Tác nghiệp trong những ngày “dã chiến”

Vũ Hân
Vũ Hân
21/06/2020 06:29 GMT+7

Lịch làm việc thường xuyên của một số PV, BTV và lãnh đạo của báo là thức dậy trước 6 giờ sáng để cập nhật ca bệnh mới, trong khi 1, 2 giờ sáng mới ngủ vì còn cập nhật diễn biến dịch cuối ngày hôm trước.

Kể từ cuộc họp khẩn lúc 22 giờ 30 ngày 6.3 cho đến ngày 22.4, khi cả nước không còn một địa phương nào phải thực hiện giãn cách xã hội, Báo Thanh Niên đã trải qua một tháng rưỡi làm việc liên tục với cường độ cao.

Hà Nội – Đêm mất ngủ vì cô gái nhiễm Covid-19 trở về từ châu Âu - Video tư liệu

Phóng viên Mai Thanh Hải tại chốt chặn, phòng chống dịch Covid-19 tại Đồn biên phòng Tân Hà (Tây Ninh)

Ảnh: Độc Lập

Lên phương án tòa soạn “dã chiến”

Lịch làm việc thường xuyên của một số PV, BTV và lãnh đạo của báo là thức dậy trước 6 giờ sáng để cập nhật ca bệnh mới, trong khi 1, 2 giờ sáng mới ngủ vì còn cập nhật diễn biến dịch cuối ngày hôm trước. Không chỉ riêng Thanh Niên, hầu như tất cả các cơ quan truyền thông lớn của Việt Nam đều tác nghiệp trong hoàn cảnh, cường độ căng thẳng, thường xuyên, liên tục tương tự. Thanh Niên thậm chí còn chuẩn bị phương án “tòa soạn dã chiến” cho trường hợp phải cách ly thì sẽ cách ly cùng nhau để tiếp tục tác nghiệp.

 Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam 21.6, bên cạnh niềm tự hào, chúng tôi thấy gánh nặng trách nhiệm trên vai mình, từ kỳ vọng và từ quyền được tiếp cận với những thông tin tốt nhất, hay nhất của hàng triệu độc giả. Chúng tôi hiểu rằng tốt so với chính mình, chưa phải là đủ

Không chỉ lượng công việc tăng lên, báo chí, nhất là các báo in, còn bị một sức ép khác là... ế ẩm trong tiêu thụ báo. Giãn cách xã hội, các hoạt động kinh tế đình đốn, nên không ai mua báo. Kinh tế báo chí sụt giảm thê thảm. Trong những ngày sôi sục nhất của dịch bệnh, nhiều cơ quan báo chí cũng thông báo giảm lương.
Niềm an ủi và động lực của chúng tôi trong những ngày căng thẳng đó chính là độc giả và cảm giác mình hữu ích. Độc giả của Thanh Niên tăng từng ngày, nhiều bài báo vọt lên mức triệu view và nhiều độc giả email xin tư vấn cần làm gì trong dịch bệnh (trong đó có cả email từ người nước ngoài muốn nhập cảnh vào Việt Nam). Hàng triệu người đã được Thanh Niên thông tin kịp thời, không chỉ về ca bệnh mới, mà cả việc nên ứng xử ra sao để tự bảo vệ mình, bảo vệ người xung quanh và giúp ích cho việc chống dịch. Đợt dịch khiến chúng tôi hiểu ra rằng, trong lúc khủng hoảng nhất, thông tin cá nhân trên các diễn đàn trang mạng đa chiều, thiếu kiểm chứng, mọi người đều tìm về với những địa chỉ tin cậy. Thanh Niên tự hào là một trong những địa chỉ đó.

