Cho người nước ngoài sở hữu nhà: Rộng cửa hơn nhưng không để lũng đoạn thị trường

19/06/2014 02:20 GMT+7

Thảo luận tại hội trường về dự luật Nhà ở sửa đổi ngày 18.6, nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình với việc mở rộng cho Việt kiều, người nước ngoài sở hữu nhà nhưng đồng thời đặt ra vấn đề dự thảo luật mở rộng quá mức có thể dẫn đến lũng đoạn thị trường.

Thảo luận tại hội trường về dự luật Nhà ở sửa đổi ngày 18.6, nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình với việc mở rộng cho Việt kiều, người nước ngoài sở hữu nhà nhưng đồng thời đặt ra vấn đề dự thảo luật mở rộng quá mức có thể dẫn đến lũng đoạn thị trường.


 Nhiều người nước ngoài sinh sống, làm việc lâu dài ở VN đang có nhu cầu mua nhà ở - Ảnh: Diệp Đức Minh

 

Theo tôi nên quy định chỉ có những cá nhân cư trú tại VN hoặc có thẻ tạm trú từ 5 tháng trở lên mới được phép sở hữu nhà ở tại VN. Hoặc quy định chỉ cho phép sở hữu 20% căn hộ chung cư trong dự án phát triển nhà ở thương mại, 100 căn nhà ở liền kề, nhà biệt thự trên cùng một địa bàn phường

ĐB Lê Trọng Sang (TP.HCM)

Đại biểu (ĐB) Trần Văn Minh (Quảng Ninh) nhất trí với quy định của dự thảo về việc người VN ở nước ngoài được phép nhập cảnh có quyền sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất mà không bị hạn chế về số lượng và loại nhà ở được sở hữu. Hiện tại với hơn 4 triệu kiều bào sinh sống ở nước ngoài, theo ĐB Minh, lượng kiều hối hằng năm gửi về nước lên tới hàng chục tỉ USD. Do vậy, quy định trên làm cho Việt kiều được gần gũi, gắn bó với quê hương hơn để xây dựng và bảo vệ đất nước. Ngoài ra, nó cũng phù hợp xu hướng tất yếu của hội nhập quốc tế, giúp cho thị trường bất động sản (BĐS) ấm lại.

Đối với cá nhân, tổ chức nước ngoài, dự thảo quy định chỉ cho phép sở hữu đối với các tổ chức có giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy tờ liên quan đến việc được phép hoạt động tại VN, cá nhân được phép nhập cảnh vào VN chỉ cho phép mua nhà ở thương mại trong dự án phát triển nhà ở tại khu vực không cấm hoặc hạn chế người nước ngoài cư trú đi lại và có giá bán cao hơn mức giá do Chính phủ quy định theo từng thời kỳ… ĐB Minh cho rằng, các quy định này sẽ đảm bảo không ảnh hưởng đến các chính sách về nhà ở của người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội có khó khăn về nhà ở và bảo đảm được quốc phòng, an ninh, tránh được việc lũng đoạn thị trường BĐS.

Tuy nhiên, ĐB Minh cũng băn khoăn khi dự thảo quy định đối tượng trên không được mua quá 30% số lượng căn hộ trong một tòa nhà chung cư thương mại hoặc không quá 250 căn hộ riêng lẻ trên một đơn vị hành chính tương đương cấp phường. “Tôi không rõ căn cứ để đề ra việc này, tôi đề nghị cơ quan soạn thảo cần phải làm rõ căn cứ và tính toán lại mức hạn chế cho phù hợp để vừa phục vụ tốt cho công tác quản lý, vừa tạo thuận lợi cho hoạt động của tổ chức, cá nhân người nước ngoài”, ĐB Minh đề nghị.

 

Cái gì của thị trường để thị trường làm

 
ĐB Trần Du Lịch - Ảnh: Ngọc Thắng

Chúng ta thống nhất quan điểm cái gì của thị trường để thị trường làm, nhà nước tập trung phát triển nhà ở phần của nhà nước, không ôm tất cả vấn đề của thị trường vào đây. Quan điểm phải làm sao mọi người dân có chỗ, còn nếu đặt quan điểm muốn những người làm không đủ ăn vẫn sở hữu nhà ở là không đúng. Chúng ta phải thay quan điểm để phát triển, chứ không có kiểu như hiện nay gói 30.000 tỉ đồng là đối tượng không đúng.

Về nhà ở xã hội, tôi đề nghị tập trung chính sách để phát triển nhà cho thuê đối với tất cả đối tượng mà không ưu tiên vấn đề bán ở đây, bán là theo thị trường. Riêng về nhà ở thương mại, tôi đề nghị tập trung chính sách phát triển loại nhà phổ thông. Tôi nói nôm na ở TP.HCM, Hà Nội loại căn hộ 1 - 1,5 tỉ đồng, ở các tỉnh 500 - 600 triệu đồng để phù hợp sức mua thị trường. Đây là vấn đề mà hiện nay chúng ta thiếu chính sách.

ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM)

Đồng tình với việc mở rộng cho Việt kiều, người nước ngoài sở hữu nhà nhưng ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) lo ngại nếu mở rộng quá nhiều các đối tượng lợi dụng chính sách của nhà nước gây lũng đoạn thị trường BĐS. “Cần quy định chỉ cá nhân người nước ngoài được phép cư trú tại VN từ 3 tháng trở lên mới sở hữu nhà. Không cho phép mua cả chung cư hoặc mua một số lượng lớn tập trung vào khu vực nhất định”, ĐB Vinh đề xuất.

ĐB Lê Trọng Sang (TP.HCM) dẫn lại các quy định dự thảo luật hạn chế về số lượng nhà các đối tượng trên được sở hữu, thời hạn sở hữu đối với tổ chức tối đa không quá thời hạn ghi trong giấy chứng nhận đầu tư; với cá nhân thời hạn sở hữu là 50 năm nhưng có thể được gia hạn nếu có nhu cầu, đồng thời có quyền cho thuê nhà. “Tôi cho rằng dự thảo quy định về quyền sở hữu nhà ở của tổ chức, cá nhân người nước ngoài tại VN như trên là quá rộng, dễ dẫn đến việc lợi dụng làm ảnh hưởng đến lợi ích về an ninh quốc gia”, ĐB Sang phát biểu.

“Theo tôi nên quy định chỉ có những cá nhân cư trú tại VN hoặc có thẻ tạm trú từ 5 tháng trở lên mới được phép sở hữu nhà ở tại VN. Hoặc quy định chỉ cho phép sở hữu 20% căn hộ chung cư trong dự án phát triển nhà ở thương mại, 100 căn nhà ở liền kề, nhà biệt thự trên cùng một địa bàn phường”, ĐB Sang đề xuất.

Bất cập về nhà công vụ

Về chính sách phát triển nhà công vụ, theo ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) thời gian qua, việc quản lý, sử dụng còn nhiều bất cập, dẫn đến tình trạng sử dụng không đúng đối tượng, sai mục đích hoặc nhiều người không đủ tiêu chuẩn vẫn được ở. Điều này đã gây dư luận không tốt, cử tri cũng cho rằng chính sách này không đảm bảo công bằng xã hội.

“Tôi thấy hình như luật hiện nay đang có xu hướng hướng tới phục vụ cho một số ít đối tượng chứ không nhằm vào đối tượng phổ thông. Với chính sách phát triển nhà công vụ trong luật Nhà ở cũng vậy, chúng ta dễ nhận thấy rằng nhà công vụ hiện nay thực chất là bao cấp cho một số ít đối tượng với giá rẻ, trong khi số đông cán bộ, công chức, nhất là cán bộ, công chức trẻ ở vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có nhu cầu thực sự thì không được đáp ứng”, ông Vinh nói.

ĐB đề nghị chỉ nên quy định đối tượng được hưởng chế độ nhà công vụ là lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước được bố trí nhà ở công vụ theo yêu cầu về mặt an ninh và lực lượng vũ trang được điều động luân chuyển theo yêu cầu quốc phòng, an ninh. Các đối tượng còn lại nghiên cứu theo hướng khoán đưa vào tiền lương để tự chủ hoàn toàn về nhà ở, ngân sách không phải bỏ ra một số tiền quá lớn để xây dựng và giá trị đất có thể chuyển thành tiền dùng vào việc khác. Đồng thời không phải duy trì một cơ quan quản lý về nhà ở công vụ vừa tiết kiệm chi phí, vừa chấm dứt tình trạng biến tướng nhà công vụ chuyển thành nhà ở cá nhân.

ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) cũng cho rằng, chính sách nhà công vụ là cần thiết nhưng phải công khai, minh bạch các tiêu chuẩn ai được quyền cấp nhà công vụ, ở cấp nào thì được bao nhiêu mét vuông, loại nhà gì?

Quyết định chủ trương đầu tư sai có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Với đa số ĐB đồng ý, ngày 18.6, QH đã thông qua luật Đầu tư công. Nội dung quan trọng nhất của dự luật mới là các dự án đầu tư công khi đầu tư phải cân đối được nguồn vốn, đặc biệt làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan. Theo đó, nếu quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án sai, kém hiệu quả, không cân đối được vốn để thực hiện gây thất thoát, lãng phí do lỗi mình gây ra thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự và bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Đối với chủ đầu tư liên quan đến lập chương trình, dự án phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung của hồ sơ trình cấp có thẩm quyền thẩm định, quyết định. Quyết định đầu tư chương trình, dự án sai, dẫn đến đầu tư kém hiệu quả, dàn trải, lãng phí, thất thoát thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì bồi thường theo quy định của pháp luật.

Dự luật có hiệu lực kể từ ngày 1.1.2015.

Anh Vũ

>> Việt kiều, người nước ngoài sẽ dễ dàng sở hữu nhà ở hơn
>> Mở rộng diện người nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam
>> Cân nhắc điều kiện sở hữu nhà của người nước ngoài

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.