Chưa 'chốt' được lương tối thiểu

06/08/2015 06:16 GMT+7

Sau một ngày căng thẳng, chiều qua 5.8, các thành viên Hội đồng tiền lương quốc gia vẫn chưa thống nhất được phương án lương tối thiểu 2016 do mức dự kiến đưa ra giữa các bên chênh lệch quá lớn.

Sau một ngày căng thẳng, chiều qua 5.8, các thành viên Hội đồng tiền lương quốc gia vẫn chưa thống nhất được phương án lương tối thiểu 2016 do mức dự kiến đưa ra giữa các bên chênh lệch quá lớn.
Lương tối thiểu hiện vẫn chưa đáp ứng được đời sống của người lao động - Ảnh: T.Hằng Lương tối thiểu hiện vẫn chưa đáp ứng được đời sống của người lao động - Ảnh: T.Hằng
Đầu tháng 7.2015, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại công nghiệp VN (VCCI) - đại diện giới chủ sử dụng đã đưa ra đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 trên 10%. Tuy nhiên, trước phiên thảo luận, VCCI đã đột ngột thay đổi, đưa ra mức tăng lương đề xuất từ 6 - 7%.
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch VCCI giải thích: “Mức tăng 10% chỉ là dự báo ban đầu, còn mức tăng 6 - 7% là trên cơ sở hội đủ thông tin trên cơ sở phân tích của các bộ phận kỹ thuật và các phản hồi thực tế của doanh nghiệp (DN). Qua khảo sát thực tế, các DN đang rất khó khăn, có đến 70% DN kinh doanh không có lãi. Vấn đề tăng lương đối với họ là một gánh nặng lớn. Do vậy, sau khi tổng hợp, trao đổi, tính toán kỹ quan điểm của VCCI, tăng lương tối thiểu vùng 2016 từ 6 - trên 7% là hợp lý”. Trước đó 3 ngày, Hiệp hội Dệt may VN cũng đã đưa ra kiến nghị mức lương tối thiểu vùng năm 2016 tăng khoảng 6% (vùng 1 tăng 200.000 đồng/tháng, các vùng còn lại tăng 150.000 đồng/tháng).
Mức dự kiến trên khiến cho đại diện cho người lao động khá bất ngờ bởi mức đề xuất của Tổng liên đoàn Lao động (LĐLĐ) VN đưa ra trước đó tăng tương đương với 16,5% (từ 350.000 - 550.000 đồng/tháng). Ông Mai Đức Chính, Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ VN bất bình: “Công nhân họ khổ quá rồi, năm qua tiền điện tăng hơn 10%, tiền nước tăng, tiền nhà tăng… tất cả mọi chi phí khác đều tăng. Trong khi, tình hình kinh tế năm qua sáng sủa hơn, GDP tăng, DN phát triển hơn mà lương của người lao động thụt lùi là không được. Với công nhân tăng 50.000 đồng cũng quý. Năm ngoái khó khăn như thế, chúng ta còn đưa được mức tăng lương lên 400.000 đồng/tháng”. Theo ông Chính, mức tăng 16,5% mà Tổng LĐLĐ VN đưa ra đáp ứng từ khoảng 87 - 89% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động, còn với mức đề xuất của đại diện giới chủ sử dụng đưa ra chắc chắn sẽ không đạt mục tiêu đến năm 2018 lương tối thiểu đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu đã đề ra.
Một thành viên hội đồng tiền lương lo ngại, nếu mức tăng lương thấp hơn so với năm 2015, có thể công nhân sẽ đình công.
Đề nghị tạm dừng đàm phán, ông Hoàng Quang Phòng giải thích: “Chúng tôi thấy cần thiết phải dừng lại để các bên có thời gian tiếp tục trao đi đổi lại. Trong thời gian chờ đợi, bộ phận kỹ thuật sẽ giúp hội đồng tính toán các yếu tố, nhất là phần chi phí DN phải chi trả sau 1.1.2016. Mức tăng dự kiến chưa thể nói được, các bộ phận cần phải tính toán, trao đi đổi lại để có ý kiến thống nhất”.
Tuy chưa thể quyết về mức đề xuất trình Chính phủ, song Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Phạm Minh Huân, Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia cho rằng, phương án và mức đề xuất của Tổng LĐLĐ VN đưa ra hoàn toàn hợp lý; tuy nhiên, phía VCCI cũng đang có rất nhiều áp lực trong bối cảnh cạnh tranh, tăng các chi phí đầu vào, tăng đóng BHXH. Theo ông Huân, cuộc họp lần tới dự kiến sẽ diễn ra sau 2 tuần nữa, nếu qua nhiều lần thương lượng, bỏ phiếu mà không có kết quả thì chủ tịch hội đồng sẽ quyết định và trình Chính phủ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.