Bia hơi 'lọt sổ' quản lý: Nhà sản xuất không thể vô can

27/05/2016 06:43 GMT+7

Không thể buông lỏng quản lý thị trường bia hơi , mặc cho nhà sản xuất, nhà phân phối tự tung tự tác là ý kiến chung của nhiều chuyên gia.

TS Nguyễn Văn Sơn, Khoa Kinh tế và quản lý công, Trường ĐH Mở TP.HCM cho rằng, bia hơi cũng như các loại bia tươi, bia chai, bia lon về bản chất đều là bia, là sản phẩm có cồn nên cần phải có sự quản lý chặt chẽ, không phân loại là bia gì. “Các quốc gia thường áp dụng chính sách quản lý phát triển ngành bia từ kiểm soát nghiêm ngặt ở khâu cấp phép đầu tư các dự án sản xuất bia đến chất lượng sản phẩm ra cuối cùng, nên rất khó có cái gọi là “sản xuất bia chui”. Mục đích của việc này nhằm hạn chế công suất ở mức cần thiết, kiểm soát chặt quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sau khi được cấp phép đầu tư. Chẳng hạn, quản lý môi trường, quản lý chất lượng sản phẩm, quản lý cạnh tranh. Song song đó, đánh thuế cao để đẩy giá lên vừa hạn chế người mua vừa tăng mức thu ngân sách”, ông nói.
Sản phẩm “tạm thời”
Khi được hỏi về sản phẩm bia hơi Sài Gòn, một nhân sự phụ trách marketing của Sabeco cho rằng, bia hơi Sài Gòn “không nên được đề cập trong các dòng sản phẩm của công ty. Bởi đó là sản phẩm chỉ được làm trong ngắn hạn, thời vụ của vài nhà máy ở phía bắc, không phải là sản phẩm chiến lược lâu dài của công ty”.
Tuy nhiên, khi đã gắn chung nhãn mác của một thương hiệu lớn, sản phẩm được sản xuất từ nhà máy của chính doanh nghiệp, thì lập luận trên khó chấp nhận. Bác sĩ Trần Văn Ký, phụ trách chuyên môn văn phòng phía nam - Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm VN cho rằng, chất lượng của bia hơi trước hết thuộc nhà sản xuất kinh doanh và đơn vị quản lý thị trường. “Bia hơi ở thị trường phía bắc trước đây còn phổ biến loại bia nhà tự nấu bằng những nguyên liệu men bia rẻ, không đúng chuẩn, nguồn nước không sạch, bảo quản vận chuyển không đúng cách... đều có khả năng nhiễm khuẩn gây bệnh cho người sử dụng rất cao. Việc sản xuất tràn lan, mập mờ nguồn gốc sản phẩm, chất lượng thả nổi là vấn đề thuộc trách nhiệm của chính nhà sản xuất lẫn quản lý thị trường”, bác sĩ Ký nói.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, bất cứ sản phẩm nào được sản xuất tại các nhà máy có giấy phép thì phải được kiểm tra về chất lượng theo các tiêu chuẩn do Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm hay các tiêu chuẩn do các bộ có liên quan ban hành. Vì vậy đối với bia hơi, các doanh nghiệp chủ quản của các nhà máy như Sabeco phải chịu trách nhiệm trước tiên về sản phẩm của mình khi cung cấp đến tay người dùng. Còn sau khi đưa ra thị trường, cơ quan quản lý thị trường, ngành công thương địa phương có trách nhiệm kiểm tra, giám sát xoay quanh hoạt động khuyến mãi, giá cả, chất lượng để đảm bảo tuân thủ đúng các quy định đã ban hành. Do đó nếu “buông lỏng” quản lý với bia hơi thì cho thấy bản thân các doanh nghiệp cũng như các cơ quan quản lý nhà nước chưa làm tròn vai trò và trách nhiệm của mình.
“Con nào cũng mang thương hiệu mẹ”
