Cho vay lãi suất thấp: Cửa đã thông thoáng?

18/02/2009 22:11 GMT+7

(TNO) Nhiều gói cho vay kích cầu và chương trình tín dụng hấp dẫn đã được các ngân hàng (NH) đưa ra nhằm thu hút khách hàng doanh nghiệp (DN).

Nhiều NH TMCP đồng loạt thông báo chính thức tung ra nhiều gói kích cầu cho DN bên cạnh gói bù lãi suất mà DN được hưởng. Những ghi nhận ban đầu cho thấy, nghiệp vụ này đã thoáng hơn ở các hạn mức tín dụng và lãi suất vay vốn. Như vậy, DN sẽ được sử dụng nguồn vốn với lãi suất rất tốt, việc này cũng hỗ trợ mạnh mẽ cho các DN gặp khó khăn trong kinh doanh (tỉ suất sinh lời thấp) mạnh dạn sử dụng vốn vay NH để phát triển hoạt động kinh doanh.

Mạnh tay "bơm" vốn

Cho đến hôm nay (18.2), một loạt NH đã công bố nhiều chương trình và các gói tín dụng dành cho DN thuộc đối tượng bù lãi suất. Như vậy, với mức lãi suất trần cho vay của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định 10,5% và lãi suất mà DN phải trả sau khi đã được hỗ trợ lãi suất 6,5% đồng thời còn được hưởng lãi suất ưu đãi rất thấp (tùy đối tượng) khi tham gia các gói tín dụng ưu đãi này.

Cụ thể, NH TMCP Á Châu (ACB) dành 35.000 tỉ đồng tung ra gói “cho vay kích cầu” với lãi suất thấp nhất là 5,5% đối với sản xuất kinh doanh trong nước và 1%/năm (sau khi được hỗ trợ lãi suất) đối với các DN vay vốn lưu động phục vụ xuất khẩu. Ngân hàng Kỹ thương (Techcombank) dành khoảng 50.000 tỉ đồng đưa ra mức lãi suất sau hỗ trợ cho các DN sản xuất kinh doanh trong nước, dao động từ 5 - 6%/năm. Đặc biệt, đối với một số DN xuất khẩu có thể được hưởng mức lãi suất sau hỗ trợ từ 1 - 2%/năm.

Dù chỉ là một NH nhỏ, nhưng NH An Bình (ABBANK) cũng chính thức tung ra chương trình “Kích cầu Kỷ Sửu”. Theo đó, khách hàng doanh nghiệp (KHDN) khi tham gia chương trình sẽ được hưởng đồng thời 3 lợi ích. Trước hết các KHDN thuộc đối tượng được hỗ trợ lãi suất theo Quyết định 131 sẽ được ABBANK cho vay với mức hỗ trợ 4%/năm. Bên cạnh đó khách hàng còn được hưởng lãi suất ưu đãi cho vay tại ABBANK với mức lãi suất thấp. Cụ thể, mức lãi suất (sau khi được hỗ trợ) cho các sản phẩm vay sản xuất kinh doanh trong nước dao động từ 5 - 5,5%/năm. Đặc biệt với sản phẩm cho vay tài trợ xuất khẩu bằng VND theo lãi USD, ABBANK đang áp dụng mức lãi suất rất thấp, chỉ còn khoảng 1,5%/năm. Song song đó, KHDN khi vay vốn từ chương trình “Kích cầu Kỷ Sửu” nếu thỏa mãn thêm yêu cầu cụ thể của ABBANK về mức dư nợ giải ngân mới trong từng giai đoạn tổng kết dư nợ từ 2 tỉ đồng (hoặc USD tương đương) trở lên sẽ được nhận nhiều phần quà khuyến mãi. Khách hàng vay vốn tại ABBANK sẽ được tổng kết dư nợ theo nhiều giai đoạn...

Đây là các mức lãi suất rất tuyệt vời cho doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh trong thời điểm khó khăn này.

Nhưng vẫn thận trọng

Nhìn chung, với những gói hỗ trợ mà các NH đưa ra cho thấy mặc dù NH Nhà nước đã “bật đèn xanh” để các DN dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn vay nhưng trên thực tế việc triển khai cụ thể của NH vẫn đang dè chừng. Trước hết, phải chờ đợi phản ứng của các NH bạn, phải đánh giá lại thực tế của nhu cầu thị trường, hoạch định cơ chế kiểm soát rủi ro, lãi suất và xây dựng các hạn mức liên quan…

Ông Phạm Quốc Thanh, Phó tổng giám đốc ABBANK cho biết, để việc bù lãi suất có kết quả tốt, ABBANK nhấn mạnh bất kỳ cá nhân nào triển khai không tốt hoặc vi phạm, sách nhiễu phiền hà khách hàng đều bị kỷ luật nghiêm khắc, thậm chí có thể cách chức hoặc cho thôi việc. Từ khi triển khai chương trình, ABBANK đã nhận được 300 hồ sơ xin đăng ký vay của các DN. Tuy nhiên, để giảm thiểu rủi ro, NH vẫn đang xem xét và chưa xét duyệt cho bất cứ hồ sơ nào.

"Để tránh tiêu cực, chúng tôi giao nhiệm vụ cho các bộ phận kiểm tra kiểm soát nội bộ bên dưới thường xuyên kiểm soát chéo tất cả các hoạt động cũng như xử lý hỗ trợ lãi suất cho các DN, bất kể các trường hợp nào vi phạm đều bị xử lý nghiêm. Tuy nhiên, với sự trở lại này, nhiều NH vẫn phải thận trọng, đặc biệt là trong định hướng tăng trưởng tín dụng, giám sát rủi ro và chính sách lãi suất phù hợp", ông Phạm Quốc Thanh cho biết thêm.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Hưởng, Tổng giám đốc NH LienVietBank cho rằng, dù khối các NH TMCP đã mạnh tay hơn trong việc "bơm" vốn ra thị trường, vẫn tiếp tục cung ứng vốn cho các DN, nhất là với DN vừa và nhỏ nhưng không hề dễ dãi trong việc xét duyệt cho vay bởi NH vẫn phải hạn chế nợ xấu có thể xảy ra. Do vậy, NH chỉ tập trung kích cầu đầu tư công, những dự án lớn được thực hiện sẽ tiêu thụ sản phẩm của các ngành đang tồn đọng như vật liệu xây dựng, sắt thép, đồ nội thất. Giải quyết được nhiều việc làm cho người lao động, tạo các gói thầu, dịch vụ cho các DN nhỏ và vừa, hộ sản xuất, người dân có thu nhập để tiêu dùng. Đồng thời cũng giúp NH gỡ khó trong việc xét duyệt hồ sơ bù lãi suất của các DN...

Thiên Kim

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.