Bén ngót lưỡi cưa Sáu Đình

24/03/2016 12:04 GMT+7

Cả chủ và thợ chỉ có 3 người nhưng mỗi năm, cơ sở sản xuất lưỡi cưa của ông Trần Thế Đình làm ra hơn chục ngàn sản phẩm bán khắp cả nước.

Cả chủ và thợ chỉ có 3 người nhưng mỗi năm, cơ sở sản xuất lưỡi cưa của ông Trần Thế Đình làm ra hơn chục ngàn sản phẩm bán khắp cả nước.

Ông Sáu đang dũa lưỡi cưa cho khách - Ảnh: Thanh ĐứcÔng Sáu đang dũa lưỡi cưa cho khách - Ảnh: Thanh Đức
Học cách làm lưỡi cưa của người Nhật
Cơ sở của ông Sáu Đình (Sáu Đình, 61 tuổi, ngụ ấp Long Hiệp, xã Long An, H.Long Hồ, Vĩnh Long) nằm trong hẻm nhỏ nhưng cứ khoảng 10 phút lại có người đến nhờ mài lưỡi hoặc mua cưa. Vì vậy mà suốt buổi, nhà ông Sáu không ngớt âm thanh vang lên từ máy cưa gỗ và mài lưỡi cưa. Hôm chúng tôi đến cũng gặp lúc có rất nhiều người ngồi đợi mua cưa, một số người thì đem cưa không còn bén đến nhờ ông mài lại. Thấy có khách đến, ông Sáu Đình tạm dừng tay, ngước mặt lên tiếp chuyện. Ông Sáu cho biết trước kia ông chuyên làm nghề mộc, ai đặt gì làm nấy.
Theo thời gian, gỗ ngày càng khan hiếm, giá lại đắt đỏ, trong khi đó các sản phẩm công nghiệp làm bằng nhựa, thép, inox, ván ép... dần thay thế gỗ nên ông bỏ nghề. Sẵn có tay nghề làm mộc cũng như biết cách làm răng cưa, dũa lưỡi cưa nên ông Sáu quyết định chuyển sang làm lưỡi cưa để mưu sinh. Lúc đầu ông chỉ mài, dũa ăn công, dần dần ông nghiên cứu làm cưa cầm tay bán lẻ.
Cách đây hơn chục năm, trên thị trường xuất hiện cưa nhập khẩu từ Nhật, Đài Loan rất bén, xài được lâu, nhưng do giá cao nên ít người dám mua sử dụng. Từ đó, ông Sáu Đình quyết định mua cây cưa ngoại nhập về nghiên cứu, học hỏi cách làm của họ để sản xuất sản phẩm có chi phí thấp, giá bán phù hợp với người tiêu dùng trong nước.
Vừa kể ông Sáu Đình vừa lấy ra cây cưa cán nhựa mà ông mua về cách đây hơn 10 năm. “Cây cưa này do Nhật Bản sản xuất. Thời điểm đó, nó có giá trị hơn chỉ vàng nhưng vì muốn nghiên cứu nên tôi phải bấm bụng bỏ vốn ra mua về xem cách họ làm răng thế nào mà bén quá, lại lâu lục. Xem tới xem lui, rồi làm thử cuối cùng tôi cũng tìm ra được nguyên lý. Từ đó cứ làm, từ vài cây bán lẻ rồi đến vài chục cây, dần dần có người mua số lượng nhiều để bán lại”, ông Sáu Đình nói.
Theo ông Sáu Đình, nhờ tận dụng những mẩu gỗ nhỏ, kết hợp với thép không gỉ sản xuất trong nước nên chi phí đầu vào không cao và giá bán ra tương đối phù hợp với người sử dụng.
Khách hàng ưa chuộng
Ông Lại Văn Mễnh (ngụ ấp An Lương B, xã Long An) cho biết ông mua 2 cây cưa của ông Sáu Đình về cưa cây đã lâu, nay mới đem mài dũa lưỡi lại. “Trước giờ xài cũng nhiều loại, nhưng cưa của anh Sáu Đình là tôi ưng ý nhất vì nó bén ngót, cưa củi ngọt xớt”, ông Mễnh nói. Còn ông Hồ Bình Tùng (ở xã Bình Phước, H.Mang Thít, Vĩnh Long) cho biết: “Nghe bạn bè nói lưỡi cưa do anh Sáu Đình làm bén, xài bền nên tôi đến mua về mé cây và cưa củi”.
Hiện nay, tại cơ sở của ông Sáu Đình có thêm 2 thợ phụ là anh Trần Công Tuấn chuyên làm cán cưa được ông trả tiền công mỗi tuần 1,5 triệu đồng và em Lê Anh Chương chuyên mài lưỡi cũng được trả 1,2 triệu đồng/tuần. Ông Sáu cho biết thêm mỗi ngày ông sản xuất từ 30 - 40 cây cưa (từ 1,3 - 2,5 tấc), giá bán lẻ từ 60.000 - 200.000 đồng/cây, so với cưa ngoại nhập giá chỉ bằng 1/3. Ngoài ra, ông Sáu còn thu nhập thêm từ mài dũa lưỡi cưa cho khách hàng gần xa.
“Cứ một cây giá 10.000 đồng, mỗi ngày có vài chục cây cưa cần dũa lại lưỡi cũng kiếm thêm được thu nhập”, ông Sáu Đình nói. Hiện cưa của ông Sáu Đình không chỉ được bán tại ĐBSCL mà còn bán lên TP.HCM và Tây nguyên. Đặc biệt, hằng năm, ông Sáu bán cho người trồng cà phê ở Đắk Lắk hàng ngàn cây cưa các loại.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.