Chớ coi thường!

04/10/2009 23:57 GMT+7

Giá tiêu dùng sau chín tháng (tức là tháng chín năm nay so với cuối năm trước) mới tăng 4,11%; nếu ba tháng cuối năm, mỗi tháng tăng bình quân 1%, thì cả năm nay cũng chỉ tăng dưới 7,5%; nếu tính bình quân sau một năm (tức là so với cùng kỳ năm trước) thì chín tháng năm nay mới tăng 7,64% - nghĩa là dù tính theo cách nào thì cũng chỉ ở dưới một chữ số như mục tiêu đề ra cho cả năm và thấp xa so với cùng kỳ năm trước.

Giá lương thực - mặt hàng thiết yếu - sau chín tháng vẫn còn giảm 1,59%, hiện giá xuất khẩu vẫn thấp và tồn kho trong nước còn lớn, miền Bắc bước vào thu hoạch vụ mùa, nên tính chung cả năm cũng khó tăng. Giá thực phẩm tiếp tục tăng thấp, sau chín tháng mới tăng 2,23%, thấp bằng một nửa tốc độ chung.

Tuy nhiên, lạm phát vào cuối năm nay, đầu năm và cả năm tới là không thể coi thường, bởi tác động của các yếu tố ở trong nước cộng hưởng với các yếu tố trên thế giới.

Ở trong nước, động thái nới lỏng chính sách tiền tệ và tài khóa từ tháng hai với độ trễ thường 5 - 6 tháng, sẽ ảnh hưởng tới giá cả từ cuối năm. Tốc độ tăng trưởng tín dụng và tổng phương tiện thanh toán đến nay đã vào khoảng 25%, dù có được khống chế ở mức 30% trong cả năm, thì hệ số giữa tốc độ trên và tốc độ tăng trưởng GDP sẽ vào khoảng 6 lần - cao gần bằng với hệ số của năm 2007, cao hơn nhiều so với hệ số khoảng dưới 2,5 lần của các nước trong khu vực lúc bình thường.

Mặc dù lãi suất gửi tiết kiệm tiếp tục tăng lên và đã bảo đảm thực dương trong nhiều tháng, nhưng vẫn không hấp dẫn người gửi tiền, một mặt do một số kênh đầu tư khác có lãi suất hấp dẫn hơn (VN-Index tăng 74,1%, vàng tăng 28,65%, bất động sản tăng khoảng 9,6%, giá USD tăng 6,12% chưa kể cộng thêm lãi suất tiết kiệm, trong khi lãi suất tiết kiệm tính theo kỳ hạn 9 tháng chỉ ở mức dưới 6,5%).

Giá nhiều loại hàng hóa, dịch vụ tăng trong thời gian qua và trong thời gian tới (điện, xăng dầu, nước, viện phí, học phí, lương...). Nhu cầu cao lên vào cuối năm của tăng trưởng kinh tế và nhu cầu tiêu dùng cao lên vào dịp Tết Nguyên đán của dân cư sẽ có tác động mạnh đến giá cả. Thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường, không những làm giảm lượng hàng hóa, dịch vụ đã, đang sản xuất, mà còn gây tốn kém về chi phí khắc phục.

Trên thế giới, tình hình đang ở lúc giao thời. Một mặt tiếp tục giữ lãi suất ở mức thấp; tiếp tục đưa vốn ra kích thích kinh tế làm tăng lượng tiền trong lưu thông, tạo sức ép tiềm ẩn đối với lạm phát. Mặt khác, dấu hiệu hồi phục đã xuất hiện ở nhiều nước, ngay cả những nước phát triển (Nhật, Pháp, Đức...), đặc biệt là ngay ở nơi khởi đầu của cuộc khủng hoảng là Mỹ - sẽ làm tăng nhu cầu của sản xuất và tiêu dùng, làm cho giá cả thế giới sẽ tăng lên.

Nếu tỷ giá VND/USD không được kiềm chế, mà tăng lên (do ba yếu tố: trực tiếp tăng tỷ giá, mở rộng biên độ giao dịch, tăng tỷ giá giao dịch liên ngân hàng), thì lạm phát của VN sẽ bị khuếch đại như đã từng xảy ra.

Ngọc Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.