Tạo hành lang thu hút doanh nghiệp công nghệ số

Hoàng Sơn
Hoàng Sơn
24/06/2021 19:45 GMT+7

Đón doanh nghiệp “đại bàng” có vai trò dẫn dắt trong công nghệ số nhằm tạo ra thị trường và thu hút các DN chuyển đổi số đến Đà Nẵng hoạt động là mục tiêu mà Đà Nẵng đang nỗ lực thực hiện.

Nghị quyết 05 của Thành ủy Đà Nẵng về chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 xác định giải pháp phát triển kinh tế số dựa trên phát triển công nghiệp CNTT và doanh nghiệp (DN) công nghệ số (CNS), trong đó tập trung phát triển DN CNTT-TT, DN có ứng dụng CNS để có vai trò “dẫn dắt” trong chuyển đổi số nhằm tạo ra thị trường và thu hút các DN chuyển đổi số đến Đà Nẵng hoạt động.

Có 5 nhóm ngành được phân loại để thúc đẩy phát triển kinh tế số cũng như có sự đầu tư chuyên sâu. Trong lĩnh vực du lịch, Đà Nẵng cần triển khai các CNS phục vụ hoạt động như thẻ du lịch thông minh, gắn với nền tảng du lịch thông minh tạo ra hệ sinh thái cho người dùng, nhà cung cấp dịch vụ, cơ quan quản lý, tiện ích số. Nhu cầu số hóa các bảo tàng, di tích, điểm tham quan, hình thành sản phẩm du lịch số bằng công nghệ thực tế ảo/thực tế tăng cường và các CNS cũng nhằm mang đến trải nghiệm tốt hơn cho du khách và hỗ trợ cứu hộ.

Trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, thương mại điện tử, thời gian tới TP tập trung triển khai các nhiệm vụ liên quan về Trung tâm tài chính vùng, ưu tiên công nghệ Fintech và xây dựng thị trường thương mại điện tử lành mạnh, có tính cạnh tranh, phát triển bền vững. Đồng thời, hình thành hệ sinh thái gắn kết DN thương mại điện tử với các nhà sản xuất, nhà phân phối để quản lý chuỗi cung ứng.

Trong lĩnh vực giao thông vận tải và logistics, Đà Nẵng triển khai các hệ thống thông minh hỗ trợ người dân, du khách tìm kiếm, sử dụng phương tiện giao thông công cộng; triển khai Cổng thông tin giao thông trực tuyến, hệ thống giám sát, quản lý thu phí đậu đỗ xe thông minh, hệ thống giám sát điều khiển giao thông qua camera theo thời gian thực. TP cũng hình thành các trung tâm kho bãi, chia chọn tự động dựa trên CNS phục vụ logistics…

Công nghệ số hiện diện rộng khắp

Theo chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng, tầm nhìn đến năm 2030, TP sẽ xây dựng và triển khai hiệu quả đề án hỗ trợ DN nhỏ và siêu nhỏ, DN ngành nghề truyền thống, DN sản xuất trên địa bàn chuyển đổi sang cung cấp sản phẩm, dịch vụ trên các nền tảng số, thương mại điện tử… Một số DN sẽ được lựa chọn để triển khai chuyển đổi số, thí điểm mô hình nhà máy thông minh để nhân rộng.

Hoạt động kinh doanh qua mạng, phát triển thương mại điện tử đối với sản phẩm nông nghiệp truyền thống địa phương cũng sẽ được tăng cường, cùng với yêu cầu quản lý, giám sát chất lượng sản phẩm nông nghiệp, thủy sản từ địa phương khác nhập vào Đà Nẵng. Ứng dụng CNS trong điều hành, giám sát việc cung cấp, truyền tải, phân phối và tiêu thụ điện cũng được đặt ra cùng với yêu cầu tự động hóa lưới điện 22kV, triển khai Trung tâm giám sát và điều hành điện chiếu sáng công cộng…

Định hướng đến năm 2025, kinh tế số Đà Nẵng chiếm tối thiểu 20% GRDP toàn TP (trong đó, công nghiệp CNTT chiếm tối thiểu 10% GRDP); tỉ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%. Đà Nẵng đặt chỉ tiêu có 1.000 bộ dữ liệu mở, công khai cho tổ chức, công dân, DN sử dụng, phục vụ tạo ra sản phẩm mới; có 3 DN công nghệ số/1.000 dân, ít nhất 5 DN có doanh thu trên 1.000 tỉ đồng/năm.

Đáng chú ý, ở lĩnh vực tài nguyên và môi trường, giai đoạn 2021-2025 Đà Nẵng triển khai chương trình quan trắc chất lượng môi trường, hoàn thành hệ thống quan trắc và phân tích dữ liệu môi trường nước, ao, hồ, sông, biển, không khí tích hợp trên một nền tảng. Bản đồ số, ứng dụng thông minh quản lý giám sát (hệ thống thoát nước và xử lý nước thải, cơ sở xả thải, nguồn xả thải, bản đồ dự đoán khu vực ngập lụt, xả thải), quản lý hỗ trợ thu gom rác thải… cũng là những hệ thống được tính đến. Tất nhiên, Đà Nẵng công khai và sử dụng dữ liệu đất đai.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.