Ả Rập Xê Út và tham vọng vào top 15 nền kinh tế lớn nhất thế giới

26/04/2016 11:28 GMT+7

Ả Rập Xê Út vừa công bố kế hoạch đầy tham vọng nhằm đa dạng hóa, trở thành một trong 15 nền kinh tế lớn nhất thế giới giai đoạn hậu sản xuất dầu thô.

Phó Hoàng thái tử Mohammed bin Salman vừa trình bày “Tầm nhìn của Ả Rập Xê Út cho năm 2030”, cho hay lượng tài sản dầu mỏ khủng đang giữ chân sự phát triển của đất nước. “Chúng ta có một cơn nghiện trong vương quốc Ả Rập Xê Út, cơn nghiện của tất cả mọi người, và đây là điều nguy hiểm. Đó là điều giữ chân sự phát triển của nhiều lĩnh vực trong những năm qua”, ông nói trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Al Arabiya.

Với kế hoạch của Phó Hoàng thái tử, Ả Rập Xê Út sẽ thúc đẩy doanh thu từ các nguồn ngoài dầu thô tăng sáu lần, đến 266 tỉ USD vào năm 2030, bán một phần công ty dầu khí quốc doanh Saudi Aramco trên thị trường chứng khoán, tạo ra một quỹ trị giá 1.900 tỉ USD để đầu tư trong nước và quốc tế.

Dầu thô chiếm 87% doanh thu của Ả Rập Xê Út và đợt lao dốc giá dầu kể từ năm 2014 đến nay đã khiến quốc gia Trung Đông gặp khó khăn. Nước này đã cắt giảm nhiều khoản trợ cấp, vay hàng tỉ đô la Mỹ trong nỗ lực cân bằng ngân sách.

Dầu thô Ả Rập Xê Út là một trong các loại dầu có chi phí sản xuất rẻ nhất thế giới, chỉ tốn 10 USD để cho ra lò mỗi thùng. Song Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết nước này cần bán chúng với giá khoảng 86 USD/thùng, hoặc gấp đôi giá thị trường thế giới hiện nay, để cân bằng ngân sách.

IMF dự báo tăng trưởng GDP của Ả Rập Xê Út giảm còn 1,2% trong năm nay từ mức 3,4% hồi năm ngoái. Định chế tài chính này cũng cảnh báo nếu không có sự thay đổi lớn, cường quốc Trung Đông sẽ cạn kiệt tiền mặt trong chưa đầy 5 năm.

Kế hoạch đến năm 2030 của Ả Rập Xê Út nhằm mục đích nâng cao vai trò khu vực tư nhân, thúc đẩy tỷ trọng khu vực này từ 40% lên 65%. Khoảng 70% dân số Ả Rập Xê Út hiện làm việc cho chính phủ. Họ kiếm được nhiều hơn 1,7 lần so với những người công tác trong khu vực tư, theo số liệu điều tra thị trường lao động Ả Rập Xê Út. Phần lớn khu vực tư ở nước này thuê lao động nước ngoài, những người không được hưởng quyền lợi như người sinh ra tại Ả Rập Xê Út.

Chính phủ đất nước Trung Đông muốn khuyến khích người dân làm việc cho các hãng tư nhân. Họ có kế hoạch sử dụng quỹ đầu tư quốc gia để phát triển ngành công nghiệp sản xuất, công nghệ, du lịch và khai thác khoáng sản. 30 triệu khách hành hương mỗi năm là con số mục tiêu cho ngành du lịch đến năm 2030. Ngoài ra, tỷ trọng chi tiêu cho thiết bị quân sự ra nước ngoài cũng được kỳ vọng sẽ giảm xuống dưới 50%.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.