"Thị trường chứng khoán Việt Nam không có gì đáng lo ngại"

09/09/2007 23:01 GMT+7

Đã gần nửa tháng 9, liệu thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam có thay đổi gì lạc quan hơn trong những tháng tới? Sự quan tâm của các nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài đối với TTCK Việt Nam như thế nào... Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với ông Dominic Scriven, Giám đốc Quỹ Dragon Capital - một NĐT nước ngoài lão luyện, có mặt sớm nhất tại thị trường Việt Nam - về vấn đề này.

* Nhận định của ông về TTCK Việt Nam hiện nay như thế nào?

- TTCK Việt Nam từ đầu năm 2007 đến nay giống như cùng kỳ năm 2006. Những tháng đầu năm tăng trưởng mạnh, tháng 4 bắt đầu xu hướng đi xuống và kéo dài đến tháng 8, 9. Xu hướng này một phần có yếu tố thị trường đúng nghĩa của nó vì ở nhiều nước trên thế giới, tình hình cũng tương tự theo chu kỳ đó. Đầu năm là thời điểm mọi người nhìn vào năm mới với những nhận xét mới, góc nhìn mới trên cơ sở các thông tin mới. Nói chung là một cái nhìn lạc quan về sự tăng trưởng của nền kinh tế và các công ty. Điều này đã tạo nên sự sôi động cho TTCK.

Nhưng bước sang tháng 4, 5 là mùa hè, hơn nữa thông tin mới của các công ty cũng chưa nhiều. Ví dụ một dự án được công bố và khởi động từ đầu năm thì cũng phải đợi đến cuối năm mới có kết quả. Trong tiếng Anh, có một câu ngạn ngữ "Bán trong tháng 5 và đi nghỉ", vì những NĐT có ngồi trong văn phòng thời gian này cũng không có nhiều việc để làm. TTCK Việt Nam còn có một yếu tố riêng rất Việt Nam. Đó là yếu tố mua bán theo tâm lý và việc các công ty đã bung ra quá nhiều số lượng "giấy" (phát hành thêm cổ phiếu).

Hơn nữa, các công ty Việt Nam lại tranh nhau đưa ra số lượng "giấy" trên thị trường cùng lúc trong khi không lường được hết sức mua trên thị trường. Điều đó tạo nên sức bán tăng cao hơn sức mua. Dường như các công ty niêm yết và cả NĐT Việt Nam đều đang thử thách xem khả năng của mình đến mức độ nào.

* Ông dự đoán thế nào về TTCK Việt Nam trong thời gian tới?

- Câu này thật khó trả lời. Cuối năm thông thường là thời điểm người ta nghĩ đến việc tổng kết năm, mức chia cổ tức như thế nào... và bắt đầu nghĩ đến một năm mới. Do đó thị trường sẽ có nhích lên một tí. Ở Việt Nam cũng có xu hướng này nhưng có một số điểm cần được lưu ý. Đó là các công ty phải tính toán lại việc tăng vốn vì điều này ảnh hưởng đến sức mua trên thị trường, đồng nghĩa với việc ảnh hưởng đến chỉ số P/E (hệ số giá trên thu nhập của một cổ phiếu) của công ty.

Ví dụ P/E của công ty hiện nay là 20 lần và lợi nhuận tăng 50% nhưng công ty cũng tăng vốn 50% thì P/E đến cuối năm vẫn là 20. Lúc này việc tăng lợi nhuận không còn ý nghĩa gì nữa và giá trị cổ phiếu cũng không thay đổi. Kế đến là tiến độ cổ phần hóa các công ty nhà nước được thực hiện như thế nào? Theo tôi, Chính phủ Việt Nam không nên dừng cổ phần hóa các công ty lớn vì đây là chương trình lớn của Việt Nam, nó có ý nghĩa về chính trị, xã hội và quan trọng nhất là tái cấu trúc lại nền kinh tế.

