Chủ tịch Vietinbank: 'Chấp nhận hy sinh lợi nhuận, giảm lãi suất'

30/10/2014 11:45 GMT+7

Ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Công thương (Vietinbank) chia sẻ quyết định cắt giảm lãi suất (LS) và lời hiệu triệu giảm lãi vay của Thống đốc Ngân hàng nhà nước (NHNN); cũng như các vấn đề xử lý nợ xấu thời gian qua.


Chủ tịch HĐQT Vietinbank Nguyễn Văn Thắng

Chấp nhận hi sinh lợi nhuận, giảm lãi suất

Ông đánh giá như thế nào về quyết định cắt giảm đồng loạt cả LS huy động và cho vay của NHNN vào ngày 29.10 vừa qua?

Có thể nói trong năm 2013 cũng như 10 tháng 2014, NHNN có nhiều giải pháp và biện pháp tháo gỡ, hỗ trợ cho doanh nghiệp (DN) nhanh chóng phục hồi, vượt qua khó khăn do khủng hoảng nền kinh tế trong và ngoài nước. Một trong những giải pháp thực hiện hết sức thành công là giảm mặt bằng LS cả huy động và cho vay. Mới đây NHNN cũng đã quyết định giảm trần LS huy động ngắn hạn từ 6%/năm xuống còn 5,5%/năm. Cùng với đó, NHNN giảm trần cho vay ngắn hạn từ 8%/năm xuống còn 7%/năm và kêu gọi các NH thương mại giảm trần lãi suất cho vay trung và dài hạn cho các DN xuống tối đa 10%/năm đối với 5 lĩnh vực ưu tiên.

Mặt bằng LS mới sau khi hạ, theo đánh giá của tôi khá phù hợp. Bởi căn cứ vào diễn biến của kinh tế vĩ mô như lạm phát năm nay có thể kiểm soát ở mức không quá 5%, tăng trưởng GDP 6%; cũng như quan hệ lãi suất giữa VND và USD; đồng thời tránh được tác động xấu đến tỷ giá.

Việc điều hành LS của NHNN đã bám sát cung cầu vốn trên thị trường, đáp ứng mong mỏi của DN. Đây cũng là giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng của cả ngành, làm sao phấn đấu đạt được tăng trưởng tín dụng theo mục tiêu đặt ra 12-14% trong năm 2014 này.


Chủ tịch HĐQT Vietinbank Nguyễn Văn Thắng

Giảm LS ắt sẽ kéo giảm doanh thu, lợi nhuận mà không giảm thì đi ngược với chủ trương, chỉ đạo của NHNN. Vietinbank triển khai việc này như thế nào?

Chúng tôi hết sức đồng tình với chính sách cũng như chủ trương chia sẻ khó khăn với DN của NHNN. Sau quyết định điều chỉnh giảm LS ngắn hạn và lời hiệu triệu giảm lãi suất cho vay trung và dài hạn, Vietinbank triển khai ngay lập tức. Ngày 29.10, chúng tôi có văn bản chỉ đạo toàn hệ thống giảm lãi suất trung và dài hạn 5 lĩnh vực ưu tiên xuống còn tối đa 10%/năm. Đương nhiên về mặt tài chính, khi giảm lãi suất Vietinbank cũng phải chấp nhận hi sinh, giảm mức lợi nhuận khoảng 100 tỉ đồng từ nay đến cuối năm.

Vừa rồi, trên Quốc hội Đại biểu Phạm Huy Hùng – nguyên Chủ tịch HĐQT Vietinbank có phát biểu LS dù đã giảm nhưng còn rất chậm. Đây là nguyên nhân khiến DN phá sản. Ông có nghĩ như vậy không?

Như tôi đã nói việc điều chỉnh LS trong suốt thời gian qua và kể cả mới đây của NHNN có lộ trình, bước đi phù hợp. Nó đã ở mức khá thấp so với giai đoạn trước và so với chính khả năng của các DN. Qua theo dõi điều hành, chỉ đạo hoạt động kinh doanh và nắm bắt trên thị trường có thể nói vấn đề lãi suất hiện nay không có rào cản gì lớn.

