Áp lực nhập siêu

25/11/2009 23:21 GMT+7

Hàng hóa không tạo được lợi thế cạnh tranh, doanh nghiệp (DN) không tận dụng được những cơ hội khiến VN chịu áp lực nhập siêu lớn từ nhiều nước mà chúng ta đã ký hiệp định mậu dịch tự do. Đây là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận tại Hội thảo về hợp tác kinh tế nội vùng ASEAN do Viện Khoa học pháp lý và Kinh doanh quốc tế IBLA tổ chức hôm qua tại TP.HCM.

Ông Trương Đình Tuyển, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tiền tệ quốc gia cho biết, năm 2008, VN xuất khẩu vào các nước thành viên ASEAN chỉ 10,1 tỉ USD nhưng nhập khẩu tới 19,5 tỉ USD. Như vậy, nhập siêu lên đến 9,3 tỉ USD. Năm 2007, nhập siêu 8 tỉ USD; năm 2006, nhập siêu 6,1 tỉ USD…

Có thể thấy, nhập siêu ngày càng gia tăng. Tính bình quân, tỷ lệ nhập siêu từ ASEAN lên tới 27%, cao hơn rất nhiều so với mức nhập siêu chung của VN trên tất cả các thị trường khác. Điều đó chứng tỏ sức cạnh tranh của hàng hóa VN kém. Nguyên nhân chính là do VN chưa tận dụng được chế độ ưu đãi về thuế trong ASEAN. Theo quy định, hàng hóa VN muốn hưởng ưu đãi thuế vào ASEAN phải có trên 40% tỷ lệ nội địa. Tuy nhiên, do chủ yếu gia công, lắp ráp nên quy định này không tạo ra được lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa VN.

Bên cạnh ASEAN, VN nhập siêu rất lớn từ Trung Quốc. Cụ thể, năm 2008 nhập siêu 11,1 tỉ USD và xu hướng tăng dần với mức tăng bình quân hằng năm lên tới 59%. Rõ ràng, về mặt thương mại hàng hóa, Hiệp định ACFTA ASEAN - Trung Quốc đã và đang tạo ra sức ép cạnh tranh rất lớn đối với hàng hóa của VN. Thời điểm hiện tại vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện việc này.

Câu hỏi đặt ra là VN phải làm gì để cải thiện tình trạng này? Ông Alan Cany, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp châu u (Eurocham) kể về kinh nghiệm của Đài Loan. 13 năm trước hàng điện tử của Đài Loan "chẳng là gì" trên thị trường thế giới. Nhưng giới chức Đài Loan đã xác định hàng điện tử sẽ là sản phẩm mang lợi thế cạnh tranh nên tập trung đầu tư, bằng cách trợ giá gần như 100% cho DN sản xuất mặt hàng này. Kết quả, hiện nay hàng điện tử Đài Loan có lợi thế cạnh tranh quốc tế rất lớn. Theo ông Alan Cany, VN phải tìm những mặt hàng ưu tiên, tập trung đầu tư để phát triển. Từ đó tiến tới giảm dần nhập siêu và lâu dài là xuất siêu. 

Tính đến thời điểm này, VN đã tham gia Hiệp định Mậu dịch tự do ASEAN với các hợp phần: Hiệp định về thương mại hàng hóa (CPT/AFTA), Hiệp định dịch vụ và Hiệp định đầu tư, cùng với các thành viên khác ký Hiệp định mậu dịch tự do với các đối tác khác (ASEAN+). Theo các chuyên gia kinh tế, nếu không tái cấu trúc nền kinh tế thì hàng hóa VN khó tạo được cơ hội từ hiệp định mậu dịch tự do với ASEAN.

Và những lĩnh vực nào VN sẽ tập trung đầu tư để tạo lợi thế cạnh tranh, rõ ràng vẫn là bài toán lớn.

N.Trần Tâm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.