Sức sống mới nơi non nước xứ Mường

Hòa Bình giờ đã đổi thay nhiều ở những nơi rẻo cao, núi sâu, người Mường cùng đồng bào các dân tộc Tày, Thái, Dao, Mông dần vượt qua nghèo đói, bừng bừng khí thế phát triển kinh tế với nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội.

Câu chuyện giảm nghèo phát triển bền vững hứa hẹn có thêm những đột phá mới nhờ sự đặc biệt quan tâm và đồng hành của Tỉnh Hòa Bình cùng chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) tỉnh Hòa Bình, giai đoạn 2022 - 2030.

Ủy viên BCH TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Ngô Văn Tuấn phát biểu tại buổi làm việc với Đoàn công tác NHCSXH

Đoàn công tác của NHCSXH do Ủy viên HĐQT - Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng làm Trưởng đoàn trong buổi làm việc với Tỉnh ủy Hòa bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hòa Bình kiêm Trưởng ban đại diện HĐQT chi nhánh NHCSXH tỉnh Hòa Bình Nguyễn Văn Toàn cho biết: là tỉnh miền núi, cửa ngõ vùng Tây Bắc, có vị trí địa lý quan trọng, vùng đệm trung gian tiếp nối giữa Đồng bằng châu thổ Bắc Bộ với vùng núi cao miền Tây Bắc của Tổ quốc, nơi sinh sống của 6 dân tộc, trong đó người Mường chiếm 63,3%, những năm qua, công cuộc giảm nghèo của tỉnh có sự góp sức trọng yếu của chi nhánh NHCSXH tỉnh Hòa Bình.

Thành lập năm 2003, 3 chương trình tín dụng ban đầu với tổng dư nợ hơn 206 tỉ đồng. Đến 31.12.2021 Hòa Bình đang triển khai thực hiện 19 chương trình TDCSXH với tổng dư nợ đạt trên 3.625 tỉ đồng với 120.947 khách hàng dư nợ, gấp 16,6 lần so với mới thành lập.

Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng phát biểu tại buổi làm việc với Tỉnh ủy Hòa Bình

Gần 600 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn tại NHCSXH tỉnh Hòa Bình với tổng doanh số đạt 10.521 tỉ đồng. Duy trì việc làm cho gần 46 nghìn lao động; hơn 1,3 nghìn lao động làm việc có thời hạn ở nước ngoài; gần 32 nghìn lượt HSSV có hoàn cảnh khó khăn vay vốn trang trải chi phí học tập; cho vay hỗ trợ xây dựng, cải tạo gần 179 nghìn công trình cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; xây dựng, sửa chữa gần 21,5 nghìn căn nhà ở cho hộ nghèo; 10 người sử dụng lao động được vay vốn để trả lương ngừng việc cho 1.462 lượt người lao động do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19...

Thành viên Ban chỉ đạo giảm nghèo Quốc gia - Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng ghi nhận thành quả hoạt động tín dụng chính sách 20 năm qua do sự quan tâm, vào cuộc của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đề ra nhiều chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế, giảm nghèo triển khai TDCSXH và hoạt động của NHCSXH trên địa bàn.

Tỉnh ủy đã ban hành một công văn riêng triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22.11.2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Quyết định số 401/QĐ-TTg ngày 14.3.2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với TDCSXH, để hiện thực vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH thực hiện cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.

Gần đây Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã nhanh chóng ban hành Kết luận số 06-KL/TW ngày 10.6.2021, từ đó UBND tỉnh đã xây dựng và ban hành kế hoạch và công văn triển khai thực hiện.

Toàn cảnh buổi làm việc Đoàn công tác NHCSXH với Tỉnh ủy Hòa Bình

Hiệu quả hoạt động của chi nhánh NHCSXH tỉnh Hòa Bình, như nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương tăng 55 tỉ đồng so với trước khi có Chỉ thị số 40-CT/TW đạt trên 61 tỉ đồng, góp phần đưa tổng nguồn vốn tín dụng đến hết năm 2021 đạt 3.635 tỉ đồng, gấp 16,6 lần so với khi mới thành lập năm 2003.

Chất lượng hoạt động tín dụng chính sách không ngừng được củng cố, nâng lên. Tỷ lệ quá hạn và nợ khoanh chiếm 0,13% tổng dư nợ, giảm 3,7% so với thời điểm nhận bàn giao.

“Hoạt động TDCSXH góp phần tích cực vào thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020 giảm từ 36,14% xuống còn 15,21% so với đầu giai đoạn. Toàn tỉnh có 2 huyện và 65 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.

Hiệu quả hoạt động của NHCSXH trong thời gian qua đã khắc phục các hạn chế, tạo chuyển biến cơ bản về nhận thức của người nghèo, từ mặc cảm tự ti, ỷ lại, sợ vay vốn không biết cách sử dụng vốn đến ý thức vươn lên thoát nghèo làm giàu chính đáng. Mặt khác, TDCSXH đã góp phần đẩy lùi tệ nạn cho vay nặng lãi ở nông thôn, tạo niềm tin của người dân đối với chính quyền địa phương”, Bí thư Tỉnh ủy Ngô Văn Tuấn ghi nhận.

Dự báo năm 2022 tình hình dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp. Tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2022 - 2025 của tỉnh Hòa Bình còn cao (hộ nghèo 15,49%; hộ cận nghèo 10,65%). Tỉnh đã kế hoạch dành nguồn vốn hằng năm tối thiểu 32 tỉ đồng ủy thác qua chi nhánh NHCSXH tỉnh cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách. Ông Tuấn đề nghị NHCSXH Trung ương quan tâm bố trí nguồn vốn tăng trưởng từ 12 - 15%/năm trong giai đoạn 2022 - 2025, đặc biệt là nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm để kịp thời đáp ứng nhu cầu vay vốn của các đối tượng thụ hưởng trên địa bàn.

Trong chương trình công tác tại tỉnh Hòa Bình, Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng đã làm việc với Lãnh đạo chủ chốt chi nhánh tỉnh nhằm đánh giá tình hình hoạt động của chi nhánh trong năm 2021 và kế hoạch thực hiện năm 2022

Ghi nhận những ý kiến đề xuất của tỉnh, Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng đề nghị Tỉnh ủy và UBND tỉnh cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động TDCSXH. Các sở, ngành có liên quan cùng phối hợp với NHCSXH xây dựng các Đề án hỗ trợ người dân được vay vốn tạo việc làm, phát triển sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lao động từ nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH; phấn đấu 5 năm tới, nguồn vốn ngân sách địa phương chiếm từ 8 - 10% tổng nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn để củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội; phối hợp, lồng ghép các mô hình, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn đưa TDCSXH trở thành một trụ cột trong công cuộc giảm nghèo bền vững, và xây dựng nông thôn mới, góp phần xây dựng Hòa Bình trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh, cửa ngõ vùng Tây Bắc.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.