Trước đây, Báo Thanh Niên từng phản ánh tình trạng một số doanh nghiệp ồ ạt xây dựng nhà máy bia trị giá hàng trăm tỉ đồng “rải đều” tại các tỉnh thành, đặc biệt các tỉnh nghèo thường phải xin hỗ trợ cứu đói hằng năm cũng có những nhà máy bia với công suất lên đến 200 triệu lít/năm. Tính trung bình tại thời điểm tháng 9.2014, mỗi tỉnh thành “gánh” đến 6 nhà máy bia. Nhiều chuyên gia kinh tế thương mại lúc đó đã cảnh báo tình trạng “bội thực” bia khi các nhà máy tuy được đầu tư hoành tráng, song khó chạy hết công suất.
Thực trạng này cùng với việc tràn lan bia hơi trên thị trường, chuyên gia tư vấn chiến lược Robert Trần đặt vấn đề: “Thị trường bia hơi trước sau cũng phát triển ở phía bắc. Chiếc bánh thị phần nếu có tăng, cũng tăng ở các thị trường này. Đây cũng có thể là chính sách tạm thời của doanh nghiệp do thị trường bia lon, bia chai sản xuất trong nước và nhập khẩu nay có quá nhiều thương hiệu. Đó là chưa tính sẽ có nhiều nhãn hàng bia của các nước trong khu vực ASEAN đang “đủng đỉnh” vào với sản phẩm ngon, giá tốt. Trong trường hợp đó, bia hơi cũng là một giải pháp tạm thời”.
Còn đối với các nhà sản xuất như Công ty Sabeco, theo TS Sơn, không thể hoàn toàn vô trách nhiệm trong việc để các đại lý hay cơ sở làm sai. Bởi điều đó cho thấy công ty không biết quản lý và phát triển thương hiệu, thiếu sự giám sát. “Việc sử dụng nhãn hiệu bia Sài Gòn khiến cho người tiêu dùng tin tưởng vào chất lượng nên mới chấp nhận bỏ tiền ra để mua sản phẩm. Thứ nữa, chúng ta đã có các quy định về chất lượng cho từng sản phẩm, trong đó có cả bia để đưa ra thị trường tiêu thụ. Khi sản phẩm đưa ra thị trường thì các cơ quan như quản lý thị trường phải giám sát và xử phạt các đơn vị cung cấp nếu không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng hoặc có hiện tượng làm nhái, làm giả. Không thể lơ là với một sản phẩm đang được tiêu thụ rộng rãi trên cả nước mà từ đó dễ gây ra các hệ quả nghiêm trọng khác như nghiện ngập và dẫn đến các hành xử thiếu đạo đức, nguy hiểm cho xã hội. Đó là chưa kể người dân đang lo sợ về tình trạng an toàn vệ sinh thực phẩm nên mọi sản phẩm đều phải được kiểm tra, kiểm soát về chất lượng”, TS Sơn nói.
Một chuyên gia kinh tế nói thẳng, dù Sabeco hay bất kỳ hãng bia lớn nào coi bia hơi là sản phẩm "thời vụ" thì đây vẫn là sản phẩm của họ, mang thương hiệu của họ. Họ phải quản lý, phải xây dựng và giữ gìn thương hiệu của mình. Còn cứ để “đứa con nuôi bia hơi” tự tung tự tác thì sẽ có ngày công ty mẹ phải trả giá đắt, nhất là trong bối cảnh thị trường bia cạnh tranh ngày càng khốc liệt như hiện nay.
Cơ chế quản lý còn bất cập
TS Nguyễn Văn Sơn phân tích: “Ở VN, cơ chế quản lý ngành bia đang có những bất cập. Chẳng hạn, khi Chính phủ đã phân cấp quản lý đầu tư cho các địa phương rồi thì không ai kiểm soát, có thời kỳ nhiều tỉnh đua nhau cấp phép đầu tư sản xuất bia, nên công suất sản xuất quá lớn. Trong khi đó, các mặt kiểm soát về chất lượng, về xử lý môi trường, về xử lý vi phạm hành chính trong kinh doanh bia hầu như chỉ làm theo phong trào, rộ lên từng lúc, không có tác dụng đồng bộ dài hạn”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.