'Bùng nổ' cạnh tranh khách sạn

23/10/2015 11:08 GMT+7

Một nghiên cứu mới đây cho thấy thực trạng cạnh tranh không lành mạnh do khách sạn ở Đà Nẵng phát triển quá nhanh nhưng thiếu định hướng.

Một nghiên cứu mới đây cho thấy thực trạng cạnh tranh không lành mạnh do khách sạn ở Đà Nẵng phát triển quá nhanh nhưng thiếu định hướng.

Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội TP.Đà Nẵng qua khảo sát kinh doanh, khó khăn và đề xuất của 526 cơ sở lưu trú (CSLT), gồm: 426 khách sạn, căn hộ, biệt thự du lịch và 100 nhà nghỉ trong 3 năm 2012-2014, đã cho thấy số lượng CSLT phát triển quá nhanh khiến cung vượt cầu, môi trường cạnh tranh không lành mạnh.
Đó là kết quả nghiên cứu, đánh giá và dự báo xu hướng phát triển CSLT nhằm giúp UBND TP.Đà Nẵng định hướng phát triển, quy hoạch lại hệ thống CSLT trong tương lai. 48% CSLT cho rằng động thái này rất cần thiết để khuyến khích loại hình CSLT cần ưu tiên phát triển, xác định CSLT phù hợp từng địa bàn quận huyện. Đặc biệt, đến 88,1% ý kiến cho rằng cần hạn chế xây dựng CSLT quy mô nhỏ dưới 20 phòng nhằm giảm tình trạng phá giá.
Các khách sạn, khu nghỉ dưỡng 4-5 sao thiết kế và quản lý bởi các tập đoàn quốc tế nổi tiếng đã phát huy hiệu quả kinh doanh với công suất phòng bình quân 70-80% nhờ khai thác khách quanh năm. Kết quả nghiên cứu khẳng định, khách lưu trú phổ biến hiện nay là khách nghỉ dưỡng, kết hợp hội nghị, hội thảo và tập trung ở khách sạn, khu nghỉ dưỡng 3-5 sao. Thống kê trong 3 năm 2012-2014, công suất phòng các khách sạn trên 3 sao tăng trưởng khá và đều trong khi công suất phòng khách sạn nhỏ, 1-2 sao giảm dần đều. Mùa cao điểm, khách sạn trên 3 sao đạt từ 61-65% trong khi khách sạn nhỏ giảm từ 58% còn 54%. Mùa thấp điểm, công suất phòng các khách sạn 4-5 sao vẫn tăng trưởng từ 30-34% trong khi các khách sạn nhỏ giảm dần từ 25% còn 20%.
Nguyên do, ngoài việc khách sạn nhỏ cung vượt cầu dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh đã nêu trên, thì đối với khách sạn 1-3 sao, hầu hết chủ đầu tư tự phát, thiếu thông tin thị trường và tiêu chuẩn xếp hạng, thiếu nhân lực vận hành và kế hoạch kinh doanh nên bị hạn chế về thiết kế và công năng sử dụng, không đạt chuẩn nghiệp vụ và chất lượng dịch vụ, kém hiệu quả. Một số hạn chế phổ biến ở các khách sạn nhỏ này là sảnh lễ tân nhỏ và thiếu nhà vệ sinh, thiếu đường đi và phòng dành cho người khuyết tật, khu vực hút thuốc, phòng hội nghị, phòng họp, nhà hàng nhỏ, diện tích phòng ngủ nhỏ, thiếu tiện nghi, bếp nhỏ, thiếu khu vực bảo quản thực phẩm, không đảm bảo PCCC.
Do đó, Sở VH-TT-DL khuyến nghị chủ đầu tư cần nghiên cứu kỹ, xác định nhu cầu, phân khúc thị trường và xây dựng kế hoạch chiến lược, kế hoạch kinh doanh phù hợp, nên xây dựng các CSLT có thiết kế độc đáo, đặc trưng, có tiêu chí chăm sóc và dịch vụ riêng. Ông Trần Chí Cường, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL gợi mở, hiện CSLT từ 1-3 sao tăng trưởng nhanh, cung đang vượt cầu vào mùa thấp điểm thì có thể chuyển hướng kinh doanh vào các dịch vụ khác như ẩm thực, đặc sản (có thể độc quyền hoặc nhượng quyền thương hiệu), trung tâm mua sắm, bảo tàng tư nhân, khu vui chơi giải trí, tụ điểm văn hóa, bar…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.