Amcham tặng TP.HCM máy chiết protein và acid nucleic tự động

Nguyên Nga
Nguyên Nga
25/05/2020 18:18 GMT+7

Hệ thống máy này là công cụ trích xuất tự động được sử dụng trong phòng thí nghiệm và có thể cho ra kết quả từ 24 - 96 mẫu mỗi lần chạy.

Thông tin từ Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam - TP.HCM (Amcham Vietnam - TP.HCM), tổ chức này vừa trao tặng hệ thống tách chiết protein và acid nucleic tự động cho Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC). Đây là máy KingFisher Flex của Thermo Fisher Scientific (Mỹ), một công cụ trích xuất tự động để bàn được sử dụng trong phòng thí nghiệm cho 24 hoặc 96 mẫu mỗi lần chạy. Máy có chiết xuất thông lượng cao phù hợp cho việc tinh chế ADN, RNA, protein và tế bào.
“Việc hỗ trợ này nhằm ứng phó với đại dịch Covid-19 đang diễn ra và xây dựng năng lực ứng phó với các dịch bệnh truyền nhiễm khác cho TP.HCM”, đại diện Amcham Việt Nam - TP.HCM cho biết. Amcham TP.HCM cũng cho hay, thiết bị y tế này được đóng góp từ các thành viên: Công ty Diag (Lab Group International Vietnam), Medtronic Việt Nam, Coca-Cola Beverages Việt Nam và tiểu ban Thực phẩm và Đồ uống Amcham Việt Nam -TP.HCM.
Mary Tarnowka, Giám đốc Điều hành AmCham Việt Nam tại TP.HCM, chia sẻ muốn bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc của AmCham Việt Nam - TP.HCM đối với các lãnh đạo của Chính phủ Việt Nam, đặc biệt là sự cống hiến đáng quý của các cán bộ ngành y tế Việt Nam, đại diện của Sở Y tế TP.HCM và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP trong việc thực hiện hiệu quả công tác kiểm soát sự lây lan của Covid-19 và giữ cho những người đang sống tại Việt Nam được an toàn.
“Việc Việt Nam kiểm soát thành công Covid-19 giờ đây đã được toàn thế giới công nhận. Điều này mở đường cho Việt Nam tái mở cửa, trở thành một trong những nền kinh tế đầu tiên trên thế giới bắt đầu sự hồi phục của mình. Hệ thống tách chiết protein và acid nucleic tự động không những hỗ trợ quá trình kiểm soát đại dịch Covid-19 Việt Nam đang thực hiện mà còn giúp tăng cường năng lực của Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng trong việc giám sát, phát hiện và kiểm soát các bệnh truyền nhiễm”, bà Mary Tarnowka nhấn mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.