5 bài học rút ra từ kinh tế Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama

19/01/2017 19:44 GMT+7

Bài viết này là nhận định của ông Mohamed A. El-Erian, cây bút chuyên mục Bloomberg View, cố vấn kinh tế trưởng của hãng Allianz và là Chủ tịch Hội đồng Phát triển Toàn cầu của Tổng thống Mỹ.

Tôi nhớ rất rõ mớ hỗn độn kinh tế và tài chính mà Tổng thống Mỹ Barack Obama thừa hưởng khi tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Mỹ thứ 44 cách đây tám năm. Tăng trưởng và thương mại nổ tung, hàng triệu người Mỹ mất việc và thị trường chứng khoán lao dốc không phanh. Sự kết hợp trên khi đó cũng có mặt ở nhiều nước khác, thúc đẩy cảm giác bất an sâu sắc về kinh tế, tài chính vốn không xuất hiện trong hơn 70 năm.
Mỹ là một ngôi sao trong thế giới phát triển với số việc làm mới được tạo ra ở mức kỷ lục, tỷ lệ thất nghiệp đáng tự hào và là nơi tốt nhất cho đổi mới, sáng tạo, kinh doanh. Ngoài ra, tất cả các chỉ số chứng khoán chính đều lên cao kỷ lục, đem lại lợi nhuận lớn cho giới đầu tư trong suốt nhiệm kỳ của ông Obama.
Tuy nhiên danh sách các thành tựu này bị đè nén bởi cảm giác rằng nước Mỹ có thể làm được nhiều hơn, đặc biệt là khi nhắc đến tăng trưởng kinh tế toàn diện hơn, tăng trưởng lương bổng tốt hơn và ổn định tài chính hơn. Nhìn từ góc độ này, dưới đây là 5 bài học quản lý kinh tế quan trọng có thể hữu ích trong tương lai.
1. Kinh tế Mỹ không còn gói gọn trong các chu kỳ
Khi đỉnh cao của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đi qua, có ý kiến cho rằng thiệt hại kinh tế không có gì lớn hơn một cuộc suy thoái mang tính chu kỳ dù nó khá nghiêm trọng. Vì vậy, nhiều nỗ lực chính sách bị ảnh hưởng bởi quan điểm kinh tế phục hồi “theo hình chữ V”. Giới hoạch định chính sách ít chú ý đến các yếu tố rủi ro, nguy cơ cụ thể và mang tính cấu trúc vốn đè nặng sức phục hồi tăng trưởng. Thời gian quý báu bị lãng phí, không chỉ về mặt kinh tế mà còn về mặt chính trị. Kết quả là thách thức tăng trưởng đang ngày càng ăn sâu hơn vào cơ cấu kinh tế Mỹ hiện nay.
2. Tầm nhìn kinh tế trung hạn là cần thiết để duy trì lực kéo kinh tế
Một tầm nhìn kinh tế trung hạn liên kết và được phổ biến rộng rãi ít được chú ý khi mà quá nhiều sự tập trung đổ dồn về các biện pháp chính sách có tính chu kỳ. Khi điều tệ nhất của khủng hoảng đã qua, kinh tế Mỹ thiếu cái khuôn hiệu quả, kéo dài nhiều năm để hỗ trợ nhiều kế hoạch xây dựng chính sách và hoạt động kinh doanh. Các sáng kiến cá nhân được đề bạt lên Quốc hội, trong đó có những đề xuất ủng hộ việc làm và ủng hộ đầu tư, trở nên dễ tổn thương hơn trước các thay đổi bất thường của sự phân cực chính trị.
3. Chuyện phụ thuộc vào chính sách tiền tệ là không bền vững
Khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bước vào để hỗ trợ kinh tế, họ cho phép tăng trưởng ngắn hạn cao hơn và biến động tài chính thấp hơn những gì sẽ diễn ra nếu đi theo các nguyên tắc cơ bản. Song sử dụng những công cụ phù hợp với ''căn bệnh'' ngay trước mắt không thể sửa chữa ''căn bệnh'' về cấu trúc, vốn cản trở mạnh hơn sức khỏe nền kinh tế trong dài hạn. Thực tế, nền kinh tế thay thế hai mô hình tăng trưởng thiếu sót với nhau, đó là chuyển từ nền kinh tế dựa trên nợ khu vực tư nhân, đòn bẩy và kỹ thuật tài chính sang nền kinh tế phụ thuộc vào tài chính từ ngân hàng trung ương và lãi suất áp đặt một cách tùy ý. Chừng nào Fed còn thực sự là yếu tố duy nhất hành động trong lĩnh vực chính sách, các lo ngại về thiệt hại và hậu quả khó lường trước vẫn hiển hiện vì sức nặng của chính sách thiếu cân bằng.
4. Cơ cấu là yếu tố quan trọng, đảm bảo sự hợp tác, phối hợp toàn cầu
Hậu thành công của Hội nghị G20 diễn ra vào tháng 4.2009 ở London (Anh), có ít sự phối hợp trong chính sách thế giới. Thay vì xây dựng tính thống nhất trong chính sách xuyên quốc gia để đối phó với các rủi ro và trách nhiệm chung trong kinh tế, các nước ít phối hợp và điều này là một trong những yếu tố khiến kinh tế tăng trưởng ì ạch hơn. Một phần trong sự thất bại của nỗ lực hợp tác phản ánh cấu trúc G20 vốn thiếu tính liên tục và không có ban thư ký phù hợp. Đây là vấn đề mà lẽ ra Mỹ đã có thể giúp giải quyết được.
5. Tìm cách thay đổi thực tại thế giới mới, không phải chiến đấu trận chiến cũ
Chính quyền ông Obama cũng chậm nhận ra sự tái sắp xếp của kinh tế thế giới, trong đó có sự nổi dậy của Trung Quốc trên cương vị một cường quốc quyết đoán hơn. Ứng xử với Ngân hàng Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB) - phát kiến của Trung Quốc, chính quyền Mỹ thay vì tham gia và tìm cách định hình đáng kể nhà băng ngay từ thời khai sinh, đã áp dụng cách tiếp cận từng được dùng vào cuối thập niên 1990. Khi đó, Mỹ phản ứng trước đề xuất lập Quỹ Tiền tệ châu Á bằng cách phá hỏng các nỗ lực vốn có thể tạo ra thể chế cạnh tranh được với nhiều tổ chức khu vực và địa phương do Mỹ dẫn đầu, chiếm ưu thế. Tuy nhiên lần này, Mỹ không thể đoàn kết được đại đa số đồng minh vì các nước này quan tâm đến phát kiến của nền kinh tế lớn thứ nhì kiêm chủ nợ lớn nhất thế giới.
Trước khi rời nhiệm sở, nhiều thành tựu kinh tế to lớn của ông Obama bị những cơ hội bị bỏ qua vùi lấp. Nỗi thất vọng của một bộ phận dân Mỹ thúc đẩy sự phân chia xã hội và sự giận dữ về mặt chính trị. Song theo thời gian, các sử gia sẽ đánh giá cao hơn những di sản kinh tế mà ông để lại.

tin liên quan

Kinh tế Mỹ ra sao dưới thời Tổng thống Obama?
Tổng thống Mỹ Barack Obama nhậm chức vào ngày 20.1.2009 và giờ đây chỉ còn vài ngày nữa là ông chính thức rời nhiệm sở. Dưới đây là bức tranh nền kinh tế Mỹ trong 8 năm được ông lèo lái.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.