Chuẩn bị “vũ khí” cho mùa... thiếu điện

01/03/2011 08:00 GMT+7

Vào tháng Ba, thông tin về tình hình khô hạn đang ngày càng dày trên bản tin thời tiết tức là khi mùa thiếu điện cận kề, nhiều hộ gia đình chuẩn bị cho cuộc sống thiếu điện.

Gõ cửa nhà chị Trần Minh Hồng ở tầng 7, khu chung cư Trung Hòa Nhân Chính, Cầu Giấy, Hà Nội, chúng tôi thấy chị đang chuẩn bị để cuộc sống gia đình bớt phụ thuộc vào điện. Chỉ vào chiếc bếp gas vừa sắm đặt bên bếp điện, chị Hồng bảo: “Trước đây cái gì nhà tôi cũng dùng điện, từ ấm điện, bếp điện, đến cả chăn điện nữa. Chính vì quá phụ thuộc vào điện nên năm ngoái mới khốn khổ khi mất điện triền miên, cuộc sống đảo lộn tùm lum. Giờ thì tôi tìm giải pháp bớt phụ thuộc vào điện”.


Dùng bình nước nóng năng lượng mặt trời để tiết kiệm điện - Ảnh T.P

Thiết bị thay thế

Theo chị Hồng, từ hồi chuyển về sống tại chung cư này, vì sợ nổ bình gas, không muốn ngửi mùi khí gas nên nhà chị dùng bếp điện để đun nấu. Nhưng mấy năm vừa qua mất điện triền miên, có ngày cả nhà chị phải đi ăn quán vì không có điện nấu cơm, nên năm nay, chị quyết định chuyển từ bếp điện sang đun bếp gas cho chủ động.

Theo Tập đoàn điện lực VN (EVN), công suất phụ tải năm 2011 tăng cao, dự kiến tăng trưởng hệ thống 17,63%, cùng với đó, tình trạng hạn hán nghiêm trọng, lượng nước về các hồ thủy điện giảm mạnh so với nhiều năm nên lượng điện thiếu trong năm nay sẽ tăng gấp khoảng 3 lần so với năm 2010. Sản lượng điện thiếu hụt trong 6 tháng mùa khô năm 2011 khoảng 2,08 tỉ kWh và việc cắt điện luân phiên sẽ phải bắt đầu từ tháng 3.2011.

Tại Hải Phòng, phong trào dùng bình nước nóng năng lượng mặt trời cũng đang phát triển mạnh. Dẫn tôi lên tầng 4, chị Lê Thu Hà ở phường Dư Hàng Kênh, quận Lê Chân, Hải Phòng bảo: “Tôi mua bình nước nóng năng lượng mặt trời Thái Dương Năng của Sơn Hà, loại 180 lít, giá hơn 8 triệu, được EVN hỗ trợ 1 triệu, chỉ phải trả hơn 7 triệu đồng, dùng cho cả nhà 6 người, 2 phòng tắm thoải mái. Tính ra chỉ hơn 1 năm là tiền mua máy bằng tiền điện và tiền mua 2 bình nước nóng loại 30 lít, năm thứ 2 trở đi là coi như dùng miễn phí. Không chỉ tắm giặt, nhà tôi nấu cơm canh, đun nước, rửa bát đều dùng nước nóng nên cũng nhanh hơn và đỡ hao gas”

Vào phòng tắm tầng 1, chị Hà còn chỉ tôi bộ thiết bị đun nước nóng bằng gas. “Cái này tôi để phòng trường hợp trời mùa đông, nhiệt không đủ thì dùng thêm gas đun nước nóng, như thế là hoàn toàn không cần dùng điện mà khỏi lo trời mưa thiếu nước nóng tắm”.

Khi thói quen tiết kiệm điện đã hình thành, cả gia đình chị Hà đã chuyển sang một nếp sống mới: Bất kỳ ổ điện, công tắc nào cũng dán dòng chữ: “Tắt đèn, rút điện khi không sử dụng”.

Chuẩn bị sẵn sàng để không bị động

Gia đình chị Trần Thanh Vân ở đường Điện Biên Phủ, Hồng Bàng, Hải Phòng còn trở lại với chiếc phíc đựng nước Rạng Đông thời xưa. “Trước đây tôi cắm điện vào bình đun nước nóng cả ngày, giờ thì chuyển sang đun nước nóng bằng bếp gas rồi rót vào phíc, vẫn giữ được nước nóng mà lại tiết kiệm được điện”, chị Vân cho biết.

Chưa hết, chị Vân bày ra một chiếc nồi được quảng bá là nồi “không dùng điện”. Đó là một chiếc  nồi 2 lõi, cực khít, có lớp ngoài cách nhiệt, khi muốn nấu cháo, hầm xương, chị chỉ cần cho nước vào nồi, rồi đặt lên bếp gas cho sôi, sau đó đặt lõi vào nồi ủ giữ nhiệt, 2 tiếng sau mang ra là nhừ.

Không chỉ dùng các đồ thay thế, nhiều gia đình đang chuẩn bị cho mình các thiết bị dự phòng để qua mùa thiếu điện. Chị Lê Kim Hoa ở đường Cát Cụt, Lê Chân, Hải Phòng đã mua một lúc 2 thứ đồ dự phòng mất điện: Bình sạc ăc quy và đèn sạc. Chị Hoa phân tích: “Mùa khô kéo dài, thuỷ điện thiếu nước nên mất điện là khó tránh, mình cũng phải thông cảm với ngành điện thôi. Để tránh bị xáo trộn cuộc sống, dễ dẫn đến bức xúc, tốt nhất là chuẩn bị sẵn sàng đối phó với mùa mất điện. Nhà tôi mua bình ắc quy, bộ đổi nguồn và chiếc đèn sạc này để nặp năng lượng dự trữ, khi mất điện vẫn có ánh sáng, quạt. Mùa hè nóng nực mà mất điện và không có quạt thì dễ phát điên mất”.

Thanh Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.