100% số huyện nông thôn miền Bắc có điện

07/11/2014 09:15 GMT+7

Nhiều năm qua, Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVN NPC) luôn là đơn vị dẫn đầu toàn ngành trong triển khai đưa điện về nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVN NPC) là đơn vị dẫn đầu toàn ngành trong triển khai đưa điện về nông thông, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo - Ảnh: Nguyễn Quý
Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVN NPC) là đơn vị dẫn đầu toàn ngành trong triển khai
đưa điện về nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo - Ảnh: Nguyễn Quý

Tính đến hết tháng 9.2014, đã có 100% số huyện, 99% số xã với hơn 97% số hộ dân nông thôn ở các tỉnh phía Bắc được sử dụng điện lưới quốc gia với giá bán theo quy định của nhà nước.

Khó khăn với EVN NPC và các công ty thành viên là không nhỏ, khi nguồn vốn đầu tư lớn, trong khi địa hình nông thôn miền núi phía Bắc trải rộng và phức tạp, phụ tải không tập trung, bán kính cấp điện lớn, đường dây trung, hạ áp rất dài… Với các vùng đặc biệt khó khăn như các xã biên giới ở Lai Châu, Điện Biên, để kéo được điện lưới đến với nhà dân, EVN NPC phải đầu tư từ 40-80 triệu đồng/hộ, mức trung bình đầu tư tại các vùng nông thôn khác cũng đã lên tới 15-20 triệu đồng/hộ.

Ông Trịnh Xuân Như, Giám đốc Công ty Điện lực Thanh Hóa cho biết với đặc điểm địa bàn tới 11 huyện miền núi với hơn 12.000 km2, để phủ lưới điện tới 100% số xã với hơn 98,7% số hộ dân nông thôn có điện lưới quốc gia là kết quả nỗ lực của công ty cũng như sự quan tâm của EVN NPC.

Còn theo ông Lê Văn Hay, Giám đốc Công ty Điện lực Điện Biên, trước năm 2005 tỷ lệ các xã trên địa bàn Điện Biên có điện chỉ đạt chưa tới 50%. Đến nay, Điện Biên đã có hơn 93% số xã có điện lưới quốc gia với gần 70% số hộ dân nông thôn có điện lưới quốc gia. Dự kiến, sau khi dự án kết thúc vào năm 2015 sẽ đưa tỷ lệ số xã của Điện Biên có điện lên 98% và số hộ có điện là khoảng 90%, trong đó, số hộ dân nông thôn có điện sẽ tăng lên lên khoảng trên 80%.

Đặc biệt, thành công lớn của EVN NPC trong những năm gần đây là việc đưa điện lưới quốc gia tới các xã đảo, huyện đảo, song song với việc đưa điện tới vùng sâu, vùng xa, biên giới trên đất liền. Có thể kể tới thành công của việc đưa điện lưới quốc gia bằng cáp ngầm ra huyện đảo Cô Tô (tỉnh Quảng Ninh) vào cuối năm 2013 đã đem lại hiệu quả tích cực tới đời sống kinh tế xã hội của bà con vùng đảo.

Không chỉ có đủ điện cho phát triển kinh tế, ổn định đời sống, giúp nhân dân trên đảo yên tâm bám biển, dự án đưa điện lưới ra đảo Cô Tô cũng đã giúp ngư dân trên đảo lần đầu tiên được hướng giá điện bằng với giá đất liền.

Thành công trong việc lần đầu tiên áp dụng công nghệ chôn rải cáp ngầm 22 kV dưới đáy biển là bài học và tiền đề quan trọng trong triển khai các dự án đưa lưới điện quốc gia bằng cáp ngầm ra các huyện đảo khác của đất nước như Phú Quốc, Lý Sơn…

Ông Nguyễn Phúc Vinh, Chủ tịch HĐTV, Tổng giám đốc EVN NPC cho biết tính đến thời điểm này, Tổng công ty đã tiếp nhận gần 4.000 xã biên giới, hải đảo, nông thôn và bán điện trực tiếp cho hơn 30 triệu người dân nông thôn theo giá quy định của nhà nước.

Những thành công trên cũng là cơ sở để mới đây tại lễ kỷ niệm 45 thành lập, EVN NPC đã vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập Hạng nhất. Không chỉ tập trung các nguồn vốn đầu tư phát triển lưới điện để kịp thời cấp điện phục vụ cho các công trình, dự án trọng điểm quốc gia, đáp ứng nhu cầu điện cho sản xuất và đời sống sinh hoạt của nhân dân, EVN NPC đang phối hợp với 27 tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc tiếp tục triển khai chương trình đưa điện lưới đến các thôn, bản khu vực miền núi, biên giới và hải đảo giai đoạn đến năm 2020, nhằm quản lý và nâng cao chất lượng điện năng, bán điện trực tiếp đến các hộ dân trên địa bàn 27 tỉnh, thành miền Bắc.

Long Nguyễn

>> EVN không được đầu tư bất động sản, ngân hàng
>> EVN Hà Nội đồng hành cùng 'Giờ Trái đất 2014
>> EVN phối hợp xả nước đủ cho vụ Đông xuân
>> EVN rút vốn khỏi bất động sản, tài chính 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.