Cần có lộ trình đối với Uber

07/12/2014 04:30 GMT+7

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, VN cần có lộ trình cho phép Uber hoạt động để tránh tác động tiêu cực đến doanh nghiệp trong nước.


Các hãng taxi đang muốn có sự công bằng với DN nước ngoài - Ảnh: D.Đ.M

TS Bùi Trinh, chuyên gia kinh tế cho rằng, doanh nghiệp (DN) trong nước rất dễ bị tổn thương trong quá trình hội nhập, do chịu ảnh hưởng nặng nề sau thời gian dài khủng hoảng tài chính toàn cầu. Vì thế, họ cần được bảo hộ.

Không nên cấp tập

“Tuy nhiên, sự kiện Uber thâm nhập thị trường VN là một cảnh báo để các hãng taxi nói riêng và các công ty trong nước nói chung cần nhanh chóng thay đổi mô hình hoạt động để tiếp cận với tiến bộ của thế giới. Nhưng quan điểm của tôi là việc cho phép các DN nước ngoài vào VN phải có lộ trình và giới hạn, không nên ồ ạt. Cụ thể, đối với trường hợp của Uber, VN nên có thời gian xem xét cẩn trọng để hài hòa lợi ích các bên. Nếu cho phép ồ ạt, chắc chắn DN trong nước sẽ chết và thị trường sẽ dần rơi vào tay nước ngoài”, TS Trinh cảnh báo.

Cùng quan điểm, TS Nguyễn Văn Ngãi, chuyên gia kinh tế, thừa nhận các mô hình kinh doanh mới của thế giới vào VN là không thể ngăn cản. Các DN trong nước vốn yếu hơn về công nghệ, tài chính, nhân lực…, cần có thời gian để thích ứng. VN vẫn có các rào cản kỹ thuật để bảo hộ sản xuất, kinh doanh trong nước. Vấn đề này, nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng, miễn sao không vi phạm các nguyên tắc của cam kết WTO. “Chắc chắn một điều, với ưu thế về công nghệ và giá, Uber sẽ nhanh chóng khiến các hãng taxi truyền thống thất thế. Như vậy, VN cần cân nhắc cho Uber hoạt động ngay tức thời hay không, nhưng tôi cho rằng, VN nên có lộ trình, có thể là trong vòng 1 hoặc 2 năm để thừa nhận Uber. Trong thời gian đó có thể xem xét tính pháp lý của Uber, các DN taxi trong nước cũng đủ thời gian cải thiện, nâng cao năng lực cạnh tranh”, TS Ngãi đề xuất. Ông cũng nhấn mạnh, nhiều nước có nền kinh tế tiên tiến, phát triển trên thế giới, có hệ thống pháp luật vững chắc cũng đang tìm hiểu tính phù hợp của Uber thì VN không nên quá vồ vập để chấp nhận Uber trong thời gian gấp gáp như thế.

Ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM, bức xức thay cho các hãng taxi trong nước khi cho rằng, VN cần cân nhắc kỹ lưỡng lợi và hại nếu cho Uber hoạt động. “Các công ty taxi nói với tôi, hiện nay giá của Uber rẻ hơn của họ 13%, nhưng nếu nhà nước cũng cho các hãng taxi được hưởng những lợi thế đó, giá của họ cũng sẽ bằng với Uber, hoặc thấp hơn. Trong thời gian sớm nhất, chúng tôi sẽ tổ chức hội thảo công khai làm rõ lợi và hại nếu để Uber hoạt động ồ ạt mà không có lộ trình cần thiết ở VN. Chúng tôi không phân biệt DN trong hay ngoài nước, nhưng rõ ràng công ty VN hoạt động ngay ở thị trường VN cần có sự chuẩn bị và được hỗ trợ”, ông Minh phát biểu.

Áp lực lên giao thông đô thị

Việc cấp tập cho phép Uber hoạt động cũng mang tới nhiều hệ lụy cho giao thông đô thị. TS Bùi Trinh phân tích, nếu cho phép Uber hoạt động ngay mà không có lộ trình đồng nghĩa với việc tăng áp lực lên cơ sở hạ tầng giao thông, môi trường… của các đô thị lớn, đặc biệt là ở TP.HCM và Hà Nội. Nhiều thành phố lớn trên thế giới hạn chế số lượng taxi và xe cá nhân để phát triển phương tiện giao thông công cộng. Ở TP.HCM cũng có quy định hạn chế taxi, nên càng phải cân nhắc với Uber. Đồng tình, ông Huỳnh Văn Minh cũng cho rằng, thị trường taxi ở TP.HCM hiện đã cạnh tranh gay gắt, số lượng đầu xe quá lớn, vì vậy thay vì để Uber hoạt động, VN cần cho các hãng taxi trong nước thời gian củng cố năng lực cạnh tranh của mình. Ngoài ra, ông Minh cũng nhấn mạnh tới việc cơ quan chức năng cần xác định rõ Uber là mô hình hoạt động kiểu gì: vận tải hay nhà mạng, từ đó có phương thức quản lý hiệu quả. Trong khi đó, theo TS Nguyễn Văn Ngãi, sau một hai năm nữa, khi chấp nhận Uber, thị trường cạnh tranh giữa taxi truyền thống và Uber sẽ bình đẳng hơn. Lúc đó, việc quyết định ai sống, ai chết là do người tiêu dùng.

Trong công văn gửi Bộ trưởng Bộ GTVT, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP.HCM Tạ Long Hỷ lý giải vì sao không nên nhanh chóng chấp nhận Uber. “Hiện tại nhiều tỉnh, thành phố đã thực hiện chủ trương khống chế việc phát triển số lượng xe taxi theo quy hoạch ngắn hạn, dài hạn thông qua việc cấp giấy phép cho từng hãng taxi. Nay cho phép Uber hoạt động đồng nghĩa với việc tất cả mọi xe nhàn rỗi không phân biệt có phải taxi hay không đều được hoạt động đưa rước khách như taxi, vô tình đã phá vỡ kế hoạch, quy hoạch mà các tỉnh thành xây dựng bấy lâu nay. Ngoài ra, Chính phủ đang buộc taxi truyền thống phải gắn hộp đen, giám sát hành trình (GPS), nếu sắp tới chấp nhận loại hình hoạt động của Uber (không cần và không có gì cả) thì taxi truyền thống có cần phải tiếp tục thực hiện các việc trên nữa không? Chính phủ buộc xe taxi truyền thống phải gắn taximeter, phải kiểm định định kỳ có dán tem - niêm chì của cơ quan kiểm định. Sắp tới buộc phải có thêm bộ phận in hóa đơn tự động, nếu chấp nhận loại hình hoạt động như Uber thì các xe taxi truyền thống có cần phải duy trì, thực hiện các việc nói trên nữa không?”, ông Hỷ phát biểu.

N.Trần Tâm

>> Uber được định giá 40 tỉ USD
>> Taxi truyền thống lo bị Uber áp đảo
>> Bộ Giao thông - Vận tải làm việc với Uber vào đầu tuần tới
>> Uber đã đăng ký kinh doanh với Sở KH-ĐT TP.HCM ?
>> Mở 'đường sống' cho taxi Uber
>> Có 45 quốc gia cho phép dùng taxi Uber
>> Bộ trưởng Thăng: Uber nếu có lợi cho dân thì cần được hợp pháp hóa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.