Cần cẩu đổ ập vào nhà dân: Xem lại chất lượng kiểm định

15/05/2015 11:20 GMT+7

(TNO) Sau sự cố chiếc cần cẩu bánh xích đang hoạt động trong công trường xây dựng đường sắt đô thị tuyến Nhổn - Ga Hà Nội bị đổ gục vào số nhà 359 đường Cầu Giấy, nhiều chuyên gia về máy xây dựng cho rằng, cần xem xét lại chất lượng kiểm định chiếc cẩu này.

(TNO) Sau sự cố chiếc cần cẩu bánh xích đang hoạt động trong công trường xây dựng đường sắt đô thị tuyến Nhổn - Ga Hà Nội bị đổ gục vào số nhà 359 đường Cầu Giấy, nhiều chuyên gia về máy xây dựng cho rằng, cần xem xét lại chất lượng kiểm định chiếc cẩu này.

duong-sat-do-thiNhiều chuyên gia nghi ngờ chất lượng kiểm định chiếc cẩu gây ra tai nạn - Ảnh: Vũ Nguyện
Ông Lê Huy Hoàng, Phó trưởng Ban quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội cho biết: “Chúng tôi đã xem xét kỹ, kết cấu của đầu cần cẩu vẫn còn nguyên vẹn, chỉ có phần thân cần cẩu bị đổ gục. Máy cẩu loại bánh xích này vẫn còn trong thời gian kiểm định, đủ điều kiện tham gia thi công tại công trường này. Người lái cẩu cũng có chứng chỉ đầy đủ”, ông Hoàng nói.
Theo Giấy chứng nhận kết quả kiểm định về chiếc cẩu bánh xích bị sự cố do Ban quản lý cung cấp, phần cần trục bánh xích được Nhật Bản sản xuất từ năm 2000, có công dụng nâng hạ tải và khoan cọc nhồi. Loại cẩu bánh xích này có khả năng khoan sâu 60 m; nâng được 40 tấn với vận tốc 20 m/phút. Đơn vị đứng tên chủ sở hữu chiếc cẩu trong Biên bản kiểm tra kỹ thuật là Công ty CP Đầu tư xây dựng Hải Dương có địa chỉ tại Gia Lâm, Hà Nội.
Lần kiểm định gần đây nhất của chiếc cẩu là 16.3.2015, do Trung tâm kiểm định kỹ thuật an toàn khu vực 1 thuộc Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội với chứng nhận là đạt tiêu chuẩn. Lần kiểm định tiếp theo được ấn định sau 1 năm, 16.3.2016. Người trực tiếp kiểm định chiếc cần cẩu là kiểm định viên Nguyễn Huy Tuấn.
Công ty CP cầu 14 (trụ sở ở quận Long Biên, Hà Nội) thuộc Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco1) là đơn vị thuê lại chiếc cần cẩu này để phục vụ thi công tuyến đường sắt đô thị trên cao Nhổn - Ga Hà Nội với chi phí 242 triệu đồng/tháng.
Đại diện Ban quản lý dự án cũng cho biết, trước khi đưa chiếc cần cẩu này vào công trường đã kiểm tra hồ sơ của cẩu, công nhân vận hành đầy đủ và cần cẩu cũng đã từng thực hiện thành công nhiều lần việc rút ống vách có thép.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu Việt Nam nhận định, có thể chiếc cẩu đã cũ quá nên chất lượng không còn được đảm bảo. Đây chính là lý do mà các thiết bị thi công đều phải kiểm định định kỳ thường xuyên.
Cũng theo ông Hiệp, có thể do công nhân thiếu kinh nghiệm vận hành, không lắc hoặc lắc quá nhẹ nên lực ma sát vẫn còn lớn. Do rút lúc lực ma sát còn quá lớn, gây gục cần cẩu. “Thông thường, khi vận hành thiết bị trong thi công xây dựng, đặc biệt là liên quan đến nâng hạ, người ta chỉ vận hành đến khoảng 80% năng lực của thiết bị để đảm bảo hệ số an toàn. Trong trường hợp cần cẩu bị gục giữa thân như vậy, có lẽ sức chịu đựng có vấn đề”, ông Hiệp nói.
Một chuyên gia xin giấu tên của Hiệp hội nhà thầu Việt Nam cho rằng, cần phải xem lại chất lượng kiểm định chiếc cẩu này trước khi đưa vào hoạt động, có thể chiếc cẩu không đảm bảo chất lượng vẫn được cấp kiểm định an toàn để hợp thức hóa đưa vào công trường.
Theo ông Lê Huy Hoàng, Ban quản lý cũng đang đặt nghi vấn để kiểm tra xem chiếc cần cẩu gây ra tai nạn có được bảo dưỡng định kỳ không. “Cần phải xem lại kết quả, quy trình kiểm định chiếc cẩu này xem có đánh giá được hết không”, ông Hoàng cho hay.
Cũng theo ông Hoàng, sau vụ tai nạn này, lãnh đạo Hà Nội cũng đã chỉ đạo bổ sung thêm nhiều biện pháp an toàn ở phía ngoài công trường, như cử người canh gác cảnh báo người dân; lắp thêm cáp phụ để nếu xảy sự cố sẽ hạn chế nguy hiểm ra bên ngoài công trường; tăng cường làm thời gian vắng người... Một biện pháp nữa, là sẽ sàng lọc các nhà thầu, nếu không đủ năng lực sẽ kiên quyết thay thế.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.