Việc các DN khó khăn, thậm chí một số DN rơi vào tình trạng phá sản tôi cho rằng có rất nhiều nguyên nhân. Trong đó căn bản nhất do rất nhiều DN vừa qua hàng tồn kho không tiêu thụ được, tình hình tài chính gặp rất nhiều vấn đề, cá biệt một số DN năng lực quản trị yếu kém, sử dụng vốn không đúng mục đích khi thị trường đi xuống, thu hẹp không có giải pháp xoay chuyển tình thế. Do đó, dẫn đến bế tắc, khó khăn đặc biệt đối với DN kinh doanh lĩnh vực bất động sản, các mặt hàng liên quan như vật liệu xây dựng… LS không phải nguyên nhân khiến DN phá sản.

Cụ thể, mặt bằng LS sau khi điều chỉnh so với thời điểm năm 2011 giảm như thế nào, thưa ông?

Cuối năm 2011 LS cho vay dao động từ 17-20%/năm, tuỳ khả năng cân đối vốn của từng NH. Qua các đợt điều chỉnh, LS hiện tại đã giảm khoảng hơn một nửa. Điều hành như vậy, theo tôi là phù hợp vì còn phụ thuộc vào các yếu tố như lạm phát, tăng trưởng kinh tế. Mức giảm như vậy quá lớn rồi, còn giảm nhanh dễ thành cú sốc làm giảm nhu cầu gửi tiền của khu vực dân cư, không khuyến khích người dân tiết kiệm. Như vậy làm lãng phí nguồn vốn, thậm chí có thể dẫn tới lạm phát cao của các năm tiếp theo.

Ngoài ra, giảm nhanh quá tỷ giá sẽ bị tác động. Vừa qua, thực hiện chủ trương chống đô la hoá trong nền kinh tế, chúng ta giữ mức lãi suất chênh lệch giữa VND và USD hợp lý. Hiện lãi suất tiền gửi USD đối với DN là 0,5%/năm, khu vực dân cư 0,75%/năm. Cùng với đó VND tuỳ kỳ hạn nhưng 3 tháng, 6 tháng 4,5-5%/năm; 12 tháng trở xuống tối đa 5,5%/năm. Như vậy lãi suất tiền gửi VND cao hơn USD từ 3-4%/năm, trong khi năm 2014 NHNN cam kết tỷ giá tối đa không quá 2%, rõ ràng người dân vẫn gửi VND có lợi hơn gửi USD.

bài Vietin bank
Lãi suất không còn là rào cản gây khó khăn cho DN

Nợ xấu đã tính đúng, tính đủ

Ông Phạm Huy Hùng cũng cho rằng nợ xấu theo công bố hiện nay chưa tính đúng, tính đủ. ĐB này cũng kiến nghị cần kiểm toán toàn bộ hệ thống NH để làm rõ bản chất nợ xấu. Quan điểm của ông ra sao?

Về vấn đề nợ xấu ngay từ đầu năm 2012, Thống đốc đã công khai toàn bộ số liệu thể hiện sự minh bạch và quyết tâm ngành NH không che giấu nợ xấu. Tỷ lệ nợ được tính đúng, tỉnh đủ. Lâu nay nợ xấu có 2 con số nhưng vẫn rất rõ ràng. Một con số do các TCTD báo cáo lên NHNN, trong đó không tính số nợ xấu cơ cấu, giãn nợ theo quyết định 780. Đối với NHNN vì tính luôn các khoản này nên tỷ lệ nợ xấu cao hơn so với số liệu từ các TCTD.

Cao hơn là tốt hay xấu, thưa ông?

Việc tính cao rất tốt vì NHNN khẳng định thẳng thắn tình trạng, chất lượng nợ tín dụng đúng của ngành NH để công khai ra công luận. NHNN có yêu cầu cao tiêu chuẩn cao hơn đối với các NH trong vấn đề xử lý nợ xấu. Bên cạnh nợ xấu được phân loại, quyết định 780 của NHNN biện pháp rất mạnh mẽ đề cứu cánh DN từ 2012 đến nay. Nếu không có 780 con số DN khó khăn nhiều hơn rất nhiều, hàng loạt DN có thể sẽ phải phá sản.

Vậy ông có đồng tình quan điểm VAMC giam nợ xấu 5 năm trong kho khi mở ra thì sẽ xấu hơn?