Tốt so với chính mình chưa đủ

Đảm bảo an toàn cho bản thân

Xuyên suốt mùa tác nghiệp Covid-19, là PV mảng y tế, luôn đi hiện trường, chúng tôi vẫn phải đối diện với sự e dè của người xung quanh, đó cũng là điều hiển nhiên. Nhưng hơn ai hết, chúng tôi phải tự biết bảo vệ mình không chỉ với đồ bảo hộ, rửa tay bằng xà phòng, đó còn là ý thức tác nghiệp ở khu cách ly, không phải bất chấp để có hình ảnh, thông tin. Chúng tôi cho đến bây giờ hoàn thành nhiệm vụ được giao với hàng trăm tin bài, có nhiều thông tin hữu ích về dịch Covid-19 để cung cấp cho bạn đọc, nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho mình, cho gia đình và xã hội.  
Duy Tính
Covid-19 hoàn toàn mới trên thế giới chứ không riêng gì ở Việt Nam. Và để thông tin đến độc giả một cách đúng đắn, “phải liều” - không gieo rắc hoang mang, nhưng cũng không để mọi người quá chủ quan, ngoài chạy theo thông tin, cả ê kíp Thanh Niên phải học hỏi liên tục về dịch bệnh, các diễn biến mới, các phản ứng mới của thế giới, tiến độ nghiên cứu vắc xin... Thật may mắn, với tất cả nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, sự hưởng ứng vào cuộc tích cực của người dân, Việt Nam đã kiềm chế được dịch chỉ trong vòng một tháng rưỡi, trong đó có phần đóng góp của truyền thông.

Cận cảnh máy ATM gạo đầu tiên ở Hà Nội giúp người nghèo trong đại dịch Covid-19 - Video tư liệu

Ấm lòng ATM gạo

Thư ký tòa soạn Bùi Quang Duẩn

Ảnh: Ngọc Thắng

Là một thư ký tòa soạn, giữa lúc dịch bệnh diễn biến phức tạp, thì hàng phút, hàng giờ tôi tiếp nhận, biên tập và đăng tải các “bản tin nặng nề” về số ca nhiễm, phong tỏa khu phố có người mắc bệnh, người dân đổ xô đi mua khẩu trang, siêu thị... từ các PV liên tục đổ về. Bởi thế, nhiều không khỏi cảm thấy nặng nề, căng thẳng. Trong bối cảnh đó, ATM gạo đã làm ấm lòng người nghèo, người dân gặp khó khăn trong dịch bệnh nguy hiểm, làm ấm lòng những con dân nước Việt, khi tình người được lan tỏa. Tôi đã xúc động vô cùng khi được biên tập và nhấn nút đăng tin bài về những cây ATM gạo miễn phí, một sáng kiến tuyệt vời “Made in Việt Nam” được bạn bè năm châu thán phục, không ngớt lời ngợi ca và không ít nơi trên thế giới đã làm theo. Vui lắm, khi chúng tôi - những người làm báo - được làm cầu nối để lan tỏa những điều tử tế.
Quang Duẩn
Tuy vậy, khoảng cách của báo chí Việt Nam với báo chí thế giới vẫn còn rất xa và nó càng thể hiện rõ ràng hơn trong những tình huống lịch sử như truyền thông về đại dịch. Báo chí dữ liệu, một loại hình báo chí còn rất sơ khai ở Việt Nam, đã được báo chí thế giới phát huy triệt để trong đại dịch Covid-19. Một số bài trong số đó có tác động thay đổi cách đối phó với dịch của các chính quyền.
Bài báo, hay đúng hơn, nên gọi là “công trình”, Coronavirus Tracked (tạm dịch “Theo dấu virus corona”) của Financial Times, đứng thứ nhất bảng xếp hạng “Báo chí dữ liệu tốt nhất trong Covid-19” của Press Gazette (một tạp chí về truyền thông của Anh), là một bài báo như vậy. Bắt đầu từ ngày 10.3, cho đến nay, bài báo này vẫn được cập nhật dữ liệu mới liên tục, được trực quan hóa bằng đồ họa cho thấy diễn biến của dịch, số người nhiễm, mức độ gia tăng... Dữ liệu mà Financial Times đưa ra trong bài báo này và cách thức thể hiện sáng tạo của họ, được cho là đã khuyến khích chính phủ các nước có những hành động khẩn cấp, bao gồm cả phong tỏa, trước sự bùng phát quá nhanh, quá mạnh của đại dịch.

