Chỉ thanh toán hạn mức nhỏ, thận trọng với thẻ cào

17/01/2019 07:31 GMT+7

Theo các chuyên gia, khi thí điểm cần phải khống chế hạn mức, kiểm soát chặt chẽ dòng tiền vào - ra.

Để tránh rủi ro thanh toán qua các ví điện tử viễn thông bị lợi dụng cho hoạt động phi pháp như đánh bạc, rửa tiền; cũng như bảo mật thông tin... theo các chuyên gia, khi thí điểm cần phải khống chế hạn mức, kiểm soát chặt chẽ dòng tiền vào - ra.
Chị N.B.Đ.N (Q.Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết vẫn thường xuyên dùng các tài khoản viễn thông như chiếc ví điện tử của nhà mạng để thanh toán thuê bao, cũng như chuyển một số tiền qua lại giữa các tài khoản. “Việc thanh toán bằng thẻ cào cũng tiện, nhưng trước đó đã không ít lần tôi nạp vào nhưng ứng dụng của nhà mạng bị lỗi như treo mạng dẫn tới không thanh toán được tiền cước”, chị N. cho biết.
Từng được ví là “cha đẻ” của sản phẩm Ví Việt, ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng LienVietPostBank, cho biết Ví Việt cũng đã có liên kết với một số nhà mạng về việc thanh toán cước di động trả trước, trả sau. Còn các loại thanh toán dịch vụ khác vẫn chưa được áp dụng do chưa có khung pháp lý cụ thể, đặc biệt về thẻ cào điện thoại. Dùng tài khoản viễn thông để thanh toán, trong đó có thẻ cào điện thoại để nạp tiền vào các loại ví điện tử của nhà mạng mang lại sự tiện ích cho khách hàng ở mọi nơi, mọi lúc. Song khác với NH, cứ 1 đồng tiền nạp vào ví NH phải ký quỹ, thế chấp bằng 1 đồng. Trong khi nhà mạng phát hành thẻ cào với các mệnh giá 100.000 đồng, 500.000 đồng, 1 triệu... thì có bảo chứng không? Do đó, ông Thắng khuyến cáo nên có quy định phát hành thẻ cào thật chặt chẽ. Ví dụ, lượng mệnh giá thẻ cào và tổng khối lượng bao nhiêu theo đúng quy định của Bộ Tài chính, NH Nhà nước.
Theo ông Nguyễn Trí Hiếu, hình thức thanh toán nào cũng sẽ hiện diện những rủi ro mà cơ quan ban ngành, đơn vị triển khai cần phải tính đến để kiểm soát các hoạt động thanh toán, chuyển tiền cho những giao dịch bất hợp pháp. Các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt như sử dụng thẻ NH, ví điện tử và sắp tới đây là thẻ cào viễn thông đều có thể bị tội phạm lợi dụng để rửa tiền, trốn thuế, buôn lậu, đánh bạc... hay tội phạm có thể tấn công tài khoản số điện thoại khách hàng để trộm tiền như đã làm đối với thẻ NH. Khi đã mở cho các phương tiện thanh toán khác ngoài hệ thống ngân hàng thực hiện chức năng thanh toán thì cần mở rộng đối tượng chống rửa tiền. Nhà mạng phải kiểm soát tình trạng rửa tiền, đánh bạc, trốn thuế... như thế nào. Ở đây, Chính phủ có nhắc đến sử dụng thẻ cào viễn thông thanh toán cho các giao dịch nhỏ, nên ông Hiếu kiến nghị nên đưa ra hạn mức thanh toán hàng hóa, dịch vụ giá trị nhỏ ở mức nào mới được thực hiện phương thức này, chẳng hạn những giá trị dưới 50 triệu đồng mới được thanh toán bằng thẻ cào viễn thông, còn những khoản thanh toán lớn hơn buộc phải qua hệ thống NH.
Ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm đào tạo quản trị mạng và an ninh mạng quốc tế Athena, đặt ra lo ngại về những thông tin cá nhân của khách hàng, lưu trữ tiền trong ví. “Với những NH lớn, có nhiều hàng rào tường lửa mà thời gian qua vẫn bị tấn công, gây ra nhiều lỗ hổng thì việc một chiếc ví điện tử của nhà mạng nếu không được xây dựng hạ tầng bảo mật, thanh toán tốt thì rất dễ bị hacker tấn công”, ông Thắng nói. Từ đó, chuyên gia an ninh mạng này đề xuất trước mắt có thể chỉ cho phép các ví điện tử thí điểm thanh toán một số loại dịch vụ gia tăng như điện, nước, mua hàng hóa giá trị nhỏ và phải có khung pháp lý thật chặt chẽ về việc bảo mật thông tin, hệ thống tường lửa để bảo vệ số tài khoản, số chứng minh... của khách hàng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.