Cuộc chiến chưa qua dù thỏa thuận thương mại Canada - EU hoàn tất

31/10/2016 08:05 GMT+7

Liên minh châu Âu (EU) và Canada ký Hiệp định Kinh tế và Thương mại Toàn diện (CETA) hôm 30.10. Dù vậy, thỏa thuận vẫn cần vượt qua 40 nghị viện quốc gia và vùng ở châu Âu.

Theo Reuters, Thủ tướng Canada Justin Trudeau vừa ký thỏa thuận thương mại tự do mang tính bước ngoặc với những người đứng đầu các định chế EU. Đây là bước đi giúp thực hiện tạm thời hiệp định vào đầu năm 2017 với việc loại bỏ hầu hết các loại thuế nhập khẩu.
Thời gian qua, con đường mà CETA đi qua không bằng phẳng. Vùng nói tiếng Pháp ở miền nam nước Bỉ, vốn có dân số chiếm ít hơn 1% tổng số 508 triệu người tiêu dùng EU, tác động lên tiến trình thúc đẩy CETA. Hôm 30.10, 100 người biểu tình chống toàn cầu hóa đụng độ với cảnh sát bên ngoài điểm ký kết ở Brussels (Bỉ).
Chủ tịch Ủy ban châu (EC) Jean-Claude Juncker nói trong cuộc họp báo có mặt ông Trudeau: “Chúng ta đang thiết lập các tiêu chuẩn có thể định hình toàn cầu hóa trong những năm tới”. Thỏa thuận với Canada được xem là bàn đạp cho một thỏa thuận khác mà EU có thể ký kết với Mỹ: Hiệp định thương mại tự do xuyên Đại Tây Dương (TTIP).
Những người ủng hộ CETA cho hay hiệp định này sẽ nâng thương mại Canada - EU lên 20%, lần lượt thúc đẩy thêm 13 tỉ USD và 9 tỉ USD cho kinh tế EU và Canada mỗi năm. Với Canada, CETA giúp họ giảm sự phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu Mỹ. Với EU, đây là thỏa thuận thương mại đầu tiên của khối với một nước thuộc nhóm G7. Thành công của CETA cũng đáng kể khi sự tín nhiệm của khối chịu ảnh hưởng từ hồi Anh bỏ phiếu chọn rời EU vào tháng 6, sau 43 năm làm thành viên.
Dù vậy, buổi ký kết vừa diễn ra sẽ không phải là động thái cuối cùng. Giả sử Quốc hội châu Âu đồng ý, CETA sẽ có hiệu lực một phần vào đầu năm sau. Hiệp định chỉ được thực hiện đầy đủ, bao gồm cả việc thi hành hệ thống bảo vệ đầu tư gây tranh cãi, sau khi nghị viện của hơn 30 quốc gia và khu vực đồng ý.
Thủ tướng Trudeau cho hay những động thái được thực hiện ban đầu sẽ mở khóa 98% các biện pháp chính của CETA, giúp người tiêu dùng và doanh nghiệp ngay lập tức cảm nhận được lợi ích.
Trọng tâm chính mà những người biểu tình chống CETA cùng TTIP nhắm đến là hệ thống bảo vệ các khoản đầu tư của doanh nghiệp ngoại. EU và Canada cho hay hệ thống bảo vệ đầu tư giúp minh bạch hóa, đảm bảo quyền điều tiết của chính phủ và việc sử dụng các thẩm phán độc lập.
Thỏa thuận cũng sẽ loại bỏ hàng rào thuế quan với gần 99% các loại hàng hóa. Đơn cử, các hãng xe hay ngành dệt may EU có thể tránh được mức thuế lên đến 18% của Canada ở thời điểm hiện tại. Các hãng dịch vụ cũng hưởng lợi và nhiều doanh nghiệp EU sẽ có cơ hội đấu thầu cho các dự án công cấp tỉnh, thành phố Canada. Trong ngành nông nghiệp, quốc gia Bắc Mỹ có thể xuất khẩu thêm thịt lợn, thịt bò và lúa mì vào thị trường EU, còn các nhà sản xuất sữa EU có thể xuất khẩu gấp đôi pho mát “chất lượng cao” vào Canada.

tin liên quan

EU và Canada sẽ ký hiệp định thương mại CETA
Canada và Liên minh châu Âu (EU) sẽ ký một thỏa thuận thương mại tự do mang tính bước ngoặc vào ngày mai 30.10 sau khi một loạt phiếu bầu chủ chốt ở Bỉ đe dọa kết thúc toàn bộ thỏa thuận.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.