Châu Á cần chi 26.000 tỉ USD cho cơ sở hạ tầng đến năm 2030

01/03/2017 08:28 GMT+7

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho hay các nước châu Á phải chi 26.000 tỉ USD cho cơ sở hạ tầng trước năm 2030 để chiến đấu với đói nghèo, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và chống biến đổi khí hậu.

Theo AFP, trong báo cáo về nhu cầu cơ sở hạ tầng ở châu Á, ngân hàng ADB cho hay chính phủ một số nước nghèo nhất thế giới nên đầu tư vào tất cả các loại cơ sở hạ tầng từ giao thông vận tải, viễn thông, điện nước đến vệ sinh môi trường. ADB cho biết thêm dù tăng trưởng cơ sở hạ tầng đang mạnh những thập niên gần đây, vẫn còn hơn 400 triệu người không nó điện để dùng, 300 triệu người thiếu nước sạch để uống và khoảng 1,5 tỉ người không có chỗ vệ sinh cơ bản.
“Nhu cầu cơ sở hạ tầng hiện diện trên khắp châu Á và Thái Bình Dương, vượt xa nguồn cung hiện tại. Châu Á cần cơ sở hạ tầng mới, được nâng cấp vốn sẽ thiết lập các tiêu chuẩn về chất lượng, khuyến khích tăng trưởng kinh tế và ứng phó với thách thức nóng của toàn cầu là biến đổi khí hậu”, Chủ tịch ADB Takehiko Nakao nói.
Theo ADB, châu Á cần hơn 1.700 tỉ USD mỗi năm từ năm 2016 đến năm 2030, gấp đôi mức đầu tư vào cơ sở hạ tầng 881 tỉ USD ở thời điểm hiện tại. Ngân hàng có trụ sở ở Manila (Philippines) cho hay 14.700 tỉ USD trong tổng tiền được đầu tư vào cơ sở hạ tầng nên được dùng để phát triển điện năng, 8.400 tỉ USD được dùng phát triển giao thông vận tải, 2.300 tỉ USD được dùng cho viễn thông và 800 tỉ USD được dùng để phát triển nước, vệ sinh môi trường.
Báo cáo của ADB cũng cho biết các nước châu Á nên dành khoảng 200 tỉ USD mỗi năm để giảm thiểu tác động từ biến đội khí hậu, phát triển năng lượng tái tạo và cải thiện phương tiện giao thông công cộng. Dù vậy, khoảng cách cơ sở hạ tầng giữa 45 nước được xem xét trong báo cáo vẫn còn đáng kể.
Hiện nhiều nền kinh tế châu Á đang tiếp tục gặp khó với tăng trưởng kinh tế giảm tốc và lo ngại về chương trình nghị sự theo chủ nghĩa bảo hộ của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Nhiều nước còn vấp phải chuyện quan liêu, tham nhũng. Theo giới phân tích, các chính phủ nên tìm đến vốn tư nhân nếu cần được giúp đỡ.
ADB là ngân hàng được thành lập năm 1996, thuộc sở hữu của 67 nước thành viên. 48 trong số các thành viên là các nước ở châu Á. ADB phê duyệt 16,3 tỉ USD các khoản vay và viện trợ tài chính cho khu vực trong năm 2015.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.