Chi phí doanh nghiệp tăng chóng mặt

Bị cắt đứt nguồn vốn giá rẻ, các doanh nghiệp liên tục phản ánh về việc chi phí tài chính tăng lên gấp đôi, khó cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài trong cùng lĩnh vực.

Lãi vay tăng 60%
Sau gần 1 tháng không được vay ngoại tệ thanh toán trong nước, các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu đang đối mặt với khó khăn chồng chất. Bà Nguyễn Ngọc Thúy, Giám đốc kinh doanh Hợp tác xã Mây tre lá Ba Nhất, cho biết đầu tháng 4, đơn vị vay ngân hàng (NH) 500.000 USD, lãi suất 3,5%/năm, tương đương 33 triệu đồng/tháng.


Chỉ cần nhìn chênh lệch giữa lãi suất vay bằng ngoại tệ 2% và lãi suất vay tiền đồng 6 - 8% cũng đủ thấy gánh nặng trả lãi NH tăng lên rất lớn. Chi phí tài chính tăng lên, giá thành sản phẩm tăng, lại thêm những khó khăn khác, thật sự DN mỏi mệt. Chưa kể việc nhân cơ hội này, DN các nước càng tăng sức cạnh tranh giành thị phần của mình

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu VN


Nhưng nay đơn vị phải vay tiền đồng với lãi suất 5%/năm (được vay với mức lãi suất này là do cam kết khi có USD sẽ bán lại cho NH), lãi trả mỗi tháng lên 52 triệu đồng. Nếu tính cả năm, mức trả lãi tăng mạnh gần 60%. Chi phí vay tăng mạnh trong khi hợp đồng xuất khẩu đã ký với giá ổn định 1 năm khiến Ba Nhất thiệt hại rất nhiều.
Ông Trần Thiện Hải, Tổng giám đốc Công ty thủy sản Minh Hải, cho biết trước đây DN được vay USD với lãi suất 2%/năm, DN bán lại ngoại tệ cho NH để lấy tiền đồng mua nguyên vật liệu để xuất khẩu. Đến khi đối tác nước ngoài thanh toán, DN sẽ dùng ngoại tệ này trả lại cho khoản vay ở NH. Nay quy định không cho DN vay thanh toán trong nước, NH chào lãi suất cho vay tiền đồng 6 - 7%/năm, đẩy chi phí tài chính tăng lên nhiều lần, DN gặp không ít khó khăn.
Tương tự, ông Trần Văn Lĩnh, Tổng giám đốc Công ty thủy sản Thuận Phước, cũng cho biết DN nào có lượng USD bán đều đặn cho NH sẽ được tính lãi suất vay tiền đồng thấp hơn một chút so với các DN khác, ở mức 5 - 6%/năm. Với những DN lượng ngoại tệ thấp, họ phải chịu mức lãi suất tiền đồng cao hơn nhiều. Nhưng cả 2 trường hợp này thì chi phí vay đều cao hơn so với vay USD trước đây.
Trước tình hình này, Phó chủ tịch Hiệp hội Cà phê cacao Đỗ Hà Nam cho biết các thành viên hiệp hội vừa có cuộc làm việc và thống nhất sẽ kiến nghị lên Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xem xét lại quy định ngưng cho vay ngoại tệ đối với DN xuất khẩu thanh toán trong nước. Trước đây, DN được vay ngoại tệ với lãi suất 2,5 - 3%/năm, nay nếu vay tiền đồng thì lãi suất lên đến 7%/năm. Khoản lãi phải trả cho NH tăng gấp đôi trong khi lợi nhuận của DN thì hạn hẹp. Nhiều DN chỉ có thể quay sang ép giá lại phía người trồng cà phê. Trong khi đó các DN có vốn nước ngoài (FDI) tiếp cận được nguồn vốn vay lãi suất thấp nên chào mua cà phê của nông dân giá cao hơn DN trong nước từ 100 - 200 đồng/kg. DN nội cạnh tranh không nổi ngay trên chính nương rẫy của mình.
Chưa công bằng
