Cần dừng 'cuộc đua' xây trụ sở

11/11/2015 05:39 GMT+7

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng khi ngân khố quốc gia đang ngày càng teo tóp thì việc các tỉnh, thành xin tiền xây dựng trung tâm hành chính “nghìn tỉ đồng” là hết sức thiển cận, vô lý và cần phải “phanh” lại lập tức.

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng khi ngân khố quốc gia đang ngày càng teo tóp thì việc các tỉnh, thành xin tiền xây dựng trung tâm hành chính “nghìn tỉ đồng” là hết sức thiển cận, vô lý và cần phải “phanh” lại lập tức.

Trung tâm hành chính tỉnh Lâm Đồng xây từ tiền ngân sách và phải đi vay - Ảnh: Gia BìnhTrung tâm hành chính tỉnh Lâm Đồng xây từ tiền ngân sách và phải đi vay - Ảnh: Gia Bình
Hôm qua, Hải Phòng đã họp báo "đính chính" thông tin đề xuất xây trung tâm hành chính (TTHC) tập trung của TP lên tới 10.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, việc này chỉ là “giọt nước” làm tràn ly khi nó diễn ra trong bối cảnh ngân sách nhà nước (NSNN) đang vô cùng khó khăn.
Điều người dân mong muốn là thái độ cần mẫn của công chức, thủ tục hành chính đơn giản chứ không phải những ngôi nhà to mà đầy sự quan liêu, lạnh lùng
TS Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng
Nơi nào cũng xây nghìn tỉ
Trước đó, Khánh Hòa cũng dự kiến xây dựng khu TTHC tại xã Vĩnh Thái (TP.Nha Trang), với diện tích 126 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 4.300 tỉ đồng, trong đó vốn xây dựng hạ tầng cho khu TTHC và các cơ quan hành chính khoảng 3.000 tỉ đồng. Theo kế hoạch, trong năm 2016 UBND tỉnh sẽ khởi động dự án với việc tổ chức thi tuyển công trình kiến trúc cho tòa nhà trung tâm, lập báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế chi tiết. Đồng thời, sẽ xem xét, đánh giá hồ sơ đề xuất của các nhà đầu tư để tiến tới ký hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) với các nhà đầu tư được lựa chọn và triển khai việc thi công và dự kiến, sau 5 năm sẽ hoàn thành.
Giữa tháng 3.2014, tỉnh Đồng Nai họp bàn đề án xây dựng khu TTHC - chính trị của tỉnh. Theo Sở Xây dựng, chủ đầu tư dự án, TTHC mới đặt tại khu đô thị mới Tam Phước (Biên Hòa) có tổng diện tích xây dựng 122.000 m2, vốn đầu tư 2.200 tỉ đồng.
Tại cuộc họp báo hôm qua, ông Lê Khắc Nam, Phó chủ tịch UBND TP.Hải Phòng, cho rằng thông tin địa phương này dự kiến sử dụng 10.000 tỉ đồng (với 70% ngân sách xin T.Ư) để xây TTHC là không chính xác. Theo ông Nam, đây là số tiền dự kiến đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật khu đô thị mới Bắc sông Cấm. Khu đô thị này có diện tích 1.445,51 ha bao gồm 6 khu chức năng, trong đó khu hành chính tập trung chỉ chiếm một phần nhỏ (35 ha) và khu vực này vẫn chưa được lập dự án đầu tư hay chốt thời điểm xây dựng. “Trong dự án này có nhiều hạng mục mà T.Ư sẽ đầu tư như cầu Hoàng Diệu, đê biển, kè sông nên việc xin kinh phí 7.000 tỉ từ T.Ư là không có gì quá đáng. Đặc biệt, trong năm 2014 vừa qua, Hải Phòng đã đóng góp cho ngân sách T.Ư trên 50.000 tỉ đồng”, ông Nam nói.
Lê Tân
Ngoài ra, trong “cuộc đua” này còn có Bình Thuận, Bình Định, Hà Tĩnh, Nghệ An... Hiện nay, quy hoạch chi tiết 1/500 khu hành chính tập trung của tỉnh Bình Thuận (rộng hơn 80.000 m2 tại P.Phú Thủy, TP.Phan Thiết) đã được tỉnh này phê duyệt. Đối với dự án TTHC tỉnh Hà Tĩnh, dự kiến mức đầu tư khoảng 1.500 tỉ đồng. Trước mắt triển khai giai đoạn 1 (gồm hạ tầng kỹ thuật và tòa nhà cao tầng thứ nhất bố trí chỗ làm việc cho 8 đến 10 sở, ngành). Diện tích khu vực dự kiến thực hiện dự án là 46 ha, trong đó nhà TTHC là 10 ha. Theo kế hoạch công trình hoàn thành vào năm 2017.
Theo số liệu khảo sát của Hội Kiến trúc sư VN, hiện có khoảng 15 TTHC tập trung đã đưa vào sử dụng, đang triển khai. Các dự án đều có mức dự toán trên 1.000 tỉ đồng, cao hơn nữa là trên 5.000 tỉ đồng.
Xin gạo cứu đói vẫn tính xây trụ sở hoành tráng
Đó là chuyện của tỉnh Nghệ An. Địa phương này dự tính xây dựng khu hành chính tập trung sở, ngành gồm 2 tòa tháp ở số 1, đại lộ Lênin với tổng chi phí gần 2.200 tỉ đồng. Trong khi vào tháng 4.2015, tỉnh có công văn xin Chính phủ xuất cấp gạo miễn phí cứu trợ người dân vụ giáp hạt 2015. Cuối tháng 5, Thủ tướng Chính phủ đồng ý xuất cấp 1.566 tấn gạo cứu đói cho Nghệ An.
