Super Micro: Hacker ‘thực tế không thể’ vào được Apple, Amazon

Thu Thảo
Thu Thảo
24/10/2018 09:17 GMT+7

Một trong ba hãng công nghệ có tên trong bài báo viết về chip gián điệp Trung Quốc trên Bloomberg Businessweek vừa có thư gửi khách hàng, nhắc đến vụ việc.

Cụ thể, Super Micro Computer viết trong thư gửi khách hàng rằng hãng đang kiểm tra lại phần cứng của mình để tìm bằng chứng cho thấy nhiều chip độc hại tồn tại. Hãng cũng viết rằng một vụ hack như Bloomberg miêu tả là không thể xảy ra trên thực tế. “Dù không có bằng chứng nào cho thấy chip phần cứng độc hại tồn tại, chúng tôi vẫn đang tiến hành xác định các thông tin trong bài viết, dù khá phức tạp và tốn thời gian”, thư của Super Micro viết. 
Hôm 4.10, Bloomberg Businessweek dẫn 17 nguồn tin giấu tên từ các cơ quan tình báo và doanh nghiệp cho biết gián điệp Trung Quốc đặt chip siêu nhỏ (microchip) vào thiết bị máy tính do Super Micro sản xuất và được 30 công ty Mỹ dùng, trong đó có Apple, Amazon và nhiều cơ quan chính phủ Mỹ. Microchip giúp Bắc Kinh truy cập vào mạng nội bộ của doanh nghiệp, cơ quan Mỹ.
Super Micro phủ nhận cáo buộc trong bài báo, liệt kê nhiều chi tiết giải thích vì sao một vụ tấn công như thế là phức tạp trong thư. Cổ phiếu hãng này giảm 3,6% trong ngày giao dịch 22.10. Super Micro bị đình chỉ khỏi sàn Nasdaq sau khi lỡ thời hạn nộp đơn lên Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ (SEC).
Các sếp Super Micro viết rằng tin tặc Trung Quốc, nếu muốn hack được như thế, cần phải chạy thử nghiệm thường xuyên. Phần cứng trái phép “rất khó” làm các bo mạch chủ thực sự hoạt động. Ngay cả khi tin tặc ở đây là nhân viên Super Micro chứ không phải nhà thầu, “không có nhân viên hay nhóm nhân viên nào có quyền truy cập không giới hạn vào toàn bộ thiết kế” bo mạch chủ, Super Micro cho hay.
Ngoài ra, hãng cũng cho biết rất khó để các hãng trong chuỗi cung ứng của mình sửa đổi bo mạch chủ, vì nhà cung ứng không có quyền truy cập vào thiết kế đầy đủ của Super Micro.
“Cáo buộc ở đây ngụ ý rằng có số lượng lớn bo mạch chủ bị ảnh hưởng. Bloomberg không nói rõ tên một bo mạch chủ nào bị ảnh hưởng, chúng tôi không tìm thấy thành phần độc hại trong sản phẩm của mình, không cơ quan chính phủ nào liên lạc chúng tôi vì vấn đề thành phần phần cứng độc hại và cũng không khách hàng nào báo cáo họ tìm thấy thành phần phần cứng độc hại”, CEO Super Micro Charles Liang tuyên bố.
Cả Apple và Amazon đều phủ nhận bài báo của Bloomberg, hãng tin viết rằng hai công ty này phát hiện vụ việc hồi năm 2015. CEO Apple Tim Cook mạnh mẽ phản đối cáo buộc, kêu gọi Bloomberg rút lại bài báo. Dù vậy, hãng tin Mỹ vẫn giữ vững lập trường về vụ việc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.