Xa vợ con 1 tháng vì 2 lần là F2

PV Lã Nghĩa Hiếu tác nghiệp tại khu vực Cửa khẩu quốc tế Móng Cái

Quảng Ninh có đường biên giới trên bộ và trên biển dài hơn 100 km giáp Trung Quốc. Khi xảy ra đại dịch Covid-19, nơi đây được xem là địa bàn điểm nóng, nhạy cảm về dịch bệnh nguy hiểm này. Đầu tháng 3, khi tôi đến tác nghiệp tại khu cách ly tập trung Centre Way (P.Bình Ngọc, TP.Móng Cái, Quảng Ninh), nơi luôn có hơn 200 người đến từ vùng dịch tại Trung Quốc thực hiện cách ly 14 ngày sau khi nhập cảnh vào Việt Nam qua Cửa khẩu quốc tế Móng Cái. Trước khi rời đi, tôi được bác sĩ thông báo mình thuộc diện F2 và phải hạn chế tiếp xúc với người khác. Rời Móng Cái, tôi gọi điện thông báo ngay cho gia đình để vợ con kịp thời sơ tán sang nhà ông bà nội tránh tiếp xúc, phòng ngừa dịch. Lúc tự cách ly ở nhà, tôi cũng gần như sinh hoạt riêng biệt.

Đầu tháng 4, tôi đến khu cách ly tập trung tại Trường quân sự tỉnh Quảng Ninh. Sau khi phỏng vấn 2 nữ du học sinh trở về từ tâm dịch Daegu (Hàn Quốc), tôi một lần nữa trở thành F2. Lần này thì có phần căng thẳng hơn, vì khi ấy Daegu là tâm dịch của thế giới. Lại thêm 2 tuần nữa tự cách ly, cuộc sống có chút xáo trộn, nhưng sau đó có thể thở phào khi đã hoàn toàn an toàn trước dịch bệnh nguy hiểm này.  
 Lã Nghĩa Hiếu
Đây là bài báo được đọc nhiều nhất trong lịch sử Financial Times, chỉ trong vòng 1 tuần đã đạt 40 triệu view và cho đến nay chưa có công bố chính thức tổng số lượt đọc. Bài báo này cũng đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và được thừa nhận bởi nhiều nhà dịch tễ học và chuyên gia.
Đứng thứ 2 là một bài báo, chính xác hơn, chỉ là một biểu đồ đơn giản trong một bài báo của The Economist hồi cuối tháng 2. Biểu đồ không bao gồm một con số nào, chỉ cho thấy nếu chính phủ không có hành động gì thì đỉnh dịch sẽ cao ra sao và nếu có các hành động kiềm chế, đỉnh dịch sẽ thấp xuống. Thông điệp đơn giản của nó đã có tác động đến toàn thế giới và khiến cho cụm từ “flatten the curve” - “là thẳng đường cong”, đình đám toàn cầu, thành phương châm hành động cho chiến dịch chống Corona của nhiều nước. Biểu đồ này cũng được ghi nhận “đã cứu hàng nghìn mạng sống”. Đây là những ví dụ cho thấy, báo chí không chỉ đưa tin sự kiện, mà còn có tác động thay đổi cục diện. Báo chí dữ liệu chính là một hướng đi mà báo chí Việt Nam nói chung, Thanh Niên nói riêng, đang hướng tới.

Những khoảng lặng trong mùa chống dịch

PV Liên Châu ở xã Sơn Lôi, H.Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) ngày 15.2, là thời điểm bắt đầu cách ly y tế tâm dịch Sơn Lôi