Tuy nhiên người chủ sở hữu là Nhà nước phải tính toán kỹ và cân đối về mối quan hệ giữa số lượng "giấy" và giá trị "giấy" cũng như cân đối tầm nhìn ngắn hạn và dài hạn. Chúng ta không nên sợ cổ phần hóa kể cả khi thị trường xuống một phần nữa. Nguyên nhân chính khiến cho NĐT trong và ngoài nước quan tâm đầu tư vào TTCK là nhờ cổ phần hóa. Nếu giờ đây dừng lại thì yếu tố khiến họ quan tâm sẽ không còn nữa. Trở lại dự đoán về TTCK Việt Nam trong thời gian tới, nếu để 2 yếu tố này qua một bên thì thị trường không có gì đáng lo ngại vì mặt bằng giá trị không phải là thấp lắm nhưng cũng không cao lắm. Theo ước tính sang năm 2008, P/E trung bình của các công ty trên thị trường chỉ khoảng 20 lần vì nhiều công ty có tốc độ phát triển khá thuyết phục.

* Theo ông, sự quan tâm của các NĐT nước ngoài hiện nay đối với TTCK Việt Nam như thế nào?

- Những NĐT nước ngoài tham gia từ cuối năm 2006 nhưng phần lớn là từ đầu năm 2007 đến nay đều bị lỗ chứ không có lời. Điều này cũng giống như một số NĐT trong nước. Có thể những NĐT nước ngoài đó đã mất đi sự quan tâm đến TTCK Việt Nam. Bên cạnh đó, sự khủng khoảng về tình hình tài chính tín dụng đang lan rộng ở nhiều nước khiến có nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí nhiều người cho rằng đó là sự khủng hoảng hệ thống và phải mất một thời gian dài mới khắc phục được. Nếu nghe như vậy, không một NĐT nào muốn bỏ tiền ra để nhận thêm rủi ro. Điều đó tất yếu sẽ ảnh hưởng đến khả năng huy động vốn ở tất cả các thị trường, trong đó có TTCK Việt Nam. Tuy nhiên, thời điểm hiện nay vẫn có nhiều NĐT nước ngoài cho rằng thà ở Việt Nam còn hơn có mặt ở Mỹ.

* Chiến lược đầu tư của Dragon Capital hiện nay có gì thay đổi? Ông có lời khuyên gì dành cho NĐT cá nhân trong nước?

- Chúng tôi vẫn không thay đổi trong chiến lược đầu tư của mình. Về cơ bản, Dragon Capital vẫn dựa vào chiến lược từ trước đến nay là đầu tư dài hạn, đầu tư vào sự phát triển, tìm kiếm những công ty có chiến lược phát triển lâu dài, đội ngũ quản lý có chất lượng. Ngoài ra, gần đây nhất chúng tôi có bổ sung thêm một tiêu chí là tìm kiếm những công ty nào tập trung vào việc làm gia tăng thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) hơn là gia tăng vốn điều lệ và tổng lợi nhuận như đã nói về chỉ số PE ở trên.

Tôi không có lời khuyên nào dành cho bất kỳ ai, nhưng có 3 điều cần lưu ý mà chúng tôi vẫn đang áp dụng. Thứ nhất là phải xác định được các hoạt động của công ty có khả năng kéo dài một cách đáng tin cậy hay không? Vì gần đây có nhiều công ty mở rộng hoạt động sang những lĩnh vực không thuộc truyền thống của mình. Điều này không sai nhưng phải nghiên cứu kỹ, xem khả năng thành công ở lĩnh vực đó như thế nào cũng như mức độ rủi ro như thế nào? Thứ hai là NĐT nên tập trung vào tốc độ phát triển EPS. Đó chính là điều kiện để tạo ra giá trị doanh nghiệp, tạo nên lợi nhuận cho NĐT. Thứ ba là những công ty nào chú ý đến việc làm gia tăng mức cổ tức và trả cổ tức bằng tiền mặt thì đáng để xem xét. Ngoài ra, NĐT cũng nên xem xét về chiến lược quản trị của công ty, trách nhiệm của người lãnh đạo cũng như mức độ công khai về tình hình hoạt động của công ty như thế nào...

* Xin cảm ơn ông.

Mai Phương (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.