Cuộc đua huy động vốn

22/12/2009 23:17 GMT+7

Cuộc đua giữa các ngân hàng (NH) đang trở nên nóng bỏng nhưng lại rơi vào bế tắc khi lãi suất (LS) huy động như chiếc lò xo bị nén ở mức 10,49%/năm.

Vượt "trần" nhờ khuyến mãi

Trưởng phòng giao dịch một NH cổ phần ở Q.Tân Bình, TP.HCM kể, nhiều khách hàng khi gửi tiền đều nói một câu giống nhau: "NH không ghi LS huy động là 10,5%/năm cho rồi, sao cứ ghi 10,49%/năm".

Sự việc bắt đầu khi NH Nhà nước tăng LS cơ bản từ 7% lên 8% từ ngày 1.12. Ngay khi quy định này có hiệu lực, các NH đồng loạt tăng LS lên cao. NH lớn đẩy lên 10,45%/năm, các NH "thường thường bậc trung" thì tăng lên 10,82%/năm. Thấy đường đua huy động vốn có dấu hiệu nóng lên, NH Nhà nước ra chỉ đạo: "Những trường hợp tăng LS huy động từ mức 10,5%/năm trở lên, phá vỡ mặt bằng huy động trên thị trường, Thanh tra NHNN sẽ tiến hành xem xét toàn diện hoạt động của tổ chức tín dụng đó". Chỉ đạo này đã khiến các NH có mức LS huy động cao đã phải điều chỉnh xuống không vượt 10,5%/năm, con số 10,49%/năm được nhiều NH lựa chọn và trở thành mức LS cao nhất.

Theo NH Nhà nước, LS cho vay tiền đồng của các NH hiện nay phổ biến ở mức 12%/năm. LS cho vay thỏa thuận đối với các nhu cầu vốn phục vụ đời sống, cho vay thông qua nghiệp vụ phát hành và sử dụng thẻ tín dụng phổ biến từ 15-17%/năm.

Thông thường trước đây, các NH đưa ra LS tùy theo kỳ hạn gửi tiền và LS có xu hướng tăng tùy theo kỳ hạn gửi dài hay ngắn. Khách hàng gửi tiền càng lâu thì mức LS được hưởng càng cao. Thế nhưng từ khi có quy định trên, hầu hết các NH đã quy LS "về một mối" ở mức 10,49%/năm. Tại NH TMCP Sài Gòn (SCB), khách hàng gửi tiền kỳ hạn 3 tuần đến 60 tháng đều có mức LS là 10,49%/năm; NH TMCP Đông Nam Á (SeABank) kỳ hạn 1 tháng đến 24 tháng, LS là 10,49%/năm mà không phân biệt số tiền gửi nhiều hay ít như trước đây...

Tuy nhiên, mức lãi suất này không đủ hấp dẫn để hút dòng tiền trong dân chúng. Việc "đồng LS" giữa các NH như nói trên cũng vô hiệu hóa sự cạnh tranh giữa các NH. Làm thế nào để vừa không vi phạm quy định của NHNN, vừa thu hút được khách hàng, vừa cạnh tranh với NH khác là vấn đề mà các NH phải đối mặt. Đây chính là nguyên nhân nhiều NH đưa ra các chương trình khuyến mãi với quà tặng lên đến hàng tỉ đồng, cho khách hàng lãnh lãi trước, tặng tiền khi gửi tiền... Với các chương trình này, LS mà người gửi tiền thực nhận sẽ cao hơn "trần" 10,5%/năm.

Tình trạng cạnh tranh huy động vốn không chỉ diễn ra giữa các NH với nhau mà ngay trong cùng một hệ thống. Chị Thùy (Q.3, TP.HCM) cho biết, trước đây chị có giao dịch với một chi nhánh NH A. ở Q.5 nhưng sau này chị chuyển qua giao dịch với chi nhánh khác cũng thuộc NH này do chuyển chỗ ở. Thế nhưng gần đây, nhân viên NH ở Q.5 điện thoại năn nỉ đem tiền qua gửi bên chi nhánh của mình. Nguyên nhân là do nhân viên này chưa đạt được doanh số huy động mà chi nhánh giao.

Lãi suất cho vay cũng tăng

Nhu cầu huy động vốn cao phản ánh rõ hơn trên thị trường liên NH thông qua mức LS cho vay giữa các NH với nhau. Theo NH Nhà nước Việt Nam, trong tuần qua, LS bình quân qua đêm tăng 0,66%/năm so với kỳ trước, lên 10,71%/năm; LS bình quân các kỳ hạn còn lại đều từ 11,3%/năm trở lên. Riêng LS bình quân kỳ hạn 1 tuần là 11,66%/năm (đây là kỳ hạn có doanh số phát sinh lớn nhất); LS bình quân kỳ hạn 12 tháng là 12%/năm. Theo một phó tổng giám đốc NH cổ phần, thực chất LS trên thị trường liên NH còn cao hơn 12%/năm, có NH trả LS 15 - 16%/năm nhưng do LS cho vay trần là 12%/năm nên trên giấy tờ chỉ thể hiện là 12%/năm.

Thường thì khi tăng cường huy động vốn, NH sẽ phải cho vay ra. Thế nhưng vừa qua, tốc độ tăng trưởng tín dụng của các NH đã vượt kế hoạch đề ra, vậy các NH hiện nay đang đua huy động để làm gì? Một tổng giám đốc NH cổ phần cho hay hiện nay tốc độ huy động vốn của NH khá chậm. Việc hạn chế cho vay cũng đã làm cho vòng quay tiền chậm lại. Ngoài việc tăng huy động để đáp ứng tăng trưởng tín dụng, các NH còn lo đến việc thanh khoản. Phó tổng giám đốc một NH khác cho rằng, khi một số NH tăng cường huy động bằng hình thức tăng LS hay các chương trình khuyến mãi lớn thì buộc các NH khác cũng phải thực hiện theo để giữ khách hàng. Đó là lý do vì sao, dù tốc độ tăng trưởng vượt kế hoạch, nhiều NH vẫn phải chạy đua huy động.

Thanh Xuân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.