Con tôm Việt ở chợ Thụy Sĩ

19/01/2006 15:21 GMT+7

Trong một chuyến đi tới Thụy Sĩ hồi giữa năm 2005, đoàn nhà báo Việt Nam được Ban tổ chức dành cho vài tiếng đồng hồ vừa thăm thú, vừa "shopping" tại một chuỗi siêu thị của hãng Coop Volketswil (ở Thụy Sĩ người ta vẫn quen gọi hãng này đơn giản là Coop)... Ghé vào gian hàng thực phẩm tươi sống, ngắm nghía mấy ngăn tôm đông lạnh, tôi hơi thất vọng vì chẳng thấy có mặt hàng nào của Việt Nam, và chợt nghĩ: tại sao không có tôm Việt Nam bán ở đây?

Thật bất ngờ  khi người bán hàng cười "bật mí" cho tôi biết, những con tôm trông tươi roi rói kia thực ra là  "made in Viet Nam". Và những mặt hàng này được bán rất chạy. Riêng tại cái quầy nhỏ nhỏ của anh này, một tháng đã bán được khoảng 200 kg. Có điều, qua  nhiều khâu chế biến, chúng lại mang thương hiệu của "Coop Volketswil". Bằng cách nào mà những chú tôm này lại đến được với hệ thống siêu thị của  Coop ?

Người bán hàng rất vui vẻ khoắng đều số tôm cho chúng tôi chụp ảnh và cho biết, mặc dù siêu thị còn nhập nhiều loại tôm khác của các nước nhưng khách hàng ở Thụy Sĩ rất thích loại tôm của Việt Nam. Theo anh thì do tôm Việt Nam rất ngọt và không bở như một số loại tôm khác. Và không chỉ ở gian hàng của anh, một số gian khác trong siêu thị cũng bày bán các loại tôm đóng hộp của Việt Nam. Tôi cũng ghé qua các gian này và đã thấy một số loại hộp đựng sẵn tôm đã sơ chế với giá từ khoảng 10,9 - 12,9 francs Thụy Sĩ (1 franc Thụy Sĩ bằng khoảng 12.300 đồng Việt Nam), bên trong có khoảng 7- 8 con. Bao bì rất đẹp và phải nhìn kỹ lắm mới thấy mấy dòng chữ ghi là tôm nuôi tự nhiên tại Việt Nam. Ở gian hàng trước cũng thấy bán nhiều loại tôm, trong đó loại 30 con/kg có giá tính ra tiền Việt khoảng 400 ngàn đồng/kg, còn loại tôm to đã bỏ đầu khoảng 5-6 con/kg thì giá lên tới khoảng 600 ngàn đồng/kg... Hỏi người bán hàng là sao không đề thật rõ là tôm Việt Nam như các sản phẩm khác được bày bán trong siêu thị, anh chàng bán hàng cao lêu đêu nháy mắt cười bảo tôi: "Quan trọng là bán được. Tên hiệu của Coop  Volketswil còn


Ông Markus Stern (phải), Giám đốc Cơ quan xúc tiến nhập khẩu Thụy Sĩ
giới thiệu tôm Việt Nam

sản phẩm vẫn là của Việt Nam".

Thấy chúng tôi thực sự quan tâm, cô Alessia Bourquin, nhân viên Sứ quán Thụy Sĩ tại Việt Nam, người dẫn đoàn nhà báo Việt Nam đã tổ chức ngay một buổi "hội thảo... đầu chợ" giữa chúng tôi với lãnh đạo của Coop. Câu chuyện thực sự thú vị đến nỗi chúng tôi quên phắt chương trình "shopping". Hóa ra, con đường để những chú tôm sú Việt Nam đến Thụy Sĩ và cả các nước châu u khác cũng không đơn giản.

Rất cởi mở, ông Gerhard Zurlutter, Giám đốc phụ trách việc kinh doanh các mặt hàng đông lạnh của Coop cho biết, lần đầu tiên ông này đến Việt Nam là vào năm 2001, tại Cà Mau, làm việc với Công ty xuất nhập khẩu thủy sản Cà Mau (Canimex), một doanh nghiệp Nhà nước và Trại tôm quốc doanh 184. Khi đó, các sản phẩm kể cả động vật và thực vật được trồng, nuôi, chế biến theo công nghệ sạch bio (còn được gọi là organic) bắt đầu trở thành một xu hướng tiêu dùng mới ở một số nước châu u. Người châu u ngày càng lo ngại các sản phẩm, nhất là thủy sản, trong quá trình nuôi trồng có sử dụng hóa chất. Cho nên, dù các sản phẩm "bio" có giá cao hơn các sản phẩm cùng loại thông thường tới 20-30% nhưng người ta vẫn sẵn sàng trả thêm tiền. Ông Gerhard Zurlutter nói: "Nhận thấy trong tương lai nhu cầu này sẽ rất mạnh nên chúng tôi có đặt vấn đề với Canimex và Trại tôm 184 (tại huyện Ngọc Hiển) về việc đầu tư vào vùng sản xuất tôm sạch của Canimex rồi xuất khẩu các sản phẩm sang Coop và các nước châu u khác qua hệ thống siêu thị của chúng tôi".

