Cổ phiếu phát hành lần đầu dần trở lại giá thực

11/05/2007 22:43 GMT+7

Kết quả đấu giá cổ phiếu (CP) phát hành lần đầu (IPO) của Công ty cổ phần phân đạm và hóa chất dầu khí (PVFCCo) với giá đấu thành công bình quân chỉ 54.000đ/CP trong khi các dự đoán trước đó cho rằng giá phải hơn 10 lần. Một khối lượng CP cực lớn của Tập đoàn Bảo Việt, Vietcombank... sẽ được tung ra đấu giá trong những ngày tới sẽ có kết quả ra sao, giá trị thực của các loại CP này như thế nào...? Chuyên gia tài chính Đinh Thế Hiển - Thạc sĩ kinh tế, Viện trưởng Viện Tin học và kinh tế ứng dụng - đã dành cho Thanh Niên một cuộc trao đổi xung quanh vấn đề này.

* Ông đánh giá như thế nào về kết quả IPO của Đạm Phú Mỹ vừa qua?

- Những doanh nghiệp (DN) lớn của Nhà nước cổ phần hóa (CPH) phát hành CP lần đầu là nhóm quan trọng nhất, thu hút nhà đầu tư (NĐT) nhất. Giá một CP tốt không bắt buộc phải cao hơn mệnh giá mà nó phải bao hàm 2 yếu tố: tính chắc chắn và khả năng sinh lời của DN. Chẳng hạn, CP của Tập đoàn Điện lực (EVN) là CP tốt bởi tính chắc chắn dù khả năng sinh lợi là không cao (do Nhà nước quy định mức lời). Đối với CP dạng này, có thể giá của nó cao hơn các loại CP khác do tính an toàn nhưng không thể là quá cao do khả năng sinh lời có giới hạn.

Có những DN lại bị giới hạn bởi khả năng công việc, ví dụ Nhiệt điện Phả Lại khả năng an toàn là rất tốt nhưng tương lai sinh lợi cao gần như không có, do bản thân công việc của nó bị giới hạn. Cho dù sau này, công ty này đưa ra những phương án kinh doanh ở các lĩnh vực khác song ai dám bảo đảm rằng nó đều thành công ở tất cả các lĩnh vực để chấp nhận mua CP của nó với giá quá cao. Trên thế giới, các công ty đạt cả 2 mặt là rất hiếm, chỉ duy có trường hợp khá đặc biệt là Google. Tuy vậy, khi đấu giá lần đầu năm 2004, giá CP của Google cũng không cao hơn giá của một số công ty Việt Nam hiện nay. Vì vậy, sớm hay muộn giá CP cũng sẽ trở về giá trị thực của nó mà Đạm Phú Mỹ là một ví dụ tiêu biểu.

Đạm Phú Mỹ phải được xem như một hiện tượng bình thường trên TTCK. Ngược lại, các công ty như Công ty CP Dầu khí, Điện Phả Lại hay một số công ty có giá gấp mười mấy lần mệnh giá mới là chuyện bất thường. Đạm Phú Mỹ là một trường hợp thất bại của các nhà đầu cơ, nhưng nó xảy ra trong bối cảnh thị trường chuẩn bị suy thoái nên với số lượng CP cực lớn Đạm Phú Mỹ phải chấp nhận. Và điều đó rõ ràng tốt cho NĐT.

* Nhiều NĐT đang rất bối rối trước các nhận định khác nhau về các đợt IPO lớn sắp tới, cụ thể là giá đấu ở mức nào, tác động của những diễn biến bất thường trên thị trường đến giá đấu... Ông có lời khuyên gì cho họ?

- NĐT chấp nhận mua một giá quá cao vì xác định giá trị của công ty nhà nước bao gồm thương hiệu và giá trị đất. Định giá thương hiệu Việt Nam không giống thế giới, phần lớn dựa trên cảm tính nên có khi bị bỏ qua. Thí dụ, Legamex nếu khai thác tốt thương hiệu có thể tạo lợi thế lớn. Về giá trị đất, DN nhà nước có thể mua hoặc thuê đất. Nếu mua thì cao lắm chỉ thấp hơn thị trường khoảng 30% nên không thể mua CP với giá cao hơn tỷ lệ này. Còn khi thuê đất, có thể thấp hơn nhiều so với thị trường, nên công ty có thể ung dung sống bằng cách cho thuê lại. Tuy nhiên rủi ro là DN sẽ bị thu hồi đất bất kỳ lúc nào và giá có thể được điều chỉnh tăng trong các năm tới. Chính vì vậy, khi chọn mua CP, NĐT cần phải dựa trên sức sinh lời của DN. Trong ngắn hạn, NĐT mua theo giá thị trường bằng cách so sánh với các công ty tương tự. Tuy nhiên cách này chỉ dùng khi thị trường ổn định, còn khi thị trường nóng lạnh bất thường như hiện nay thì rất nguy hiểm.

Hiện nay, các DN sắp IPO có rất nhiều dự án đầu tư,  NĐT có thể căn cứ vào cơ sở này để bỏ giá. Theo tính toán, mức sinh lời tốt nhất của dự án cũng vào khoảng 40% trên mệnh giá gốc. Thậm chí có nhiều trường hợp nếu tăng vốn lên để đầu tư thì sẽ không phải lời thêm mà là lỗ.

Không ít NĐT dựa theo tin đồn và cảm nhận về CP so sánh với thị trường chứ không dựa vào phân tích các con số tài chính để đặt giá mua. Điều này khiến giá một số loại CP lên quá cao, làm các NĐT khác bị chi phối vì biên độ giá rộng do thông tin nhiều hướng khác nhau. Mặt khác, nhiều nhà đầu cơ lớn mua CP từ bên trong (nhân viên) thì không thể để giá CP rớt được. Bằng mọi cách họ tung thông tin để hút người mua nhỏ lẻ bỏ giá càng cao càng tốt. Không loại trừ chính những người trong ban lãnh đạo công ty làm chuyện này.

* Theo ông, trong các đợt IPO cực lớn sắp tới liệu giá cả sẽ như thế nào?

- Tất cả các công ty lớn Đạm Phú Mỹ, Cadivi, Vietcombank, Tập đoàn Bảo Việt... khi đưa ra IPO đều phải qua tư vấn định giá với chi phí khá cao, có thể lên đến hàng triệu USD. Nhà tư vấn có trách nhiệm đưa ra một mức giá CP có thể mua bán được. Nếu giá quá cao hoặc quá thấp thì đó là trách nhiệm của nhà định giá. Trách nhiệm này có thể là nhà tư vấn quá yếu hoặc có sự can thiệp từ phía ban lãnh đạo công ty. Đôi khi nhà tư vấn cũng chịu áp lực từ ban lãnh đạo công ty. Thường thì nhà tư vấn đưa ra mức giá chỉ chênh lệch khoảng 20-30% so với giá thực. Trên thế giới việc chênh lệch hơn tỷ lệ này rất hiếm, Google là một trường hợp. Vì vậy, các đợt đấu giá sắp tới vẫn phải theo quy luật này.

Hùng Sơn
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.