Nghiên cứu đã phân tích dữ liệu sức khỏe của hơn 200.000 người. Họ được khảo sát chế độ ăn uống 4 năm/lần. Trong khoảng thời theo dõi 30 năm, nhóm nghiên cứu ghi nhận hơn 16.000 người mắc bệnh tim. Trong đó, hơn 10.000 người bị bệnh tim mạch vành và khoảng 6.000 người bị đột quỵ, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).
Nghiên cứu phát hiện tăng lượng protein thực vật sẽ giúp giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh tim. Cụ thể, những người tăng nạp protein thực vật so với động vật theo tỷ lệ 1:2 thì nguy cơ mắc bệnh tim giảm 19%, nguy cơ mắc tim mạch vành giảm 27%.
Ngoài ra, những người ăn nhiều protein thực vật nhất trong nghiên cứu có nguy cơ mắc bệnh tim thấp hơn 28%, bệnh tim mạch vành thấp hơn 36%.
Protein động vật rất cần thiết cho cơ thể vì cung cấp các a xít amin thiết yếu cho quá trình phát triển cơ bắp, tái tạo mô và duy trì sức khỏe tổng thể. Các loại thực phẩm nguồn gốc động vật giàu protein là thịt đỏ như bò, heo và cừu, thịt gà, vịt, trứng, sữa, cá, tôm, mực, bạch tuộc, nội tạng động vật...
Tuy nhiên, nhiều bằng chứng nghiên cứu cho thấy ăn quá nhiều thịt đỏ và thịt chế biến có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Nguyên nhân chính là do thịt đỏ có nhiều mỡ động vật, ăn nhiều sẽ làm tăng nồng độ cholesterol "xấu" LDL, hình thành các mảng xơ vữa động mạch, từ đó tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Thịt chế biến ăn nhiều không tốt cho sức khỏe vì chứa nhiều muối, chất bảo quản và tăng nồng độ cholesterol "xấu" LDL.
Để giảm các tác động này, các chuyên gia khuyến cáo mọi người hãy giảm ăn thịt đỏ, thịt chế biến và thay thế bằng các loại thực vật giàu protein như đậu, quả hạch, nấm, ngũ cốc nguyên hạt và một số loại rau. Những món này không chỉ giàu vitamin, khoáng chất, chất xơ mà còn cả chất chống ô xy hóa có tác dụng ngăn ngừa ung thư, theo Healthline.
Bình luận (0)