“Kể từ đó”, ông Gerhard Zurlutter kể, "chúng tôi hợp tác với Canimex và Trại 184 nuôi thử tôm sạch với mật độ khoảng 100 con/m2. Năm đầu, 2 nơi sản xuất được 12 triệu con, đạt gần 215 tấn/năm. Qua sơ chế còn khoảng 140 tấn. Đến năm 2002, lô hàng đầu tiên xuất sang Thụy Sĩ. Năm 2003, Coop đã nhập khoảng 5 tỉ đồng tôm "sạch" của Việt Nam. Nhưng phải đến đầu năm 2004, các sản phẩm tôm sạch của Canimex và Trại tôm 184 mới chính thức được Hiệp hội các sản phẩm bio của Thụy Sĩ công nhận đạt chất lượng cao. Riêng năm 2004, các siêu thị của Coop đã tiêu thụ một lượng sản phẩm với doanh thu lên tới gần 2 triệu USD. Ông Gerhard Zurlutter  hồ hởi nói: "Năm nay, chúng tôi đã đầu tư thêm vào Cà Mau, mở rộng diện tích các vùng nuôi tôm và dự kiến  nhập khẩu một lượng tôm trị giá gần 50 tỉ đồng từ Việt Nam. Các sản phẩm tôm sạch nhập từ Việt Nam cũng đã được tiêu thụ mạnh hơn ở nhiều siêu thị của chúng tôi tại các nước khác ở châu u. Hy vọng là việc sản xuất ở Việt Nam ngày càng thuận lợi". Ông Gerhard Zurlutter cũng cho biết thêm là ông và các nhân viên kỹ thuật của Coop vẫn thường xuyên phải sang Việt Nam để kiểm tra mật độ tôm giống, chất lượng nước, tạp chất, thức ăn nuôi tôm... và nghiên cứu mở rộng vùng nuôi.

Điều may mắn cho chúng tôi là ngày hôm đấy, ông Markus Stern, Giám đốc Cơ quan xúc tiến nhập khẩu Thụy Sĩ (có văn phòng tại Việt Nam), cũng có mặt tại văn phòng của Coop. Ông  Markus Stern nói với tôi: "Mặc dù hiện nay lượng tôm xuất khẩu của Việt Nam đi các nước, kể cả châu u tăng mạnh nhưng những vấn đề khó khăn như việc xuất khẩu vào Mỹ cho thấy, Việt Nam không nên quá chú ý về số lượng mà nên phát triển mô hình như nuôi tôm sạch ở Canimex". Ông Stern lưu ý rằng hiện nay, nhiều nước châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Băngladesh... cũng có tôm "bio" cạnh tranh mạnh với tôm Việt Nam. Trong khi đó, chất lượng tôm Việt Nam còn là vấn đề chưa thực sự được quan tâm do những khó khăn thường nhật của các hộ nuôi tôm. Ông Stern gợi ý, Việt Nam nên hướng vào mục tiêu dài hạn hơn, phải coi  "độ sạch" của tôm là vấn đề hàng đầu và đặc biệt là cần phải có một thương hiệu nổi bật. Ông nói: "Tôi thấy có những loại tôm của Việt Nam ăn rất ngon mà nhiều nước châu Á khác không có. Người dân châu u cũng rất thích như loại tôm mà người dân nước bạn vẫn gọi là tôm hổ, nhưng đáng tiếc là chúng vẫn chưa có một thương hiệu". Ông nhắc đi nhắc lại rằng: "Các bạn nhà báo về nên viết nhiều về vấn đề này. Thực sự, tôi chưa thấy các nhà chức trách Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm nhiều lắm chuyện này. Tôm ngon nhưng thương hiệu cũng quan trọng lắm. Phải làm nổi bật lên thì mới đẩy mạnh sản phẩm không chỉ sang Thụy Sĩ mà còn sang nhiều nước châu u khác".

Mạnh Quân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.