Cảnh báo từ thị trường xuất khẩu lao động Nga

27/03/2009 00:26 GMT+7

Báo Thanh Niên ngày 25.3 đăng bài Cú "lừa" đi hợp tác lao động ở Nga, phản ánh việc một số công nhân được một doanh nghiệp ở TP.HCM đưa qua Nga làm việc phải chịu cảnh ăn ở tồi tàn, điều kiện làm việc hà khắc... Nhiều lao động ở phía Bắc phản ánh họ đi xuất khẩu lao động qua Nga cũng rơi vào tình trạng tương tự.

Tiếp xúc với phóng viên, chị Phạm Thị Minh Hải, khu 8, thị trấn Thị Cầu (TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh), người đã về nước ngày 12.2.2009 sau khi tự bỏ tiền ra mua vé bay về, kể chuyện chị và 4 lao động khác sang Nga, qua Trung tâm Đào tạo và xuất khẩu lao động Viglacera (thuộc Tổng công ty thủy tinh và gốm xây dựng Viglacera).

Trong hợp đồng ký với chủ sử dụng lao động tại Nga, chị Hải và hai người khác được chủ sử dụng cam kết hợp đồng làm việc có thời hạn 3 năm, công việc là thợ may công nghiệp, hình thức tính lương trả theo sản phẩm nhưng được đảm bảo thu nhập tối thiểu là 4.400 USD/năm, làm việc không quá 10 tiếng/ngày... Trong hợp đồng lao động cũng ghi rõ, người lao động phải nộp 2.250 USD, trong đó 1.200 USD nộp trước khi đi và 1.050 USD trừ vào những tháng lương đầu tiên. Ngoài khoản thu này, hằng tháng người lao động phải nộp 140 USD/tháng trong năm đầu tiên. Số tiền đóng hằng tháng sẽ tăng lên 170 USD vào năm thứ 2 và 3.

Nhưng thực tế lại không như cam kết. Chị Hải kể, khi sang Nga, cả nhóm được đưa đến trụ sở Công ty may Milateks, là một trường học bỏ hoang. Chủ sử dụng lao động không sắp xếp chỗ ăn, ở cho lao động mà người lao động tự phải đi kiếm từng tấm gỗ dưới trời tuyết về tự đóng dát giường nằm, tìm các mảnh vải cũ để làm chăn đắp... Ngay ở những ngày đầu tiên làm việc, chị đã phải làm 15 - 16 tiếng/ngày. Tiền công được trả theo sản phẩm, mỗi bộ quần áo may hoàn chỉnh nhận được tương đương 20.000 đồng tiền công. Làm việc quần quật mười mấy tiếng nhưng mỗi ngày chị cũng chỉ có thể may nhiều nhất được 3 bộ quần áo. Trong khi đó, số tiền 140 USD/tháng theo hợp đồng ký trước khi đi thì người lao động vẫn phải trả...

"Hiện tại có khoảng 20 công nhân người Việt đang làm việc tại Công ty may Milateks (tỉnh Tula, Liên bang Nga) kêu cứu vì điều kiện làm việc, thu nhập, ăn ở, sinh hoạt rất tồi tàn. Họ không thể về nước vì chủ doanh nghiệp ra điều kiện muốn về phải tự lo vé, đồng thời nộp phạt 2.000 USD phá vỡ hợp đồng", chị Hải cho biết.

Để kiểm chứng thêm thông tin phản ánh của người lao động, phóng viên đã nhiều lần liên lạc, kể cả bằng văn bản, với Tổng công ty thủy tinh và gốm xây dựng Viglacera, nhưng không nhận được hồi âm.

Ông Bùi Đình Dĩnh, Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga, cảnh báo: "Doanh nghiệp chỉ nên đưa lao động đi khi hợp đồng đã được thẩm định kỹ càng về lương và điều kiện ăn ở của người lao động. Không thể đưa tràn lan, có những lao động được đưa sang sống trong container cả mùa đông". Theo ông Dĩnh, hiện tại có rất nhiều doanh nghiệp tại Nga là doanh nghiệp "ma", không có tư cách pháp nhân.

Không ít doanh nghiệp do chủ là người Việt thường trả thu nhập của người lao động rất kém. "Doanh nghiệp xuất khẩu lao động cần phải thẩm định rất kỹ hợp đồng rồi hãy đưa lao động sang để tránh rủi ro cho cả doanh nghiệp và người lao động", ông Dĩnh lưu ý.

Minh Khánh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.