3 yếu tố chính ảnh hưởng thị trường toàn cầu 2018

04/01/2018 12:08 GMT+7

2018 được dự đoán sẽ là một cuộc chạy đua "căng não" dành cho các nhà đầu tư toàn cầu, với vấn đề căng thẳng địa chính trị lặp đi lặp lại và những cơn bùng nổ khó lường của ngành công nghệ.

Bên cạnh Thế vận hội mùa đông và World Cup, các doanh nhân có thể sẽ còn phải theo dõi những thách thức hạt nhân của Triều Tiên, ảnh hưởng của Brexit (Anh rời Liên minh châu Âu), cải cách kinh tế của Trung Quốc và cuộc bầu cử giữa kỳ của Mỹ trong 12 tháng tới.
Dưới đây là ba chủ đề được đánh giá là nổi bật hơn cả trong số những vấn đề chính có thể gây ảnh hưởng đến bức tranh toàn cảnh thị trường toàn cầu trong năm 2018, theo tổng hợp từ CNBC.
Cuộc công kích các “ông lớn” công nghệ
Daniel Franklin, Tổng biên tập của tờ The Economist, trong một cuộc phỏng vấn với CNBC cho biết, ông tin rằng một trong những chủ đề được chú ý nhất trong năm 2018 chắc chắn sẽ là các đợt công kích nhắm vào nhóm công ty công nghệ lớn. Trong những tháng tới, các nhà lập pháp trên khắp thế giới nhiều khả năng sẽ tăng áp lực lên các công ty công nghệ đa quốc gia như Facebook, Google và Amazon.
“Các công ty này đã trở nên đáng lo ngại. Cách họ sử dụng dữ liệu không phải lúc nào cũng là điều làm người dùng cảm thấy thoải mái và khiến công chúng phải đặt ra câu hỏi rằng liệu nền tảng của họ có đang được dùng cho các mục đích chính trị hay không”, ông Franklin nói.
Một số công ty công nghệ Mỹ đã đặt trụ sở chính của họ tại các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) để được hưởng các chế độ thuế ưu đãi. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc đa số lợi nhuận của các công ty này đều đến tại các quốc gia châu Âu. Khi được hỏi liệu phản ứng dữ dội được dự đoán sẽ xảy đến đối với các công ty công nghệ lớn nhất thế giới sẽ là nỗi lo cho châu Âu hay Mỹ, ông Franklin nói: “Tôi nghĩ rằng thực sự cả hai đều bị ảnh hưởng”.
Theo ông Franklin, các công ty xuyên Đại Tây Dương cũng cần phải chú ý đến một số quy định về Tiêu chuẩn bảo vệ dữ liệu chung (GPDR). GPDR đại diện cho luật bảo vệ dữ liệu trên khắp EU. Việc không tuân thủ GPDR có thể dẫn đến mức phạt tương đương 4% doanh thu toàn cầu hoặc 20 triệu euro (khoảng 23,5 triệu USD).
Câu hỏi quan trọng: Liệu tăng trưởng toàn cầu có thể tiếp tục trong năm 2018?
“Chúng tôi nghĩ là có”, các nhà phân tích của ngân hàng USB nhận định. Theo các nhà nghiên cứu của ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ, điều kiện tài chính ở Mỹ và châu Âu hiện tương đối “dễ dàng” và hầu hết các điều chỉnh của nền kinh tế toàn cầu đang giúp tạo ra sân chơi rộng hơn và tự do để bắt kịp tăng trưởng. Các chuyên gia này dự báo tăng trưởng toàn cầu sẽ đạt 3,8% vào năm 2018, ngang bằng với năm 2017, với sự tham gia của tất cả các nền kinh tế lớn.
Trong khi đó, hãng kiểm toán PwC dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ đạt 3,7% trong năm nay. PwC cho biết chu kỳ hồi phục đã diễn ra mạnh hơn dự kiến ở khu vực đồng euro và tăng trưởng mạnh mẽ ở Mỹ sẽ hỗ trợ sự mở rộng chung.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron
Theo ông Daniel Franklin, năm nay thế giới sẽ thấy hai ý thức hệ kinh tế - chính trị tiếp tục cạnh tranh nhau. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hứa hẹn một hình thức hợp tác mới về xã hội hóa toàn cầu, thúc đẩy cạnh tranh và kinh doanh, trong khi vẫn bảo vệ cho những người lao động không được chú ý bởi sự phát triển này. Còn Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn tập trung vào chương trình nghị sự với tiêu chí đặt nước Mỹ lên hàng đầu.
Trong suốt 12 tháng đầu tiên của mình tại Nhà Trắng, Tổng thống Trump không ít lần bị chỉ trích vì đã ưu tiên quyền lợi của Mỹ trong mối quan hệ với các đối tác và liên minh quốc tế. Tuy nhiên, ông Trump nhấn mạnh rằng ông muốn tạo ra công ăn việc làm tốt cho công dân Mỹ. Bên cạnh việc cắt giảm thuế, ông Trump đồng thời cũng hứa hẹn một kế hoạch đầy tham vọng đầu tư vào cơ sở hạ tầng.
Hai hệ tư tưởng đối lập của hai nhà lãnh đạo đã nhiều lần thể hiện rõ trên sân khấu quốc tế. Ngay sau khi Tổng thống Trump quyết định rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, ông Macron đã thông báo một sáng kiến mang tên “Make our planet great again” (tạm dịch “Làm cho hành tinh chúng ta vĩ đại trở lại”), một sự mỉa mai rõ ràng đối với chiến dịch “Make America Great Again” (Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại) được Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ đưa ra trước đó.
Được biết, ông Macron cũng muốn cải thiện nền kinh tế Pháp bằng cách làm cho thị trường lao động trở nên linh hoạt hơn. Tuy nhiên, những chính sách của ông đến nay vẫn còn là vấn đề gây tranh cãi với công đoàn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.