Chứng khoán khẳng định xu hướng tăng

11/03/2010 22:35 GMT+7

Sử dụng đòn bẩy tài chính, sẵn sàng vay tiền với lãi suất cao, huy động vốn từ người thân... để mua cổ phiếu. Điều gì khiến các (NĐT) hào hứng lao vào thị trường?

Kỳ vọng thỏa thuận lãi suất ngắn hạn

Lình xình với những phiên giao dịch buồn tẻ, thanh khoản kém... là tình trạng của thị trường cách đây nửa tháng. Nhưng sau khi Ngân hàng Nhà nước cho phép vay thỏa thuận lãi suất trung và dài hạn, chứng khoán bắt đầu khẳng định xu hướng tăng. Điều này cũng dễ hiểu, trước đó trần lãi suất cho vay 12%/năm khiến ngân hàng không hào hứng với các khoản vay, doanh nghiệp (DN) cũng bế tắc trong việc tìm vốn để phát triển.

Vì vậy, việc cho phép vay thỏa thuận lãi suất trung - dài hạn như một "cứu cánh" cho cả hai bên. Ngân hàng giải ngân được còn DN cũng có vốn để phục vụ sản xuất, kinh doanh hay triển khai dự án. Triển vọng về doanh thu, lợi nhuận bắt đầu được NĐT "vẽ" ra và ngay lập tức, giới đầu cơ lướt sóng nhập cuộc, đẩy thanh khoản trên thị trường tăng cao.

Đến lúc này, kỳ vọng về việc cho phép thỏa thuận lãi suất các khoản vay ngắn hạn lại "đốt cháy" tâm lý các NĐT. Nhiều người sử dụng đòn bẩy tài chính, sẵn sàng vay với lãi suất cao hay huy động vốn từ người thân, gia đình dồn lên thị trường chờ sóng từ chính sách này.

Lãi vay ngắn hạn được phép thỏa thuận, dự báo sẽ có một luồng vốn lớn đổ vào nền kinh tế thay vì đang ách tắc trong các ngân hàng hiện nay. Nhưng điều mà NĐT kỳ vọng nhất là một nguồn tiền lớn từ vay ngắn hạn sẽ được DN "đẩy" vào chứng khoán để đầu cơ, tạo động lực cho thị trường tăng điểm và NĐT sẽ bội thu từ việc găm hàng tại thời điểm này. Điều này đã từng xảy ra khi DN được vay hỗ trợ lãi suất năm 2009.

Khi đó, một nguồn vốn không nhỏ từ nguồn này được đẩy lên thị trường. Chứng khoán đã lập kỳ tích khi tăng trưởng vượt bậc trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế thế giới và khó khăn bủa vây kinh tế trong nước. Kịch bản này đang được nhiều NĐT kỳ vọng sẽ lặp lại và tạo thành các cơn sóng mạnh đủ để họ lướt trong thời gian tới.

Phần chìm nguy hiểm

Đón sóng từ chính sách tiền tệ trên thực tế từng mang lại không ít "quả ngọt" cho các NĐT. Tuy nhiên, đó chỉ là phần nổi. Phần chìm đằng sau lại tiềm ẩn không ít nguy hiểm cho chính bản thân các DN và NĐT.

Một nghiên cứu mới đây cho thấy, các DN niêm yết thường vay ngắn hạn nhiều. Dòng vốn ngắn hạn được bổ sung trực tiếp vào dòng vốn lưu động để trả lương, để chi trả dịch vụ dòng vốn vay ngắn hạn nhằm đáp ứng nhu cầu vốn lưu động trong DN, để đầu tư vào tài sản ngắn hạn ví dụ như mua hàng tồn kho, đầu tư vào nguyên vật liệu, thương mại, chi trả các khoản nợ ngắn hạn, bù đắp các khoản tiền thiếu hụt do khách hàng chiếm dụng vốn ở khoản phải thu... Tất cả những điều này sẽ đẩy tiền lưu thông nhiều hơn trong nền kinh tế và tác động đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI).

Từ trước đến nay, chỉ số CPI luôn tác động mạnh mẽ lên thị trường bởi nếu lạm phát ở mức cao thì cả DN và nền kinh tế đều bị tác động tiêu cực. Chứng khoán sẽ ngay lập tức phản ứng và việc rút khỏi thị trường cũng không dễ dàng gì. Đặc biệt, các NĐT mới, vào sau sẽ dễ dàng bị hớt bọt sóng từ "tàn dư" của các cơn sóng do giới đầu cơ chuyên nghiệp tạo nên trước đó.

Ông Lê Đạt Chí, chuyên gia chứng khoán tại TP.HCM phân tích, dòng vốn trung và dài hạn trong nền kinh tế của ta rất thấp do lãi suất tiền gửi trung - dài - ngắn hạn được cào bằng nên việc huy động vốn trung - dài hạn của ngân hàng không thể cao. Từ đó, việc cho vay trung - dài hạn cũng bị hạn chế. Nếu cho phép thỏa thuận lãi vay ngắn hạn, khả năng bùng phát vay ngắn hạn có thể đoán trước.

Và những nguy hiểm tiềm ẩn từ việc cho vay ngắn hạn đến CPI như phân tích trên là có thực. Vì vậy, việc thỏa thuận lãi suất vay ngắn hạn là việc phải cân nhắc hết sức thận trọng trong bối cảnh nhạy cảm hiện nay. Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước cũng phải đợi những tín hiệu cụ thể của CPI tháng này và một loạt các yếu tố khác trước khi quyết định. Vì vậy, NĐT cũng không nên quá kỳ vọng vào chính sách này tới mức gom cổ phiếu bằng mọi giá.

Nguyên Hằng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.