Bình Tây nhộn nhịp

Trần Thanh Bình
Trần Thanh Bình
30/05/2020 09:13 GMT+7

Địa chỉ này không chỉ là nơi giao thương, mà còn là một di tích kiến trúc nghệ thuật đã được công nhận: chợ Bình Tây, nay thuộc P.2, Q.6, TP.HCM.

Ngôi chợ đã tròn 90 năm tuổi, từng là nơi trao đổi mua bán lớn nhất Nam kỳ lục tỉnh vào thời kỳ thuộc Pháp. Ví như “mạch máu kinh tế hàng hóa” kết nối với miền Tây và miền Đông Nam bộ ấy, với hơn 1.400 tiểu thương miệt mài ngày đêm buôn bán, Bình Tây là một địa chỉ thu hút, hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.
Theo kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Dũng, trong 5 ngôi chợ lâu đời nhất (gồm chợ Bến Thành, chợ Thủ Đức, chợ Tân Định, chợ Thị Nghè và chợ Bình Tây) được đề cập trong cuốn sách du khảo Sài Gòn trăm bước xuất bản cuối năm 2018, ở chương có tựa đề Chợ ở Sài Gòn, thì chợ Bình Tây do thương gia Quách Đàm người Hoa xây dựng từ năm 1928 và hoàn thành năm 1930. “Chợ Bình Tây được xây dựng theo kinh nghiệm của Pháp, thiết kế theo phong cách Á Đông, tháp giữa vươn cao có 4 mặt đồng hồ, có “lưỡng long chầu châu”, 4 góc có 4 chòi nhỏ, mái lợp ngói âm dương, chồng lợp thông thoáng, giữa chợ có khoảng sân trời rộng và thoáng mát. Nhà lồng chợ rộng 8.500 m2 trong khu đất rộng 28.000 m2, có 12 cổng nhỏ thông ra 4 hướng và 1 cổng chính trực diện Bến xe Chợ Lớn”, ông viết. Cũng theo ông Dũng, hằng năm chợ Bình Tây đón hơn 120.000 khách du lịch đến tham quan mua sắm. Năm 2016, chợ được tu sửa, tôn tạo nâng cấp nhưng vẫn giữ kiến trúc cũ và năm 2018, chợ Bình Tây chính thức hoạt động trở lại sau hai năm trùng tu.
Mới đây, qua một người quen buôn bán nhiều năm ở Q.6, tôi được biết trong một buổi họp với chủ đề xây dựng chợ đạt chuẩn du lịch, đại diện tiểu thương ở ngôi chợ này đã đề nghị chính quyền tổ chức lớp học ngoại ngữ cho bà con, để họ có thể giao lưu tiếp xúc với du khách nước ngoài, qua đó nâng tầm giới thiệu văn hóa, mua bán những sản phẩm đặc thù của TP.HCM. Chi tiết này là một minh chứng năng động cho việc chú trọng đến yếu tố văn hóa trong phát triển kinh tế - du lịch, tại một địa chỉ có bề dày truyền thống như chợ Bình Tây!

Con đường tên vị “nữ vương” nhường ngôi cho chồng!

Q.6, Sài Gòn, là nơi dịch chuyển lưu dân của gần 3 thế kỷ qua đến tụ hội, cũng là địa phương quần cư khá đông người Hoa một thời, lập thành chợ búa trên bến dưới thuyền, theo dòng thời cuộc phát triển cho đến ngày nay. Nhưng Q.6 cũng còn có con đường mang tên vị “nữ vương” khá đặc biệt của triều đại nhà Lý. Đó là con đường Lý Chiêu Hoàng, phản ảnh một giai đoạn chuyển tiếp giữa hai triều đại Lý - Trần trong lịch sử cách đây gần 800 năm.
Theo sử sách, thái tử Sảm lúc có binh biến đã chạy về làng chài Tức Mặc (phủ Xuân Trường, Nam Định) được gia tộc họ Trần che chở và lấy Trần Thị (Trần Thị Dung) làm vợ. Sau thái tử Sảm lên ngôi, tức là vua Lý Huệ Tông, cùng với hoàng hậu Trần Thị sinh hạ được hai người con gái là Thuận Thiên công chúa và Chiêu Thánh công chúa. Người chị sau đó là vợ của An Sinh vương Trần Liễu, cha của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn. Còn Chiêu Thánh công chúa được vua cha yêu mến lập làm thái tử (một chuyện hy hữu trong lịch sử các triều đại), rồi được truyền ngôi lúc mới 7 tuổi, tức là Lý Chiêu Hoàng.
Việt Nam Sử Lược của học giả Trần Trọng Kim ghi chép đoạn này như sau: “Đến tháng chạp năm 1224, thì Chiêu Hoàng lấy Trần Cảnh và truyền ngôi cho chồng. Nhà Lý đến đấy là hết, cả thảy làm vua được 216 năm, truyền ngôi được 9 đời” (trang 127). Nhờ vậy, Trần Cảnh lúc ấy mới 8 tuổi, trở thành ông vua đầu tiên của nhà Trần, tức là Trần Thái Tông. Cuộc đời của Lý Chiêu Hoàng được người đời sau tôn vinh vì đã dâng hiến cả giang sơn cho chồng trong thời buổi loạn lạc, nhưng cũng lắm trầm luân. Rời ngôi, bà là Chiêu Thánh hoàng hậu, rồi sau đó phải nhường chồng cho chị. Rời vòng tay của vị vua thuở nhỏ đã từng cùng với mình là “thanh mai trúc mã”, lúc nhà Trần đã yên vị trên ngôi báu, bà lại trở về vị trí của một Chiêu Thánh công chúa!
Bình Tây nhộn nhịp1

