Bồng Miêu từ chối bán vàng trong nước

17/06/2016 08:43 GMT+7

VN là nước tiêu thụ vàng đứng trong top 10 thế giới nhưng nghịch lý là sản lượng hơn 7 tấn vàng mà 2 công ty vàng Bồng Miêu và Phước Sơn (thuộc Tập đoàn Besra) khai thác tại Quảng Nam đều xuất khẩu ra nước ngoài.

Trong khi theo giấy phép đã cấp, Bồng Miêu được phép bán vàng nguyên liệu trong nước.
Giữa năm 2014, Tập đoàn Besra VN đã cho biết 2 công ty vàng tại VN khai thác được 6,9 tấn vàng. Từ đó đến nay, thậm chí dù đã hết hạn giấy phép khai thác tại mỏ Bồng Miêu nhưng công ty này vẫn tiếp tục hoạt động. Do đó số lượng vàng đã khai thác được chắc chắn đã cao hơn con số này. Toàn bộ số vàng khai thác từ 2 mỏ Bồng Miêu và Phước Sơn từ trước đến nay đều được xuất khẩu ra ngoài VN.
Việc xuất khẩu vàng hoàn toàn ra khỏi VN cũng là một hình thức chuyển tiền ra nước ngoài hợp pháp và tránh việc nộp thuế khi chuyển lợi nhuận ra nước ngoài. Đó là chưa kể khi hạch toán lỗ, công ty còn xin thêm các ưu đãi khác về đầu tư, thuế... Vì vậy, cơ quan quản lý phải kiểm tra lại toàn bộ số liệu sản xuất, kinh doanh mà 2 công ty khai thác vàng đã khai báo
TS Nguyễn Văn Thuận, Trường ĐH Tài chính - Marketing TP.HCM