Vừa qua, việc thành lập VAMC là một trong những giải pháp rất đúng, rất trúng của Chính phủ và NHNN. Bởi vì, không chỉ VN các quốc gia phát triển đã làm rồi, chỉ có hình thức khác nhau để phù hợp với điều kiện từng nước. Việc thành lập VAMC mua nợ xấu cho các TCTD tốt cho cả DN và các NH. Đối với DN thông qua việc NH thương mại bán khoản nợ cho VAMC thì sẽ giúp cho các các DN và NH có điều kiện củng cố lại mối quan hệ giữa hai bên.

Đặc biệt với NH đây là giải pháp rất tốt, bởi nếu nợ xấu để lại sẽ bị phân vào nợ xấu nhóm 4, nhóm 5. Khi đó mức trích lập dự phòng rủi ro lên tới 80-90%, chắc chắn các TCTD gặp rất nhiều khó khăn với tỷ lệ nợ xấu cao. Khi bán sang VAMC trong 5 năm, mỗi năm các TCTD trích lập 20%. Như vậy thay vì các NH phải trích 100% trong năm đầu tiên được giãn ra 5 năm, nên NH giảm bớt được khó khăn. Nợ xấu chưa được bán, xử lý thu hồi thì 5 năm sau NH sẽ nhận lại khoản nợ đó đi kèm tài sản bảo đảm. Lúc đó họ đã trích DPRR đủ rồi.

Chỉ có một điều, đối với VAMC cần có cơ chế đặc biệt. Còn như hiện nay sẽ vấp phải khó khăn trong vấn đề xử lý nợ xấu. Các NH có ý kiến rất nhiều phải nghiên cứu để cho VAMC được một quyền cao hơn trong xử lý, vì đi kèm nợ là tài sản, chuyển sang VAMC là không đủ điều kiện. Xử lý phát mãi tài sản theo cách thông thường mất rất nhiều thời gian. Do đó cần sự vào cuộc của các Bộ, ban ngành khác.

Hệ thống NH trước năm 2011 rất hỗn loạn

Trong thời gian qua NHNN thực sự rất tích cực trong thực hiện tái cơ cấu, 2-3 năm gần đây xử lý được 1 số NH yếu kém và đang tiếp tục xử lý. Tuy nhiên, tiến độ và lộ trình phải có bước đi phù hợp, vì xử lý tái cơ cấu 1 NH thôi rất khó. Vấn đề này bắt nguồn từ năm 2012 trở về trước khi chúng ta cho ra đời nhiều NH quá, một số không đạt yêu cầu nên phải xử lý. Mà làm thế nào để không gây sốc đặc biệt với người dân, nếu không khéo gây tác động tâm lý. Người dân không tin tưởng rút tiền ra khỏi NH rất nguy hiểm. Nhớ lại vào đầu 2011, hoạt động của các NH thương mại, đặc biệt NH ngoài quốc doanh hết sức lộn xộn, hỗn loạn. Quá trình tái cơ cấu NHNN thiết lập lại trật tự, các NH bé không còn dâng lãi suất huy động vốn. Việc tái cơ cấu giai đoạn 1 đạt được kết quả củng cố giúp cho NH hoạt động theo đúng sức của mình, cho vay ra phù hợp với khả năng huy động trên thị trường. NHNN tiếp tục triển khai tái cấu trúc giai đoạn 2 để cải thiện năng lực tài chính, xử lý cả sở hữu chéo trong hệ thống hay cả các công ty sân sau tại các NH.

Đối với Vietinbank, vừa rồi chúng tôi trình phương án tái cơ cấu được NHNN phê duyệt. Trong đề án có nhiều nội dung, thứ nhất tăng trưởng vốn tự có để năm 2020 lên quy mô cỡ một NH trung bình khu vực Châu Á. Năm 2016 các NH nội phải cạnh tranh sòng phẳng với NH ngoại theo cam kết WTO nên Vietinbank cơ cấu lại mô hình tổ chức của NH theo đúng mô hình chuẩn của các NH hiện đại hiện nay. Chúng tôi đưa ra mô hình, triển khai quản trị rủi ro theo Basel 2 trên cơ sở NHNN chỉ đạo. Bên cạnh đó, đưa ra tái cấu trúc mạng lưới, công nghệ… mục tiêu vừa làm sao nâng cao quy mô về vốn và tổng tài sản đi cùng với nó là chất lượng quản trị điều hành ngăn ngừa rủi ro có thể trong thời gian tới.

Văn Duyết Khanh
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.