Cấm bán bia rượu trong quán karaoke là không khả thi

02/05/2017 10:00 GMT+7

Đề xuất không bán rượu bia tại quán karaoke trong dự luật Phòng chống tác hại của rượu bia của Bộ Y tế không được sự đồng tình của cộng đồng lẫn các chuyên gia kinh tế, luật, nhà xã hội học...

Giải pháp hành chính “hơi quá đà”
Cho rằng, việc hạn chế sử dụng bia rượu để bảo vệ sức khỏe cộng đồng là điều đáng hoan nghênh, nhưng theo PGS-TS Nguyễn Minh Hòa, nguyên Trưởng khoa Đô thị học và Quản lý đô thị (Đại học KHXH-NV TP.HCM), cấm bán bia rượu trong quán karaoke là giải pháp hành chính “hơi quá đà”.
“Việc uống bia trong quán karaoke, quán nhậu hay ở nhà là chuyện cá nhân và những người trưởng thành (bước qua 18 tuổi - PV) hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi của mình. Chúng ta không thể tư duy theo kiểu suy luận là vì uống nhiều mà gây tai nạn, nên cấm bán. Vậy uống trong quán karaoke dễ say, dễ tác độc tiêu cực đến xã hội hơn trong quán nhậu hay sao?”, PGS-TS Nguyễn Minh Hòa đặt vấn đề.
Đồng quan điểm, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch hội đồng thành viên Công ty luật Basico, nhận định: “Không nên xuất phát từ quan điểm quản lý không được thì cấm hết. Hơn nữa, karaoke lại không phải là nơi tiêu thụ bia rượu chính. Những người đến đây họp mặt, hát hò giải trí chỉ có nhu cầu sử dụng vài chai cho vui. Nếu cần nhậu nhiều họ sẽ ra nhà hàng quán nhậu. Vì vậy, khi cấm bán bia rượu trong quán karaoke thì người dùng sẽ chuyển ra nhà hàng, quán nhậu. Lúc đó, việc uống có thể gia tăng hơn nữa. Như vậy, việc cấm uống trong quán rõ ràng không có tác dụng hạn chế sử dụng”.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, thực tế từ trước đến nay ở bất kỳ nước nào, một giải pháp hành chính dù thuộc lĩnh vực nào cũng có tác dụng rất ít, thậm chí không có tác dụng. Hơn nữa, karaoke là hoạt động vui chơi giải trí, nếu không cho bán rượu bia thì người ta lại kéo đi chỗ khác như nhà hàng, quán nhậu thì vô hình trung chúng ta đang “làm nghèo” đi các hình thức giải trí của người dân. Ông Doanh nhấn mạnh: “Giải pháp tốt nhất là có thể xem xét áp dụng mức thuế thật cao cho sản phẩm này. Kèm theo chỉ bán cho người trên 18 tuổi với số lượng hạn chế... Điều này tương tự như một số nước trên thế giới đã làm”.
Nên tăng thuế thay vì cấm
Hàn Quốc và Nhật Bản là 2 trong nhiều quốc gia châu Á phát triển mạnh về dịch vụ karaoke và mảng kinh doanh này mang lại nguồn thu đáng kể cho đất nước họ. Trong các quán karaoke, thanh niên nam nữ Hàn, Nhật hoàn toàn có thể hát và uống rượu bia thoải mái, nhưng việc lái xe khi có nồng độ cồn nếu bị phát hiện đều bị xử phạt nghiêm khắc.
“Nếu hát mà không có uống, ở VN hay Hàn, chắc mọi người chọn ở nhà hát luôn. Không khí quán xá phải khác ở nhà, và đó là yếu tố kích thích chi tiêu, nguồn thu xã hội mới tăng được”, PGS-TS Nguyễn Minh Hòa nói và cho biết, tại các nước phát triển như Đức, không có chuyện cấm bán bia rượu cho người trưởng thành.
Họ chỉ quản lý hành vi người dân sau khi uống. Chẳng hạn, sau khi rời quán nhậu, nếu đi đứng đàng hoàng, vững chãi thì không ai "hỏi thăm". Nhưng nếu người uống say bị té ngã, chắc chắn sẽ bị phạt rất nặng. “Ở Đức coi trọng mức độ kiểm soát hành vi của người sử dụng thức uống có cồn. Nếu họ uống được và tự chịu trách nhiệm, kiểm soát được hành vi của mình thì không ai quan tâm. Song nếu uống say ra đường bị ngã, sẽ bị phạt rất nặng. Phạt này là phạt tội uống để mất kiểm soát hành vi, một trong những nguyên nhân gây bất ổn, tai nạn cho xã hội”, TS Hòa thông tin.
Không đồng ý với giải thích từ phía Bộ Y tế là quy định cấm này giúp hạn chế tỷ lệ người dân sử dụng bia rượu, đặc biệt là thanh niên, cán bộ, công chức, viên chức..., luật sư Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Công ty luật IAM, cho rằng: “Đa số người có nhu cầu vào quán karaoke là để hát chứ không phải để nói chuyện. Để trò chuyện, hàn huyên, người ta chọn quán ăn, nhà hàng, cà phê... Chỉ có nhu cầu muốn hát, muốn được lắng nghe, muốn được giảm stress hay muốn chia sẻ với bạn bè mới vào quán karaoke. Và thực tế, quán kinh doanh karaoke sống nhờ có bán bia. Việc cấm này sẽ gây ảnh hướng lớn đến hoạt động kinh doanh karaoke của cả nước, một lĩnh vực kinh doanh được phép hoạt động tại VN. Vì vậy, nên hạn chế bia rượu bằng giải pháp tăng thuế bán bia rượu, đánh vào nhà sản xuất lẫn hầu bao người tiêu dùng, ắt hẳn sẽ có hiệu quả hơn là cấm bán một cách “đơn độc” không khả thi như vậy. Thứ nữa, cần có quy định quản lý chặt việc bán thức uống có cồn cho người dưới 18 tuổi”.
PGS-TS Nguyễn Minh Hòa thẳng thắn: “Lệnh cấm này mang tính chất quá vi mô và không khả thi”. Còn theo luật sư Nguyễn Quốc Toản, lệnh cấm này không đủ sức răn đe. Vì thực tế còn nhiều mô hình “nhậu kèm hát” rất phong phú tại VN như nhà hàng hát cho nhau nghe, hoặc muốn đối phó, nhiều quán karaoke có thể lách luật bằng cách treo bảng thành nhà hàng, quán rượu là xong.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), phí tổn kinh tế do rượu, bia chiếm 1,3 - 12% GDP quốc gia. Trong đó, chi phí gián tiếp để giải quyết hậu quả thường cao hơn chi phí trực tiếp. Giả sử phí tổn do rượu bia ở VN ở mức 1,3% GDP thì thiệt hại khoảng 60.000 tỉ đồng, trong khi đó đóng góp cho ngân sách nhà nước của ngành sản xuất rượu bia, nước giải khát của VN năm 2012 chỉ 19.000 tỉ đồng. Mỗi người VN bình quân tiêu thụ 6,6 lít cồn/năm, đứng đầu các nước châu Á. Dự thảo luật Phòng chống tác hại rượu bia sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp năm 2018 để có thể thông qua vào năm 2019.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.