫn dành phần lớn thời gian giải lao để tiếp tục thảo luận chủ đề này.
Đi sau, liệu có về trước ?
Cuối tháng 1.2015, Bộ Ngoại giao Trung Quốc lên tiếng phản đối việc Ấn Độ và Mỹ đề cập đến vấn đề biển Đông trong tuyên bố chung được đưa ra nhân chuyến công du tới New Delhi của Tổng thống Mỹ Barack Obama. Tuyên bố nhấn mạnh “tầm quan trọng của việc bảo vệ an ninh biển và bảo đảm quyền tự do hàng hải và hàng không trên khắp khu vực, đặc biệt tại biển Đông”. Đầu tháng 3.2015, cũng nhân chuyến thăm New Delhi, Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, đã đề nghị hải quân Ấn Độ tăng cường hiện diện ở biển Đông khi ông bày tỏ mối lo ngại của Mỹ về việc Trung Quốc ồ ạt cải tạo đất và xây đảo nhân tạo tại các bãi đá ở quần đảo Trường Sa.
Tuy nhiên, tại Đối thoại Delhi, các diễn giả nhận xét đến giờ này Ấn Độ mới tăng cường đẩy mạnh chính sách “Hành động hướng Đông” đã là muộn, và do vậy, khiến New Delhi trở thành “người đến sau” đối với ASEAN. Để bù đắp cho sự trễ tràng này, cả chính phủ Ấn Độ lẫn giới học giả đều cho rằng, tăng cường hợp tác không chỉ nên dừng ở lĩnh vực an ninh biển. Điều này càng trở nên thiết yếu đối với một cộng đồng kinh tế ASEAN - sẽ chính thức được thành lập vào cuối năm 2015 - với dân số lên đến khoảng 620 triệu người. Theo đó, chính phủ Ấn Độ đặt quyết tâm rất cao sẽ đẩy mạnh các chương trình hợp tác thương mại, đầu tư, giao lưu văn hóa - giáo dục. Đặc biệt, tăng cường tính liên kết giữa New Delhi và ASEAN, trong bối cảnh hiện nay hầu như chưa có chuyến bay thẳng nào giữa Ấn Độ và các nước Đông Nam Á.
“Không còn lựa chọn nào khác”
Tinh thần “Hướng Đông” và “Hành động hướng Đông” không chỉ dừng lại trong các bài diễn văn chính trị từ cấp cao nhất của chính phủ Ấn Độ. Trong bất cứ nơi nào đoàn báo chí ASEAN đến thăm, quyết tâm thực thi có hiệu quả chính sách đó luôn hiện hữu. Tại Viện Công nghệ Ấn Độ (một viện đào tạo danh giá của nước này đặt tại thành phố Guwahati, bang Assam), lãnh đạo viện dành rất nhiều thời gian và tâm huyết để truyền tải thiện ý tiếp nhận càng nhiều sinh viên ASEAN càng tốt. Lãnh đạo cấp cao nhất của hai bang Assam và Meghalaya (thuộc vùng đông bắc, khu vực trọng yếu để kết nối Ấn Độ với ASEAN) cũng nhiệt thành quảng bá cơ hội đầu tư vào địa phương mình trong từng món quà lưu niệm gửi tặng đoàn báo chí ASEAN.
Tuy nhiên, đằng sau chính sách lớn đó của cả một đất nước với dân số gần 1,3 tỉ người, vẫn còn đâu đó những ưu tư rất thật. Trong buổi tiệc giao lưu vào ngày cuối cùng của chuyến thăm với các nhà báo địa phương tại phố núi mù sương Shillong (bang Meghalaya), nơi người dân bản địa vẫn còn nghèo xác xơ và hầu như sống rất cách biệt với những tiến bộ của đất nước, nhà báo Billy Domes (báo Dongmusa, Shillong) trăn trở: “Đất nước đưa ra những chính sách lớn và hệ trọng, nhưng chính phủ hãy làm sao cho những con người lam lũ nhất ở những vùng hẻo lánh nhất như Shillong hiểu được và biết được những quyết sách đó. Người dân, đặc biệt người dân tộc thiểu số, có quyền được biết họ sẽ hưởng lợi gì từ đó. Đừng để họ bị bỏ lại phía sau”. Tuy vậy, khi nói với Thanh Niên, ông Domes cho biết mình vẫn tin vào chính phủ và hy vọng niềm tin của mình đặt đúng chỗ: “Với một đất nước mà chênh lệch giàu nghèo vẫn còn quá lớn như Ấn Độ, chúng tôi vẫn ủng hộ chính phủ tăng ngân sách quốc phòng, tăng cường chính sách “Hành động hướng Đông”. Chỉ bởi vì chúng tôi chứng kiến những gì Trung Quốc đang thực hiện trong khu vực và biết rằng mình không còn lựa chọn nào khác”.
Quyền lợi chính đáng ở biển Đông
Trao đổi với Thanh Niên từ Hawaii, GS Mohan Malik (Trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á - Thái Bình Dương, Mỹ) nhận xét rằng Ấn Độ đang ngày càng khẳng định mình có quyền lợi chính đáng liên quan đến tự do hàng hải và khai thác tài nguyên tại biển Đông. “Trong bối cảnh hiện nay, nếu Bắc Kinh xem Ấn Độ Dương quan trọng đối với phát triển kinh tế và an ninh thế nào thì New Delhi cũng xem biển Đông thiết yếu như thế. Việc Ấn Độ tăng cường hiện diện tại biển Đông có vai trò đối trọng đối với Trung Quốc, và hỗ trợ các nước nhỏ hơn. Một khi Ấn Độ đã không xem Ấn Độ Dương là ao nhà của riêng mình, thì Trung Quốc cũng không được xem Nam Hải (biển Đông - NV) là chỉ của riêng họ”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.