‘Bộ làm tốt, sao dân vẫn phải ăn bẩn’

27/03/2016 05:21 GMT+7

Phiên họp trực tuyến thường kỳ Chính phủ tháng 3 diễn ra hôm qua (26.3) 'nóng' hơn với vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.

Phiên họp trực tuyến thường kỳ Chính phủ tháng 3 diễn ra hôm qua (26.3) 'nóng' hơn với vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.

Lực lượng chức năng kiểm tra nhanh chất cấm tại chợ Thủ Dầu Một, Bình Dương - Ảnh: TTXVNLực lượng chức năng kiểm tra nhanh chất cấm tại chợ Thủ Dầu Một, Bình Dương - Ảnh: TTXVN
Trước đó, các thành viên Chính phủ đã thảo luận một số vấn đề quan trọng về kinh tế - xã hội. Nhìn chung, báo cáo của Bộ KH-ĐT cho thấy, nền kinh tế có những tín hiệu khởi sắc như vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát. Các số liệu thống kê khả quan: chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 chỉ tăng 0,57% so với tháng trước và tăng 0,99% so với tháng 12.2015. Tốc độ tăng GDP quý 1 ước đạt 5,46%; tổng kim ngạch xuất khẩu trên 37,88 tỉ USD, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2015; tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 37,11 tỉ USD, giảm 4,8% so với cùng kỳ năm 2015; xuất siêu khoảng 776 triệu USD, bằng 2% tổng kim ngạch xuất khẩu...


Có thể một số cán bộ không nắm rõ thông tin nói rằng dường như các bộ không phối hợp với nhau, toàn đổ lỗi cho nhau, việc đó hoàn toàn không có. Chúng tôi phối hợp hết sức chặt chẽ, nhịp nhàng, chặn đứng nguồn cung cấp từ bên ngoài

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát


Tuy nhiên, Chính phủ thận trọng đánh giá, nền kinh tế nước ta đang gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Tốc độ tăng trưởng GDP và tốc độ tăng khu vực công nghiệp chậm lại, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng khu vực nông nghiệp tăng trưởng âm do thiên tai, rét hại, băng giá, hạn hán, xâm nhập mặn...
Dân làm sao biết cái gì sạch, cái gì bẩn?
Báo cáo của Chính phủ đặc biệt lưu ý đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). Bộ trưởng NN-PTNT Cao Đức Phát phân trần: “Có thể một số cán bộ không nắm rõ thông tin nói rằng dường như các bộ không phối hợp với nhau, toàn đổ lỗi cho nhau, việc đó hoàn toàn không có. Chúng tôi phối hợp hết sức chặt chẽ, nhịp nhàng, chặn đứng nguồn cung cấp từ bên ngoài”.
Bộ trưởng Phát cho biết thêm, vừa qua đã kiểm tra hơn 200 mẫu tại tất cả nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, kết quả cho thấy không còn mẫu nào có chất cấm. “Chỉ còn lén lút một số đại lý đưa cho trang trại hoặc hộ gia đình nhỏ. Tôi đã chỉ đạo kiểm tra toàn bộ, giám sát trang trại và lò mổ. Nếu bắt được, có nhiễm thì lập tức tiêu hủy cả đàn lợn”, ông Phát cho biết.
Chia sẻ với Bộ trưởng Phát, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thông tin thêm, Bộ Y tế và NN-PTNT đã phối hợp không cho nhập chất cấm. “Khi kiểm tra, chỉ phát hiện 4 công ty và đã rút giấy phép, chuyển cơ quan điều tra”, bà Tiến nói.
Lực lượng chức năng kiểm tra chất cấm tại một cửa hàng thực phẩm ở Bình Dương - Ảnh: TTXVNLực lượng chức năng kiểm tra chất cấm tại một cửa hàng thực phẩm ở Bình Dương - Ảnh: TTXVN

Không đồng tình với đánh giá của hai bộ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ GTVT, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng nói: “Xin lỗi anh Phát với chị Tiến, các bộ nói phối hợp với nhau tốt nhưng dân vẫn phải ăn bẩn, thì tốt cái gì”. Ông Thăng bày tỏ: “Tôi thấy như thế là không được, nói vậy thì chẳng lẽ cứ bảo dân tạm thời ăn bẩn đi để bộ có lộ trình”. Báo cáo Thủ tướng, ông Thăng cho rằng cần phải có các giải pháp kiên quyết ngay và đề nghị cho phép TP.HCM được lập một đơn vị trực thuộc UBND TP làm đầu mối xử lý tất cả vấn đề liên quan đến VSATTP. “Hiện nay hỏi ai, ở đâu cũng bảo xong rồi, nhưng cuối cùng dân cứ ăn bẩn không ai chịu trách nhiệm”, ông nói thêm.