Từ chối bán giá cao
Theo một công ty sản xuất vàng trong nước, vào các năm 2011 - 2012, phía Công ty vàng Bồng Miêu có chuyển vàng nguyên liệu cho công ty trong nước phân kim. Công ty có đề cập được mua lại số vàng này để làm nguyên liệu chế tác sản phẩm nữ trang nhưng phía Bồng Miêu từ chối. "Ở thời điểm đó, giá vàng trong nước đang cao hơn giá vàng thế giới từ 3 - 5 triệu đồng/lượng. Nếu bán cho các công ty trong nước sẽ được giá hơn nhưng không hiểu sao họ không chịu. Thực ra từ trước đến nay, giá vàng tại VN luôn cao hơn giá vàng thế giới nên chúng tôi cũng lấy làm lạ là vì sao họ chỉ thích xuất khẩu với giá thấp hơn", một người đặt vấn đề.
Đến thời điểm hiện nay, Tập đoàn Besra cũng là doanh nghiệp (DN) duy nhất có giấy phép khai thác vàng và bán vàng nguyên liệu trong và ngoài nước. Sự “độc quyền” này là niềm mơ ước của biết bao nhiêu DN khác. Vì vậy, việc từ chối bán vàng cho DN nội địa của Công ty vàng Bồng Miêu càng khiến nhiều DN bất ngờ.
Theo ước tính của Hiệp hội Kinh doanh vàng VN, nhu cầu nhập khẩu vàng nguyên liệu hằng năm cho sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ ở VN hiện khoảng hơn 20 tấn. Hiệp hội Kinh doanh vàng VN cho biết, từ nhiều năm nay, các DN trong nước không được cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất và kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ, nên họ buộc phải mua vàng nguyên liệu trôi nổi trên thị trường. Điều đó không đảm bảo được nguồn nguyên liệu ổn định và có chất lượng, ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất. Đồng thời, việc mua vàng trôi nổi cũng vô tình tiếp tay cho những kẻ buôn lậu vàng, tạo điều kiện cho thị trường ngoại tệ “chợ đen” phát triển do những kẻ buôn lậu thu gom ngoại tệ để nhập lậu vàng, tác động tiêu cực đến việc điều hành chính sách tiền tệ của nhà nước. Còn theo số liệu từ Hội đồng vàng thế giới, VN là một trong 10 nước tiêu thụ vàng lớn trên thế giới. Vì vậy, theo ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng VN, nếu Bồng Miêu bán lại lượng vàng khai thác cho các DN trong nước thì thị trường vàng sẽ có thêm một nguồn nguyên liệu ổn định hơn. Đáng tiếc là vàng nguyên liệu của VN lại nghiễm nhiên chảy ra nước ngoài chứ không được sử dụng ở VN như nói trên.
Nghi án chuyển giá
TS Bùi Quang Tín, giảng viên Khoa Quản trị kinh doanh Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, đặt vấn đề tại sao thị trường nữ trang trong nước luôn thiếu nguồn nguyên liệu mà công ty khai thác vàng lại xuất vàng ra nước ngoài? Trong thời gian qua, đã có hiện tượng một số công ty nước ngoài tại VN thực hiện bán lại hàng cho công ty mẹ ở nước ngoài với giá rẻ hơn giá thành sản xuất trong nước nhằm khai báo lỗ và từ đó sẽ tránh việc nộp thuế. Cái này gọi là “lời thật lỗ giả”. Câu chuyện chuyển giá đã được nhắc đến nhiều thuộc về các công ty đa quốc gia và không loại trừ đang xảy ra ở 2 công ty vàng nói trên.
Đồng quan điểm trên, TS Nguyễn Văn Thuận, Trường ĐH Tài chính - Marketing TP.HCM, nhận định: Với hoạt động kinh doanh bình thường thì DN sẽ chọn nơi có giá cao để bán hàng. Trong khi đó, dù VN luôn có nhu cầu nhập khẩu vàng nguyên liệu và giá vàng luôn cao hơn thế giới nhưng Bồng Miêu lại từ chối bán vàng trong nước mà chỉ xuất khẩu là một “hiện tượng lạ”.
Điều này cần phải được xem xét kỹ bởi không loại trừ khả năng chuyển giá, nhất là khi cả 2 công ty cùng Tập đoàn Besra đều khai báo thua lỗ hơn 1.000 tỉ đồng và nợ thuế lớn. Bởi nếu bán vàng trong nước thì giá bán bao nhiêu, lượng bán... đều dễ dàng được đối chiếu xác minh. Trong khi nếu xuất khẩu thì sẽ khó kiểm tra các chi tiết này hơn nên không loại trừ khả năng công ty bán giá thấp, khai báo lỗ để tránh đóng thuế.
“Bên cạnh đó, việc xuất khẩu vàng hoàn toàn ra khỏi VN cũng là một hình thức chuyển tiền ra nước ngoài hợp pháp và tránh việc nộp thuế khi chuyển lợi nhuận ra nước ngoài. Đó là chưa kể khi hạch toán lỗ, công ty còn xin thêm các ưu đãi khác về đầu tư, thuế... Vì vậy, cơ quan quản lý phải kiểm tra lại toàn bộ số liệu sản xuất, kinh doanh mà 2 công ty khai thác vàng đã khai báo. Không lẽ VN bó tay trước một nhà đầu tư nước ngoài trốn thuế trong khi lại đào vàng trong nước đi bán lấy tiền? Điều này quá sức vô lý”, TS Nguyễn Văn Thuận bức xúc.
Còn ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đầu tư và kinh doanh vàng VN, cho rằng số lượng vàng tiêu thụ trong nước mỗi năm đến vài chục tấn mà sản lượng 2 công ty khai thác vàng ở mức mỗi năm vài trăm ki lô gam cũng không thấm vào đâu. Việc bán vàng trong thị trường nội địa có sự quản lý của nhà nước là điều hợp lý, lúc đó nhà nước không phải mất ngoại tệ nhập khẩu vàng. Vì vậy, cần xem lại giấy phép đầu tư cũng như hạn mức mà công ty được phép bán cho thị trường nội địa. Nên ưu tiên việc bán vàng nguyên liệu cho các công ty trong nước. Đồng thời, có sự quản lý chặt chẽ để tránh hiện tượng trà trộn giữa vàng hợp pháp và vàng “biên mậu”.
Không có cơ sở pháp lý để gia hạn giấy phép
Hôm qua 16.6, ông Huỳnh Khánh Toàn, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Nam đã ký Văn bản số 2752/UBND-NC chính thức yêu cầu Tổng giám đốc Công ty TNHH khai thác vàng Bồng Miêu dừng ngay các hoạt động khai thác vàng tại mỏ Bồng Miêu cho đến khi được cơ quan có thẩm quyền trả lời về gia hạn dự án và cho phép gia hạn cấp phép hoạt động khai thác. Thời hạn mới mà tỉnh Quảng Nam đưa ra để Công ty vàng Bồng Miêu vận chuyển vật liệu nổ ra khỏi khu vực khai thác tập kết là trước 11 giờ trưa nay (17.6).
Tại cuộc gặp gỡ báo chí chiều qua 16.6, đại tá Nguyễn Viết Lợi, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam, khẳng định: “Chủ trương của tỉnh là tạo điều kiện tốt nhất cho DN đầu tư trên địa bàn tháo gỡ các vướng mắc, nhưng nếu công ty nào thiếu thiện chí, lợi dụng chính sách... thì kiên quyết không chấp nhận”. Cũng trong sáng qua, đoàn công tác của Ủy ban Kiểm tra T.Ư đã làm việc với H.Phú Ninh, trong đó có nội dung kiểm tra quá trình lãnh đạo, chỉ đạo về khoáng sản thuộc quản lý của chính quyền địa phương.
Trong động thái khác, UBND tỉnh Quảng Nam cũng vừa nhận được công văn trả lời của Tổng cục Địa chất và khoáng sản VN (Công văn số 1522/ĐCKS-KS) về vấn đề gia hạn giấy phép khai thác khoáng sản mà Công ty TNHH khai thác vàng Bồng Miêu đang triển khai. Trong đó, Tổng cục Địa chất và khoáng sản VN khẳng định “không có cơ sở pháp lý để công ty tiếp tục khai thác khoáng sản”, dẫn theo quy định tại khoản 3 điều 25 của Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 9.3.2012 của Chính phủ.
H.X.H

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.