Khi xây dựng TTHC, một số tỉnh thành dự kiến thông qua hình thức BT (xây dựng - chuyển giao), bán tài sản, đất từ dự án cũ cho các chủ đầu tư, lấy tiền xây dựng mới để giảm phụ thuộc vào ngân sách. Tuy nhiên, theo đánh giá của Hội Kiến trúc sư, phần lớn công trình phải dùng tiền ngân sách.
Đơn cử như Lâm Đồng, tỉnh này phải đi vay vốn để xây TTHC tập trung. Dự án ban đầu Chính phủ phê duyệt với mức đầu tư 495 tỉ đồng, đến năm 2012 được điều chỉnh lên hơn 1.000 tỉ đồng. Xây dựng từ 2009 đến 2014, nhưng do tỉnh không bố trí đủ vốn theo tiến độ thi công thực tế dẫn đến thời gian thi công kéo dài và phát sinh lãi vay phải trả 33,9 tỉ đồng. Đến giữa năm 2011, UBND tỉnh phải chuyển từ hình thức BT sang dùng vốn NSNN.
Trước đó, TTHC Đà Nẵng được thiết kế như một ngọn hải đăng với 34 tầng nổi, hai tầng hầm với tổng vốn đầu tư 1.981 tỉ đồng. Ban đầu Đà Nẵng tính toán bán các trụ sở cũ của các cơ quan công sở để lấy tiền xây dựng, nhưng việc bán các trụ sở không thực hiện được như mong muốn. Số tiền đầu tư xây dựng hoàn toàn là tiền ngân sách bỏ ra.
Còn từ tháng 4.2012, TTHC của Bà Rịa-Vũng Tàu có tổng đầu tư 1.461 tỉ đồng chính thức đi vào hoạt động. Theo UBND tỉnh, số tiền bỏ ra để xây dựng được lấy từ ngân sách tỉnh, bởi tiền bán đấu giá đất và tài sản trụ sở cũ rất khó khăn.
“Sao không đổ vào bệnh viện, trường học…”
Trao đổi với PV Thanh Niên, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, TS Phạm Sỹ Liêm, đánh giá hiện nay hầu hết các địa phương đều thiếu hạ tầng cả về kinh tế lẫn xã hội; bệnh viện thì quá tải, đường sá ách tắc... nhưng điều lạ là các tỉnh không bỏ tiền đầu tư vào đó mà cứ thích đi xây trụ sở to, đẹp, nguy nga. “Không phải cứ xây trụ sở sang trọng, to đẹp thì người dân không kêu ca về cuộc sống. Cuộc sống của họ đâu phải phụ thuộc vào trụ sở to hay nhỏ. Vấn đề là chúng ta còn nghèo, còn khó khăn phải biết tiết kiệm. Cái đó cần nhưng không phải lúc này, điều người dân mong muốn là thái độ cần mẫn của công chức, thủ tục hành chính đơn giản chứ không phải những ngôi nhà to mà đầy sự quan liêu, lạnh lùng”, TS Liêm chia sẻ.
Theo TS Liêm, xây dựng lãng phí như vậy cũng làm cho đất nước nghèo đi. Ở các nước tăng 1 đồng GDP chỉ cần đầu tư 3 - 4 đồng, trong khi VN phải mất 7 - 8 đồng. Nguyên nhân vì tiền được chi tiêu lãng phí, không hiệu quả.
Ý kiến
Gánh nặng cho ngân sách
Trao đổi với báo chí bên lề phiên họp QH, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết tinh thần chung trong bối cảnh ngân sách khó khăn hiện nay và những năm tới là phải tiết kiệm triệt để. Bây giờ không có cách nào khác là phải thắt lưng buộc bụng, ngay cả việc xây trụ sở làm việc. Một số địa phương vừa qua đã xây hoặc chủ trương xây TTHC cấp tỉnh trên tinh thần tự cân đối ngân sách địa phương, bằng nguồn vốn từ việc đấu giá trụ sở cũ. “Nhưng tôi nói rõ nguồn thu này cũng là ngân sách nhà nước. Việc đấu giá trụ sở cũ một số nơi đã làm và có hiệu quả. Nhưng để biết cách làm này có hiệu quả toàn bộ hay không thì cần tổng kết để có đánh giá chính xác”, Phó thủ tướng nói.
Không cấp thiết thì không duyệt chi
TS Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của QH, nhìn nhận một số địa phương, nhất là các tỉnh mới chia, tách lại xin ngân sách T.Ư trợ cấp để xây trụ sở hoành tráng gây bức xúc cho người dân. Bởi có những nơi có nhu cầu bức xúc khác: trường học, bệnh xá... phục vụ người dân ở những nơi đó còn thiếu thốn, yếu kém, rách nát thì việc xây dựng trụ sở mới, TTHC quá lớn là không chấp nhận được. “Tôi nghĩ là hiện nay nợ công đang tăng, áp lực trả nợ là khó khăn ghê gớm. QH còn phải xem xét bán cổ phần ở nhiều doanh nghiệp nhà nước lớn để bù vào cái khoản hụt thu, trái phiếu còn tiếp tục vay, lại còn tính phát hành trái phiếu quốc tế để đảo nợ. Cử tri thì bức xúc trước vấn đề ngân sách không còn tiền để tăng lương. Trong bối cảnh đó, tôi cho là ý thức tiết kiệm, cái gì chưa cấp thiết mà cứ đề nghị chi tiền thì không nên duyệt chi, không cho chi. Tôi tin rằng QH cũng không ủng hộ cách đặt vấn đề như vậy”, ông Lịch nói.
Mạnh Quân (ghi)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.