An Giang phát huy tiềm năng, lợi thế để thu hút đầu tư

19/09/2020 09:00 GMT+7

Thời gian qua, tỉnh An Giang đã có nhiều nỗ lực phát huy tiềm năng, lợi thế trong thu hút đầu tư, góp phần tạo đà cho việc phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn tiếp theo.

Nỗ lực phá “điểm nghẽn”

An Giang là tỉnh phát triển kinh tế năng động của vùng ĐBSCL nhưng cũng gặp trở ngại về giao thông. Từ TP.HCM đến An Giang phải qua phà Vàm Cống mất nhiều thời gian và chi phí, khiến cơ hội thu hút đầu tư bị ảnh hưởng đáng kể. Mấy năm gần đây, cầu Vàm Cống thông xe, sân bay Cần Thơ được nâng cấp và nhiều dự án giao thông quan trọng kết nối An Giang được triển khai đã giúp An Giang có thêm lợi thế trong thu hút đầu tư.
Ngoài ra, theo lãnh đạo UBND tỉnh An Giang, một trong những “điểm nghẽn” trong thu hút đầu tư của tỉnh trước đây là việc cải cách thủ tục hành chính chưa thật sự hiệu quả; Một số chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư chưa có nhiều hấp dẫn nhà đầu tư…
Từ đó, giai đoạn 2015-2020, lãnh đạo tỉnh đã tập trung tìm giải pháp tháo gỡ các “điểm nghẽn” để thu hút đầu tư tương xứng với tiềm năng và lợi thế. Các cấp, các ngành của tỉnh đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp tích cực về cải cách hành chính và chính sách thu hút đầu tư. Trong đó, thực hiện một cửa liên thông trong giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính và phát triển dịch vụ công trực tuyến, đăng ký doanh nghiệp (DN) qua mạng, đăng ký tài khoản ngân hàng cho DN. Kết quả, các chỉ số cải cách hành chính, quản trị và hành chính công, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của An Giang đều tăng qua từng năm. Đến năm 2019, An Giang xếp hạng 11 cả nước về chỉ số cải cách hành chính (PAR-Index); chỉ số quản trị và hành chính công (PAPI) hạng 21 và chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) hạng 21.
Lễ khởi công khu nuôi cá tra công nghệ cao của Công ty Nam Việt Bình Phú tại H.Châu Phú, An Giang

Lễ khởi công khu nuôi cá tra công nghệ cao của Công ty Nam Việt Bình Phú tại H.Châu Phú, An Giang

Công Mạo

Nhiều dự án ngàn tỉ đồng được triển khai

Nét nổi bật trong thu hút đầu tư của tỉnh An Giang là nhiều tập đoàn lớn đã đến tìm hiểu và triển khai dự án (DA) cả ngàn tỉ đồng. Trong đó, cuối năm 2019, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình đã trao quyết định chủ trương đầu tư 2 DA đầu tư khu đô thị cho Tập đoàn T&T tại TP.Long Xuyên với tổng quy mô 260 ha, tổng vốn lên đến hàng ngàn tỉ đồng.
Mới đây, ngày 15.9, tại xã An Hảo (H.Tịnh Biên), Tập đoàn Sao Mai cũng đã tổ chức lễ khởi động giai đoạn 2 của nhà máy điện năng lượng mặt trời, nâng tổng số vốn đầu tư của nhà máy điện này gần 6.000 tỉ đồng, tổng công suất phát điện 210 MWp. Tập đoàn TH (TH true MILK) đã thuê 178 ha đất tại xã Vĩnh Gia (H.Tri Tôn) để đầu tư trang trại bò sữa quy mô 20.000 con và xây dựng vùng nguyên liệu với tổng kinh phí triển khai DA khoảng 4.300 tỉ đồng. Trước đó, một số nhà đầu tư cũng triển khai các DA đầu vào lĩnh vực du lịch tại Khu du lịch Núi Sam và khu du lịch Trà Sư… với vốn cả ngàn tỉ đồng.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho biết đến nay đã có nhiều DN lớn trong và ngoài nước, nhất là các nhà đầu tư chiến lược quan tâm nghiên cứu và đầu tư tại An Giang. Chỉ tính riêng năm 2019, có 76 DA đăng ký đầu tư mới; trong đó có 2 DA đầu tư trực tiếp nước ngoài và 74 DA đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký 17.636 tỉ đồng.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang trao đổi với PV Thanh Niên về chính sách thu hút đầu tư của tỉnh

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang trao đổi với PV Thanh Niên về chính sách thu hút đầu tư của tỉnh

Trần Ngọc

Đồng hành với doanh nghiệp

Cũng theo ông Bình, để thu hút DN đến với An Giang, tỉnh sẽ kiến tạo môi trường đầu tư, kinh doanh cạnh tranh, an toàn, thông thoáng, thân thiện, minh bạch nhằm tạo điều kiện cho mọi tổ chức, cá nhân, DN phát triển sản xuất, kinh doanh. Đẩy mạnh việc thu hút và phát triển các DA trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, du lịch. Đẩy mạnh kêu gọi đầu tư, hình thành các DN lớn dẫn dắt, liên kết với DN nhỏ và vừa tham gia mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị, nhất là trên lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, nông nghiệp, du lịch.
Trong kế hoạch sắp tới, An Giang sẽ tập trung hỗ trợ DN và các địa phương xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh, trong đó tập trung 3 nhóm sản phẩm: gạo - nếp, thủy sản, cây ăn quả. Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành công nghiệp, thực hiện hiệu quả chương trình hỗ trợ kêu gọi đầu tư phát triển hạ tầng công nghiệp nhằm hoàn thiện kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp để thu hút đầu tư của các DN lĩnh vực bảo quản, chế biến sâu nông sản... Phấn đấu đến năm 2025, phần lớn các sản phẩm nông nghiệp đều qua chế biến trước khi ra thị trường.
“UBND tỉnh An Giang và các sở, ban, ngành sẽ tiếp tục hỗ trợ các nhà đầu tư sớm triển khai xây dựng các DA để khai thác, phát huy hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà. Tôi tin rằng, với sự cam kết đồng hành với DN của lãnh đạo tỉnh, cùng với môi trường đầu tư ngày càng thông thoáng, thuận lợi và minh bạch, thời gian tới sẽ có nhiều nhà đầu tư chiến lược với các DA lớn sẽ được triển khai trên địa bàn tỉnh An Giang”, ông Nguyễn Thanh Bình nói.
Đến nay, môi trường đầu tư của tỉnh An Giang đã được cải thiện mạnh mẽ. Trên lĩnh vực nông nghiệp, An Giang tập trung mời gọi đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Bước đầu đã hình thành các vùng chuyên canh gắn với nhà đầu tư lớn, từng bước giải quyết bài toán giữa sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Giai đoạn 2015-2020, An Giang thu hút 241 DA đầu tư, trong đó có 60 DA đăng ký đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, tổng vốn 22.860 tỉ đồng, chiếm gần 25% tổng DA và chiếm 36,52% tổng vốn đăng ký đầu tư toàn tỉnh.
Trên lĩnh vực công nghiệp, An Giang đang tiếp tục hoàn thiện các khu, cụm công nghiệp để thu hút đầu tư, giải quyết việc làm cho người dân. Đến nay, Khu công nghiệp Long Bình lắp đầy 100% diện tích với 10 DA, tổng vốn 1.053 tỉ đồng. Khu công nghiệp Bình Hòa lấp đầy 84% diện tích với 15 DA, tổng số vốn đăng ký 4.095 tỉ đồng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.