Bloomberg: Samsung giúp nông dân Việt kiếm nhiều tiền hơn nhà môi giới chứng khoán

07/10/2016 08:27 GMT+7

Vài năm trước, bà Nguyễn Thị Dung nuôi gà, trồng lúa để kiếm đủ sống ở một trong những khu vực nghèo nhất Việt Nam. Năm nay, bà kỳ vọng kiếm nhiều tiền hơn một nhà môi giới chứng khoán ở quốc gia Đông Nam Á.

Samsung chính là cái tên tạo ra sự khác biệt này, theo Bloomberg.
Cách đây bảy năm, gã khổng lồ điện tử Hàn Quốc chuyển đến giữa những cánh đồng lúa ở tỉnh Bắc Ninh, bắt đầu sản xuất điện thoại thông minh. Đợt xuất khẩu mới nhất của hãng gồm mẫu Galaxy Note 7 và pin. Các loại đồ chơi công nghệ này biến ngôi làng của bà Dung thành trung tâm xuất khẩu lớn thứ nhì Việt Nam, sau TP.HCM.
“Cuộc sống của chúng tôi cải thiện đáng kể từ khi Samsung đến. Tôi muốn mua một chiếc ô tô và được con cái chở đi chơi”, cựu nông dân, năm nay 57 tuổi, tâm sự. Hiện bà Dung cho thuê phòng và bán thực phẩm cho công nhân trong dây chuyền lắp ráp của Samsung. Bà kỳ vọng kiếm được khoảng 68.000 USD, tương đương hơn 1,5 tỉ đồng, trong năm nay.
Samsung Electronics và các chi nhánh của hãng xây dựng thị trấn nhà máy với 45.000 lao động trẻ và hàng trăm nhà cung ứng linh kiện nước ngoài. Đây là phiên bản thu nhỏ của các tập đoàn gia đình chaebol thống trị xứ Hàn. Chuyện Samsung vào đầu tư là vận may cho các doanh nghiệp Bắc Ninh, khi gần 2.000 khách sạn và nhà hàng mới đã mở cửa từ năm 2011 đến 2015, giúp tăng GDP bình quân đầu người lên gấp ba lần mức trung bình quốc gia, theo số liệu từ phòng thống kê tỉnh.
Bà Nguyễn Thị Dung Bloomberg
“Khoản đầu tư của Samsung tạo bước đột phá để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Bắc Ninh và của đất nước. Việc này cũng đẩy nhanh công cuộc công nghiệp hóa đất nước”, người đứng đầu viện kinh tế xã hội Bắc Ninh Nguyễn Phương Bắc cho biết.
Tập đoàn Hàn Quốc thể hiện giai đoạn đầu tiên của Việt Nam trong việc nhận một phần hoạt động sản xuất từ Trung Quốc - quốc gia đang mất dần các nhà sản xuất hàng may mặc, điện tử và hàng tiêu dùng vì lương bổng và chi phí đi lên. Khả năng thu hút đầu tư nhà máy từ nước ngoài của Trung Quốc trong thập niên 1980, 1990 giúp nước này xây dựng nhiều nhà cung ứng cây nhà lá vườn. Các công ty trên sau này trở thành doanh nghiệp toàn cầu. Samsung Electronics mở nhà máy đầu tiên ở Trung Quốc vào năm 1992.
Khi doanh nghiệp đặt cược lớn vào việt Nam, xe buýt màu trắng với logo Samsung xanh dương đi từ nhà máy pin Samsung SDI chạy dọc trên các con đường làng quê. Xe tải chở smartphone Galaxy thì đi trên xa lộ Bắc Ninh - Nội Bài, tuyến đường mở cùng lúc với các hoạt động của Samsung, đến Sân bay Quốc tế Nội Bài.
Xe buýt của Samsung Bloomberg
Hơn một nửa trong số 856 doanh nghiệp ngoại rót 11,9 tỉ USD vốn vào Bắc Ninh tính đến tháng 6 năm nay có liên quan tới Samsung. Đầu tư nước ngoài hiện chiếm 60% nền kinh tế tỉnh. Với khoản đầu tư 15 tỉ USD vào Việt Nam, Samsung trở thành nhà xuất khẩu đơn lẻ lớn nhất nước, vận chuyển khoảng 33 tỉ USD thiết bị điện tử hồi năm ngoái. Một năm trước khi Samsung đến, tổng kim ngạch xuất khẩu điện thoại di động và các sản phẩm viễn thông khác của Việt Nam là 593 triệu USD.
Ngoài hai nhà máy ở Bắc Ninh, Samsung còn mở cơ sở sản xuất ở gần tỉnh Thái Nguyên và TP.HCM, tuyển dụng khoảng 130.000 lao động trên cả nước. Chaebol xứ Hàn cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường hoạt động kinh doanh ở Việt Nam, kế hoạch mở rộng của chúng tôi phụ thuộc vào xu hướng người tiêu dùng và thị trường”.
Theo nhà kinh tế phát triển Scott Rozelle thuộc Đại học Stanford, Mỹ, mục tiêu tăng trưởng kinh tế dài hạn của Việt Nam đòi hỏi nước này phải trở thành “thiên đường đầu tư”.
Công nhân làm việc tại nhà máy Samsung Bloomberg
Các công nhân làm việc tại nhà máy Samsung cũng tỏ ra khá mãn nguyện với công việc. Chị Lê Thị Hoa, 22 tuổi, làm việc tại dây chuyền lắp ráp ở Samsung SDI chia sẻ khi đi chợ mua rau quả ở gần nhà máy: “Chúng tôi nhận được nhiều lợi ích tốt khi làm việc ở đây, trong đó gồm cả bảo hiểm y tế, các kỳ nghỉ miễn phí với công ty”.
Samsung đặt Việt Nam vào nhóm các nước tiên phong cố gắng hưởng lợi từ sự thay đổi ở Trung Quốc như Bangladesh, Thái Lan và Indonesia. Tuy vậy, không có nước nào có thị trường lao động rẻ, nguồn vốn rẻ, cơ sở hạ tầng, môi trường giáo dục, chính trị và thị trường nội địa rộng lớn từng thúc đẩy sự bùng nổ công nghiệp của Trung Quốc.
Nếu Việt Nam tiếp bước theo mô hình của Trung Quốc, nước này cần phát triển các nhà cung ứng cây nhà lá vườn - những hãng có thể cung cấp các thành phần tiên tiến hơn là chỉ làm ra sản phẩm cơ bản như đóng gói, viện kinh tế xã hội Bắc Ninh cho hay.
Ông Nguyễn Phương Bắc cho biết: “Nếu chúng tôi không thể tham gia chuỗi cung ứng với các sản phẩm có giá trị cao, nền kinh tế của chúng tôi sẽ phụ thuộc khá nhiều vào giới doanh nghiệp ngoại, các hãng địa phương sẽ nhận được lợi ích hạn chế”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.