Đường Lý Chiêu Hoàng, Q.6, TP.HCM

Nhiều người khi đến Sài Gòn cứ lầm tưởng chợ Bình Tây chính là Chợ Lớn, nhưng địa danh Chợ Lớn là để chỉ khu vực rộng lớn bao gồm Q.5 và Q.6, một thời trong vòng 20 năm, đã từng là TP.Chợ Lớn (1930 đến 1950), song hành với TP.Sài Gòn. Sau đó sáp nhập, từng được gọi tên là đô thành Sài Gòn - Chợ Lớn.
Cuộc đời vị “nữ vương” cuối cùng của triều Lý khiến người đời sau luôn ca tụng, bởi nếu không chuyển ngôi vị cho chồng, để có một nhà Trần với cơ hội vươn dậy hùng mạnh, thì đất nước lúc ấy đã phải bị giày xéo dưới vó ngựa quân Nguyên - Mông, một đội quân được xem là “bất khả chiến bại” vào thế kỷ thứ 13, sau ba lần tung quân sang xâm lược nước ta, đều bị thất bại. Những trận đánh vang dội, những chiến công hiển hách của quân dân nhà Trần là một chương sử vô cùng oanh liệt cho người đời sau soi vào. Bởi thế, những giá trị lịch sử gắn liền với tên tuổi Lý Chiêu Hoàng, bây giờ được đặt tên cho một con đường ở Q.6 nhằm ôn lại sự hy sinh, trân trọng quyết định cao cả của người phụ nữ đã từng đứng đầu một triều đại trải dài hơn 200 năm. Đó là sự tri ân và ngưỡng vọng của lớp hậu nhân, rất đáng ghi nhận!

Vọng câu Dạ cổ hoài lang

Trên một trang mạng mới đây, tôi tìm thấy một đoạn ví von ngồ ngộ, nhận được nhiều comment đồng tình. Và nhiều cư dân sống ở Q.6 đã xác nhận đúng với những gì diễn ra ở vùng đất này: “Nhịp sống ở Q.6 rất rõ ràng: giờ hành chính là nhịp sống của những người bán buôn tấp nập, tối đến khuya là ăn uống tấp nập. Tìm một hành tinh khác có sự sống giống trái đất sẽ dễ dàng hơn là tìm được bất kỳ con đường nào ở Q.6 mà không có quán ăn. Nhộn nhịp nhất là khu tam giác vàng gồm các con đường: Hậu Giang - Lê Quang Sung - Bình Phú - cư xá Phú Lâm B. Tóm lại là ở Q.6 sẽ không bao giờ sợ đói, dù 4 giờ chiều hay 3 giờ sáng”. Cách nhận xét thú vị và hài hước này cũng có thể đúng ở nhiều quận tại Sài Gòn, nhưng với đặc thù nhịp sống giao thoa từ hàng trăm năm giữa người Việt với một tỷ lệ lớn người Hoa sống bao đời ở khu vực Chợ Lớn, đã tạo ra một “phong cách” định hình của đa số tiểu thương, đó là lo làm ăn buôn bán và đi chùa. Bởi vậy nên lắm quán xá, nhiều chùa chiền. Giá trị tinh thần ấy tồn tại lâu đời, tạo nên một nét đặc trưng khó lẫn!
Cũng ở Q.6, có một con đường bây giờ là nơi đặt trụ sở quận, được đặt tên soạn giả Cao Văn Lầu, người đã soạn ra bản Dạ cổ hoài lang nổi tiếng, một bản vọng cổ có giá trị nghệ thuật đặc sắc của Nam bộ. Là người đã từng đến thăm lăng mộ của soạn giả nổi tiếng ở Bạc Liêu quê hương của ông, khi đặt bút viết những dòng này, chợt như âm hưởng của bản ca cổ “có một không hai” từng được nghe vọng về, qua chất giọng mượt mà của cô gái miền Tây đội nón lá và chiếc áo bà ba dịu dàng trong một buổi trưa nắng bốn năm trước. Hát và trân trọng nói về thân thế tiểu sử của ông, cũng như bối cảnh ra đời của bản nhạc.
Lại bỗng thấy, dường như có sự giao thoa của miệt đất Q.6 với mênh mang miệt sông nước Cửu Long thuở nào. Có lẽ xa xưa ấy, sau một ngày dài buôn bán lam lũ, trong đêm thâu họ đã từng cùng nhau cất lên giai điệu mượt mà ngay từ câu đầu bản nhạc “từ (là) từ phu tướng, báu kiếm sắc phán lên đàng...”.
Quận 6, một quận nội thành nằm ở phía tây nam TP.HCM, có 14 phường là đơn vị hành chính trực thuộc, khu vực trung tâm thương mại lớn với nhiều chợ. Ngoài ra cũng là quận có nhiều chùa, kể cả chùa Việt lẫn chùa Hoa. Quận có diện tích tự nhiên 7,19 km2, dân số theo thống kê năm 2019 là 233.000 người với mật độ 32.700 người/km2, có 39 trục đường chính. Với đặc trưng kinh doanh và số lượng hộ buôn bán cá thể nhiều, nên thống kê đến cuối năm 2019, Q.6 có 8 phường không còn hộ nghèo (gồm các phường 2, 5, 6, 7, 9, 10, 11, 13), một phường không còn hộ cận nghèo, là P.9.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.