Việc chi phí tài chính đội lên, theo ông Trần Văn Lĩnh, là vô cùng nguy hiểm, bởi với việc chịu rủi ro cao hơn, khó khăn nhiều hơn, nhiều khả năng DN ép xuống cho nhà cung ứng là nông dân. “Nông dân chính là người hứng chịu rủi ro này”, ông nói. Hơn nữa, theo ông, việc Chính phủ đang phát hành trái phiếu huy động cho ngân sách với lãi suất hơn 6%, cũng là đang cạnh tranh vốn với DN, và là một trong những nguyên nhân khiến lãi suất huy động chưa giảm xuống.
Thông tư 24 của NHNN quy định 4 trường hợp được vay ngoại tệ, trong đó ngưng với trường hợp vay ngắn hạn đáp ứng nhu cầu vốn ở trong nước. Ba trường hợp còn lại, có một trường hợp “cho vay ngắn hạn, trung dài hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay”. Bà Thúy bức xúc: “Các DN xuất khẩu cần nguồn vốn để thu mua nguyên vật liệu trong nước để xuất khẩu hàng đi thì không được tiếp cận nguồn vốn giá rẻ, trong khi DN nhập khẩu lại được vay ngoại tệ”.
Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu VN (VASEP), đây là chính sách chung, nhưng việc cắt đứt ngay nguồn vốn lãi suất thấp đã ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình sản xuất kinh doanh của DN. Hiện nay, đa số các DN VN tham gia vào sản xuất xuất khẩu là các DN vừa và nhỏ, đang gặp nhiều khó khăn, thách thức. “DN không thể khoanh tay chờ chết, nhưng đã có DN thu hẹp sản xuất, hay phải bỏ công việc làm chạy đi thương thuyết với NH. Nhà nước muốn DN đa dạng hóa các nguồn vốn, nhưng lâu nay các DN vừa và nhỏ vốn rất mỏng, hầu như dựa vào vốn NH, và vì quy mô nhỏ nên càng không dám nghĩ đến huy động vốn trên thị trường chứng khoán. Chỉ cần nhìn chênh lệch giữa lãi suất vay bằng ngoại tệ 2% và lãi suất vay tiền đồng 6 - 8% cũng đủ thấy gánh nặng trả lãi NH tăng lên rất lớn. Chi phí tài chính tăng lên, giá thành sản phẩm tăng, lại thêm những khó khăn khác, thật sự DN mỏi mệt. Chưa kể việc nhân cơ hội này, DN các nước càng tăng sức cạnh tranh giành thị phần của mình”, ông nói.
Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, về mặt kinh tế vĩ mô thì việc dừng cho DN vay sẽ hạn chế nhu cầu ngoại tệ trong nước. Tuy nhiên chính sách cho vay USD hiện nay vẫn chưa được công bằng cho các DN. Các DN sử dụng hàng nội địa xuất khẩu đi nước ngoài chưa tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ, trong khi DN nhập khẩu lại tiếp cận được. Ông cho rằng giải pháp cho tình trạng này là NHNN, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ lãi suất ưu đãi đối với DN xuất khẩu sử dụng nguyên vật liệu với tỷ lệ nội địa cao.
Trước khi quy định ngưng cho vay DN có hiệu lực, trên thị trường xuất hiện dấu hiệu các DN ký trước hợp đồng vay USD né thời điểm ngưng cho vay USD 31.3. Theo số liệu từ NHNN chi nhánh TP.HCM, dư nợ cho vay ngoại tệ tháng 1, tháng 2 liên tục giảm tương ứng 3,9%, 4,91% so với cuối năm 2015 nhưng qua đến tháng 3 chỉ giảm có 0,33% so với cuối năm 2015. Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh, cho biết: “Cũng có khả năng các DN tăng vay nhiều hơn trong tháng 3, NHNN sẽ kiểm tra lại vấn đề này. Chúng tôi cũng có nghe các DN cũng như hiệp hội DN kiến nghị về vấn đề cho vay USD thanh toán trong nước trở lại. Chúng tôi tiếp thu và báo cáo NHNN trung ương về vấn đề này”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.