Xin lỗi anh Phát với chị Tiến, các bộ nói phối hợp với nhau tốt nhưng dân vẫn phải ăn bẩn, thì tốt cái gì?

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng


Về giải pháp, ông Thăng đề nghị cần tăng cường chế tài xử phạt, dùng nguồn tiền này đầu tư cho công tác bảo đảm VSATTP, không cân đối vào thiếu hụt ngân sách T.Ư.
Cho rằng vấn đề này liên quan đến tính mạng, sức khỏe của người dân, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đồng ý cần phải thực thi nghiêm pháp luật, song hành với việc nâng cao nhận thức toàn dân. “Chỉ cần các bộ, ngành làm đúng chức năng của mình sẽ dẫn đến sự phối hợp một cách tự nhiên. Phải khắc phục tình trạng cứ không làm được cái gì thì đổ cho nhau, hoặc không phối hợp được, hoặc do vấn đề liên ngành là không đúng”, Phó thủ tướng nhắc nhở.
Ông Đam cũng lưu ý, các đơn vị phải kiểm điểm sâu sắc trách nhiệm của mình, phải làm gương để người dân thấy. Đồng thời phải đẩy mạnh thanh kiểm tra và xử lý thật nghiêm theo quy định. Chưa nói đến yếu tố hình sự, cứ chỗ nào làm sai, làm trái thì phải xử phạt hành chính, tịch thu ngay giấy phép.
Trước ý kiến của Bộ Y tế và Bộ NN-PTNT, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhắc: “Anh Phát, chị Tiến đã báo cáo trước nhân dân không phải rau, thịt tất cả đều bẩn mà chỉ có tỷ lệ nhất định thôi. Nhưng vấn đề đặt ra là người dân bình thường, như tôi đây làm sao phân biệt được cái nào là bẩn, cái nào là sạch. Trách nhiệm đó không thể đổ cho người dân, mà nhà nước phải giúp. Phải quan tâm đầu tư thiết bị đo lường chất lượng, dán nhãn để khẳng định thực phẩm đó là sạch thì người dân mới có lòng tin”.
Bên cạnh đó, Phó thủ tướng cũng đề nghị phải vận động toàn dân, toàn xã hội nhận thức được tình hình nghiêm trọng này, không chỉ chấp hành luật pháp mà cả vấn đề đạo đức. “Không được vì mình hại người, ích kỷ hại nhân”, Phó thủ tướng nói.
Sai nhận sửa, không đổ trách nhiệm cho nhau
Liên quan đến vụ việc chênh lệch thuế nhập khẩu xăng dầu khiến doanh nghiệp được lợi, còn người tiêu dùng chịu thiệt, với số tiền ước tính 3.500 tỉ đồng và hai bộ Công thương, Tài chính đổ lỗi cho nhau, tại phiên họp, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng nhận trách nhiệm. Ông Dũng nói: "Vừa qua báo chí dư luận nói 2 bộ cãi nhau, đổ cho nhau không giải quyết vấn đề gì. Quan trọng là thấy sai thì phải sửa, phải khắc phục".
Sau khi báo chí nêu, theo ông Dũng, liên bộ Tài chính - Công thương đã báo cáo Chính phủ để sửa lại. Theo đó, thuế nhập khẩu mới sẽ tính theo mức bình quân gia quyền của các mức thuế VN đã cam kết tại các hiệp định thương mại tự do. "Với cách tính như vậy, quyền lợi người tiêu dùng được đảm bảo hơn, vì trước kia với xăng thuế suất nhập khẩu là 20%, nay bình quân gia quyền chỉ còn 18,08%. Mặt hàng dầu thuế suất ưu đãi 7%, nay chỉ còn 0,6%, giảm 6,4%. Điều hành giá xăng dầu, theo tính toán như này thì dân được lợi", Bộ trưởng Dũng khẳng định.
Về gói cho vay 30.000 tỉ đồng, theo quy định, đến ngày 1.6.2016 gói này chấm dứt, các khoản giải ngân sau thời điểm này phải chịu lãi suất thương mại. Tuy nhiên, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng và Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết hai ngành đã trao đổi và đề xuất Thủ tướng gia hạn thời gian giải ngân. Theo đó không phụ thuộc thời hạn, người dân vẫn sẽ được hỗ trợ cho đến khi giải ngân hết 30.000 tỉ đồng. Hiện tại, theo ông Bình, các ngân hàng đã cam kết cho vay 29.600 tỉ đồng (đạt 99%), đã giải ngân hơn 21.000 tỉ đồng (đạt hơn 70%).
