Cuộc chiến tranh giành giới siêu giàu ở châu Á

11/08/2015 13:10 GMT+7

(TNO) Sau nhiều năm tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, khu vực châu Á ngày càng xuất hiện nhiều người giàu có. Điều này đã thu hút nhiều 'ông lớn' trong ngành kinh doanh quản lý tài sản của Thụy Sĩ đến đây hoạt động.

(TNO) Sau nhiều năm tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, khu vực châu Á ngày càng xuất hiện nhiều người giàu có. Điều này đã thu hút nhiều 'ông lớn' trong ngành kinh doanh quản lý tài sản của Thụy Sĩ đến đây hoạt động.

Cuộc chiến tranh giành giới siêu giàu ở châu Á
Ngân hàng UBS - Ảnh: Reuters
Theo Reuters, trong bối cảnh tăng trưởng chậm trên “sân nhà” và một chiến dịch ''đàn áp'' quốc tế đối với những quy luật bảo mật của mình, các ngân hàng Thụy Sĩ đã bắt đầu chuyển hướng sang ve vãn những khách hàng siêu giàu ở châu Á vốn đang tăng nhanh.
Tuy nhiên, cuộc cạnh tranh ở thị trường này cũng đã bắt đầu tăng nhiệt trong thời gian gần đây khi các đại gia ngân hàng Thụy Sĩ như UBS hay Credit Suisse phô diễn sự hiện diện của mình nhằm thu hút khách hàng. Andreas Brun, nhà phân tích của ngân hàng Thụy Sĩ Zuercher Kantonalbank, nhận xét: “Ai cũng muốn đầu tư kinh doanh ở châu Á. Đó không phải là điều bất ngờ. Nhưng điều bất ngờ là họ (các ngân hàng) xem đó là mục tiêu chiến lược chính yếu”.
Edmund Koh, người đứng đầu đơn vị kinh doanh quản lý tài sản của UBS ở Đông Nam Á và trung tâm châu Á -Thái Bình Dương, cho biết: “Các đối thủ nói rằng châu Á là một thị trường quan trọng của họ trong thời gian sắp tới. Nhưng với chúng tôi, châu Á đã và luôn là một thị trường quan trọng”.
Hiển nhiên châu Á rất thu hút cho dù tăng trưởng kinh tế trong thời gian gần đây có chậm lại, tuy vậy vẫn còn nhiều nền kinh tế châu Á vượt xa nhiều nước phương Tây. Tập đoàn tư vấn Boston Consulting Group dự đoán tài sản tư nhân khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ tăng trưởng trung bình mỗi năm khoảng 9,7% từ nay cho đến năm 2019, nhiều hơn gấp đôi so với khu vực Tây Âu.
Tuy vậy, việc chuyển các tài sản của giới nhà giàu châu Á thành việc kinh doanh có lợi nhuận là nhiệm vụ không dễ dàng đối với các nhà quản lý tài sản phương Tây. Bởi rất nhiều triệu phú, tỉ phú châu Á thuộc dạng tự thân làm giàu và cho thấy họ năng động hơn trong việc quản lý tài sản của mình so với các người phương Tây, vốn đa phần giàu có do thừa hưởng gia tài. “Phần lớn đó là tiền của họ làm ra, không phải tiền thừa hưởng từ cha mẹ, ông bà”, nhà phân tích Andreas Brun, cho biết.
Trong khi đó, giới siêu giàu châu Á có khuynh hướng gửi tiền của họ ở nhiều ngân hàng. Claude Haberer, người đứng đầu đơn vị kinh doanh quản lý tài sản ở châu Á của ngân hàng Thụy Sĩ Pictet, cho biết: “Người châu Á sẵn sàng gửi tiền vào để kiểm tra một ngân hàng nào đó thế nhưng bạn phải giải thích họ sẽ được hưởng lợi ích gì”.
Hiện tại, dẫn đầu trong số các nhà quản lý tài sản ở châu Á là ngân hàng UBS. Theo một nghiên cứu của tạp chí Asian Private Banker, năm 2014, ngân hàng UBS quản lý 272 tỉ USD ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tiếp theo là Citibank với 255 tỉ USD và Credit Suisse là 154 tỉ USD.
Ông Edmund Koh hi vọng khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ đóng góp ít nhất 1/3 lợi nhuận của UBS trong năm 2017. Hiện tại khu vực này chỉ mới góp được chưa tới 30% lợi nhuận.
Giám đốc điều hành khu vực châu Á - Thái Bình Dương của ngân hàng Credit Suisse, Helman Sitohang cho biết sự cạnh tranh giữa các ngân hàng để giành quyền quản lý tài sản của giới siêu giàu châu Á đang nóng dần lên. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng nhận thấy số lượng doanh nhân giàu có ở khu vực này đang tăng mạnh.
Không chỉ có 2 “ông lớn” UBS và Credit Suisse mà các ngân hàng khác cũng không muốn bỏ lỡ cơ hội kinh doanh ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, vốn được dự đoán là khu vực giàu có nhất trong năm 2016. Hai ngân hàng khác cũng của Thụy Sĩ là Julius Baer và Union Bancaire Privee đã thông qua việc mua bán sáp nhập để bổ sung sự hiện diện của mình ở thị trường châu Á. Julius Baer đã mua lại đơn vị kinh doanh quản lý tài sản bên ngoài nước Mỹ của Merrill Lynch trong khi Union Bancaire Privee mua Coutts International.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.