Ảnh: Thúy Anh

Đồng hành cùng các cán bộ y tế trong những ngày cao điểm chống dịch Covid-19, PV Thanh Niên đã gặp những cán bộ y tế xã, phường, các cộng tác viên tại các khu dân cư “trực chiến” chống dịch. Họ chia ca kíp 24/7, tham gia phản ứng nhanh để kịp thời nắm bắt thông tin, hướng dẫn người dân phòng bệnh, hướng dẫn người dân cách ly y tế an toàn tại gia đình. Bất kể giờ nào, ngay khi có thông tin tại địa bàn mình phụ trách, họ xuất hiện nhanh chóng kịp thời. Các bác sĩ của Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã có những ngày dài xa nhà, cùng cán bộ y tế và người dân địa phương chống dịch trong những ngày cách ly “điểm nóng” Sơn Lôi (H.Bình Xuyên, Vĩnh Phúc). Hỗ trợ cực kỳ hiệu quả chống dịch còn là đội truy vết những người tiếp xúc ca bệnh. Công việc tưởng như tìm kim đáy bể vì hàng trăm người đã tỏa đi khắp nơi sau 2 - 3 ngày từng tiếp xúc, từng cùng chuyến bay với ca bệnh.
Được sống cùng với những cán bộ “cộng đồng” chống dịch những ngày qua, những bác sĩ tuyến đầu thầm lặng, nghề báo đã giúp chúng tôi nhận ra những khoảng lặng vô cùng đáng trân trọng.     
Liên Châu
Đến thời điểm này, chúng tôi hiểu rõ dịch vẫn chưa kết thúc, không chỉ là câu chuyện “làn sóng thứ 2” vẫn còn treo lơ lửng, mà ở chuyện cuộc sống sẽ được khôi phục ra sao hậu dịch bệnh. Hơn nữa, Covid-19 không phải dịch bệnh cuối cùng, cũng như cuộc sống sẽ vẫn tiếp diễn, truyền thông cũng vậy, chỉ là theo cách nào.
Thanh Niên muốn theo cách hữu ích với độc giả. Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam 21.6, bên cạnh niềm tự hào, chúng tôi thấy gánh nặng trách nhiệm trên vai mình, từ kỳ vọng và từ quyền được tiếp cận với những thông tin tốt nhất, hay nhất của hàng triệu độc giả. Chúng tôi hiểu rằng tốt so với chính mình, chưa phải là đủ.

3 lý do khiến tôi là “fan” của Thanh Niên

Cá nhân tôi theo dõi tương đối kỹ nội dung và cách đưa tin đại dịch Covid-19 của truyền thông tại Việt Nam, đặc biệt trong giai đoạn khoảng hơn 1 tháng (giữa tháng 2 tới giữa tháng 3), khi tôi cũng về nước để đưa tin dịch.
Nhìn chung, truyền thông tại Việt Nam đưa tin nhanh và khá đầy đủ về diễn biến dịch bệnh trong nước, khu vực và thế giới. Ngoài các bài viết, phóng sự ảnh, video clip, tôi đã trực tiếp xem những phóng sự truyền hình làm công phu, nội dung khá phong phú với khách mời có trình độ và chuyên môn. Nhiều PV tại Việt Nam rất năng động và một số thậm chí dũng cảm tiếp cận những khu vực “có rủi ro” để đưa tin. Tất nhiên, không thể nói truyền thông Việt Nam không có nhược điểm, như việc quá tập trung vào chi tiết của từng bệnh nhân như tuổi tác, giới tính, hoàn cảnh mắc bệnh...
Báo Thanh Niên điện tử là một trong một vài kênh thông tin tôi thường xuyên theo dõi, kể cả trước khi có chuyến đi về Hà Nội đưa tin dịch Covid-19. Có 3 lý do chính khiến tôi là “fan” của báo này. Thứ nhất, nội dung của báo đặt ưu tiên cao cho các tin thời sự quan trọng ở trang nhất, trong khi vẫn đảm bảo được những tin liên quan khác như kinh tế, giáo dục... trong dịch Covid-19. Thứ hai, mặc dù Thanh Niên đôi khi không phải là báo đưa tin sớm nhất, nhưng tôi có cảm giác rằng đội ngũ PV “tuyến đầu” của báo này thực hiện kiểm chứng tin khá nhanh và chính xác. Do đó, khi phải trích dẫn lại để đưa tin hoặc bình luận từ Thanh Niên, thì cá nhân tôi khá yên tâm. Thứ ba, đối với một số phóng sự mang tính chất phân tích hoặc điều tra sâu, nhiều bài của Thanh Niên thể hiện PV có đầu tư công sức và thời gian.
Trong khi Thanh Niên đang có những cải thiện về đưa tin trên mạng xã hội thì tin ở dạng “news feed” đến với độc giả chưa mạnh và chưa được chia sẻ nhiều. Với sự thay đổi thói quen tiếp cận tin của thế giới nói chung và bạn đọc tại Việt Nam nói riêng, có những bài của báo này có nội dung tốt có thể không đến được với độc giả. Và tất nhiên, báo chí thế giới đã có những bước tiến dài trong cách thức và chất lượng thông tin, không chỉ đơn thuần là “đưa tin” nữa. Đó là con đường mà những tờ báo hàng đầu như Thanh Niên nên hướng tới.
Nguyễn Hoàng (Phóng viên BBC News tiếng Việt, London)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.