Các nước trong và ngoài OPEC lần đầu đạt thỏa thuận từ năm 2001

12/12/2016 07:37 GMT+7

Các quốc gia thuộc và không thuộc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) vừa đạt thỏa thuận đầu tiên kể từ năm 2001 nhằm cùng nhau cắt giảm sản lượng dầu, hạ dư cung toàn cầu.

Theo Reuters, khi thỏa thuận cuối cùng được ký sau một năm với nhiều tranh cãi trong nội bộ OPEC và sự ngờ vực về chuyện sẵn sàng hợp tác của Nga, mục tiêu của thị trường giờ đây quay về hướng theo dõi xem liệu các nước có tuân thủ thỏa thuận hay không.
OPEC có lịch sử gian lận trong hạn ngạch sản xuất. Việc Nigeria và Libya đứng ngoài thỏa thuận vì vấn đề riêng sẽ tiếp tục đặt áp lực giảm nguồn cung đáng kể lên “người anh cả” của OPEC là Ả Rập Xê Út. Nga, nước thất bại trong việc thực hiện lời hứa cắt giảm sản xuất song song với OPEC cách đây 15 năm, được cho là sẽ thực sự giữ lời lần này. Dù vậy, giới phân tích vẫn đặt câu hỏi liệu các nước không thuộc OPEC có đang cố gắng lấy mức giảm tự nhiên trong sản xuất chứng minh cho việc họ đang tuân thủ thỏa thuận hay không.
Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Xê Út Khalid al-Falih nói với cánh báo giới: “Thỏa thuận này là chắc chắn, chuẩn bị cho chúng ta sự hợp tác lâu dài”. Ông Khalid al-Falih còn gọi đây là thỏa thuận “lịch sử”.
Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak phát biểu trong cùng buổi họp báo: “Thỏa thuận hôm nay sẽ gia tăng tốc độ ổn định của thị trường, hạ biến động, thu hút các khoản đầu tư mới”.
Tuần trước, OPEC đồng ý hạ hạn ngạch 1,2 triệu thùng/ngày bắt đầu từ ngày 1.1. Ả Rập Xê Út giảm đến 486.000 thùng/ngày. Hôm 10.12, ông Falih cho hay nước ông có thể giảm sản xuất mạnh hơn.
Trước đó, các nhà sản xuất ngoài OPEC đã đồng ý giảm sản lượng tổng cộng 558.000 thùng/ngày, ít hơn mục tiêu ban đầu là 600.000 thùng/ngày nhưng vẫn là mức đóng góp lớn nhất từ những cái tên ngoài nhóm giàu dầu thô gồm 13 thành viên. Nga đóng góp 300.000 thùng/ngày trong số này, ông Novak cho hay. Ngoài ra, sản lượng dầu thô Nga sẽ giảm xuống còn 10,947 triệu thùng/ngày sau sáu tháng.
Nhà sáng lập hãng tư vấn Pira Energy kiêm cựu quan sát viên OPEC Gary Ross nhận định: “Tất cả họ đang hưởng mức giá dầu cao hơn và chuyện tuân thủ thỏa thuận có xu hướng tốt trong giai đoạn đầu. Song sau đó giá cả sẽ tăng tiếp, chuyện giữ lời hứa sẽ nhạt dần”.
Chuyên gia Amrita Sen từ hãng tư vấn Energy Aspects thì cho hay: “So với hai tháng trước, khi triển vọng về thỏa thuận phai nhạt nhanh, đây là sự thay đổi rất lớn. Những người hoài nghi có thể lo ngại về việc tuân thủ thỏa thuận song tính biểu tượng của nó không thể bị phủ nhận”. Theo ông Ross, OPEC sẽ nhắm đến mục tiêu giá dầu 60 USD/thùng vì giá cao hơn có thể khuyến khích đối thủ sản xuất.
Ngoài Nga, cuộc đàm phán diễn ra hôm 10.12 còn có ý kiến và cam kết đến từ các nước không là thành viên OPEC như Azerbaijan, Bahrain, Bolivia, Brunei, Equatorial Guinea, Kazakhstan, Malaysia, Mexico, Oman, Sudan và Nam Sudan. Bộ trưởng Năng lượng Nga cho biết các quốc gia trong và ngoài OPEC có mặt tại buổi họp chịu trách nhiệm 55% trong lượng giảm hạn ngạch toàn cầu.
“Dù rất nhiều nước đang lấy mức giảm sản lượng tự nhiên để đối phó, Nga, Kazakhstan và Oman thực sự bớt sản xuất”, chuyên gia Sen nhận định.

tin liên quan

Ả Rập Xê Út đang nghiêm túc hạ sản lượng dầu
Hãng dầu thô quốc doanh Saudi Aramco vừa nói với khách hàng rằng họ sẽ giảm các chuyến hàng dầu thô giao trong tháng 1 cho phù hợp với thỏa thuận giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và Nga hôm 30.11.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.