Kết luận tại hội nghị, đề cập tới các nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, sắp tới sẽ có sự chuyển giao giữa hai nhiệm kỳ Chính phủ, một số thành viên Chính phủ sẽ ở lại tiếp tục công tác, có thành viên Chính phủ được phân công giữ trọng trách khác. Thủ tướng nhấn mạnh đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng; việc bàn giao, chuyển giao cần đặc biệt quan tâm để sớm ổn định tổ chức, để tiếp tục quyết liệt hành động, đoàn kết, chung sức, nhất trí, bám sát nghị quyết của Đảng, nhiệm vụ đã được đề ra; bảo đảm các hoạt động của Chính phủ - cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, thực hiện chức năng hành pháp của đất nước được liên tục.
Về nhiệm vụ thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, Thủ tướng yêu cầu cần tiếp tục tập trung cao độ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh trên cả 3 lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ; trong đó trước mắt hết sức quan tâm tháo gỡ khó khăn cho nông nghiệp, triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó với xâm nhập mặn ở ĐBSCL cũng như ứng phó tình trạng khô hạn tại các tỉnh nam Trung bộ và Tây nguyên nhằm giảm thiểu thiệt hại, kịp thời khắc phục hậu quả, sớm ổn định sản xuất và đời sống nhân dân...
Thủ tướng chia tay Chính phủ
Cuối phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã dành chút ít thời gian chia sẻ cùng các thành viên Chính phủ. “Ngay trong nhiệm kỳ này, bên cạnh những thuận lợi cũng có nhiều khó khăn, thách thức, nhưng chúng ta đã cùng nhau vượt qua. Sự đánh giá về Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thì Đảng, Nhà nước và Quốc hội đã đánh giá rồi. Hay việc T.Ư bỏ phiếu tín nhiệm, tôi nghĩ đó cũng là một sự đánh giá dành cho nỗ lực tập thể của Chính phủ chúng ta”, Thủ tướng nói.
Ảnh: Nhật Bắc
Thủ tướng chúc mừng những người ở lại tiếp tục làm nhiệm vụ, một số được giao trọng trách nặng nề hơn, như các ông Trần Đại Quang, Nguyễn Xuân Phúc, Đinh La Thăng, Hoàng Trung Hải, Nguyễn Văn Bình... sẽ tiếp tục phát huy, hoàn thành thật tốt trọng trách cao cả mà Đảng, Nhà nước giao, thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của Chính phủ.
“Chúc các đồng chí kỳ này sẽ nghỉ chính sách và tôi cũng chúc cho cả tôi nữa ráng giữ gìn sức khỏe, bởi sức khỏe là quan trọng nhất, đồng thời làm một công dân tốt, đảng viên tốt. Làm sao ráng làm được như anh Trần Bình Minh (Tổng giám đốc Đài THVN) nói là người tử tế, sống tử tế”, Thủ tướng mong muốn.
Về phần quà tặng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết sau khi khảo sát, xem xét, chỉ còn lại hai thứ vài ngàn năm vẫn còn là gốm sứ và vàng. “Vàng thì mình không có. Tôi tặng mỗi đồng chí một bộ ấm chén bằng gốm sứ, lần này có mới hơn là có quốc huy, có chữ ký của Thủ tướng và có tên từng đồng chí thành viên Chính phủ. Của ít lòng nhiều, xin tặng các đồng chí làm kỷ niệm”, ông nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.