Đà Nẵng thu hút đầu tư: Đổi thay nam Đà Nẵng

22/10/2019 13:06 GMT+7

Trong chiến lược mở rộng TP.Đà Nẵng về phía nam, sau hơn 10 năm, phường Hòa Xuân (Q.Cẩm Lệ) đã trở thành khu đô thị mới khang trang, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của Đà Nẵng.

Sau hơn 10 năm, Hòa Xuân đã trở thành khu đô thị mới khang trang, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của Đà Nẵng nói chung, Q.Cẩm Lệ nói riêng trong chiến lược mở rộng TP về phía nam, cũng như đổi đời cộng đồng dân cư.
Quận Cẩm Lệ thành lập từ tháng 8.2005, đến 2008, trên địa bàn P.Hòa Xuân triển khai 11 dự án với tổng diện tích quy hoạch 1.100 ha với 5.168 hộ; 1 nhà thờ Thiên Chúa giáo (Cồn Dầu); 2 chùa Phật giáo; 7 đình làng; 87 nhà thờ tộc, họ, chi, phái; gần 17.000 ngôi mộ, với 5 nghĩa địa nhân dân và 1 nghĩa địa tôn giáo; 1 nghĩa trang liệt sĩ với hơn 400 ngôi mộ. Riêng dự án Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân được UBND TP phê duyệt điều chỉnh Tổng mặt bằng quy hoạch chi tiết với quy mô 437,2 ha ngày 2.8.2008. UBND Q.Cẩm Lệ đánh giá, đây là một trong những dự án có khá nhiều ý nghĩa và mục tiêu phát triển cụ thể, rõ ràng.

Vực dậy bộ mặt đô thị

Trong chiến lược mở rộng đô thị, phát triển về phía nam của TP.Đà Nẵng, các khu đô thị nam Đà Nẵng như Hòa Xuân (Q.Cẩm Lệ), Hòa Quý, Hòa Hải (Q.Ngũ Hành Sơn) đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong kết nối vùng với các khu vực tiếp giáp Quảng Nam (Điện Nam - Điện Ngọc). Các khu đô thị vệ tinh này với các trục giao thông huyết mạch cầu Nguyễn Tri Phương - đường Võ Chí Công - cầu Khuê Đông - Nam Kỳ Khởi Nghĩa, cầu Hòa Xuân - đường Nguyễn Phước Lan - cầu Trung Lương... đã tạo ra làn sóng đô thị hóa, khớp nối với các khu đô thị mới của Quảng Nam, vực dậy bộ mặt đô thị, kéo theo phát triển kinh tế, thay đổi cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp làm chủ đạo sang thương mại - dịch vụ…
Người dân Hòa Xuân năm 2009 sống trong vùng trũng ngập úng, lũ phải cứu trợ

Người dân Hòa Xuân năm 2009 sống trong vùng trũng ngập úng, lũ phải cứu trợ

Mục tiêu phát triển đô thị bằng cách thu hút vốn đầu tư từ bên ngoài còn nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế quận theo hướng thương mại, dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp, nâng cao đời sống và thu nhập cho dân cư. Dự án này còn là cầu nối gắn kết hệ thống hạ tầng kỹ thuật và xã hội khu vực các quận phía nam Đà Nẵng, mở rộng TP để phân bố lại dân cư và giảm mật độ trung tâm theo tầm nhìn chiến lược phát triển KT-XH của TP.Đà Nẵng hiện nay.
Các khu đô thị mới, các khu tái định cư hình thành theo tiêu chuẩn hiện đại, hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, có nhiều công viên-cây xanh và đặc biệt là khu liên hợp thể thao cho cả khu vực miền Trung - Tây nguyên. Người dân tái định cư được đền bù, bồi thường thiệt hại và giải quyết hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề, tạo việc làm. Ông Lê Văn Sơn, Chủ tịch UBND Q.Cẩm Lệ (TP.Đà Nẵng) khẳng định: “Phải nói rằng sau khi thực hiện dự án, Hòa Xuân được xây dựng nhiều thiết chế văn hóa hơn, không chỉ có Sân vận động Hòa Xuân, mà còn hệ thống trường học, trạm y tế, công trình công cộng”. Theo quy hoạch, P.Hòa Xuân dành quỹ đất 31 trường học, 3 trung tâm văn hóa thể thao tại khu C, khu E và khu D, hiện nay đã xây dựng được 5 trường học. Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân được quy hoạch 18 trường học, quỹ đất dành cho bệnh viện và cây xanh đạt chuẩn theo quy hoạch, các phân khu liên hợp thể dục thể thao, trung tâm thương mại được quy hoạch bài bản.
Bên cạnh đó, các vấn đề sắp xếp lại cơ sở thờ tự, tín ngưỡng và tôn giáo cũng được giải quyết phù hợp theo nguyện vọng. Các vị trí tái định cư theo làng xóm, tộc họ, theo cộng đồng dân cư, cộng đồng tín ngưỡng, cụm nghề nghiệp…; đặc biệt là đã điều chỉnh để lại nhà thờ Cồn Dầu theo đề nghị của giáo dân. Tại khu tái định cư mới, TP quy hoạch xây dựng Nhà nguyện, và bố trí tái định cư cho toàn bộ bà con giáo dân. Khu tái định cư mới chỉ cách Nhà thờ Cồn Dầu khoảng 1,2 km với hệ thống đường sá thuận tiện.

Phường duy nhất cả nước không kiệt hẻm

Cách đây hơn 10 năm, vùng đất nông nghiệp Hòa Xuân hễ lũ là ngập, hằng năm phải cứu trợ bằng thuyền, ca nô, nhiều năm lũ lút nóc nhà, gà vịt trôi sạch thảm thương. Theo phương án bồi thường thiệt hại, hỗ trợ và tái định cư đối với dự án tại Hòa Xuân từ 2008, tất cả các hộ giải tỏa thuộc diện thu hồi đất đều được bố trí tái định cư tại khu E và khu E mở rộng Khu dân cư Nam cầu Cẩm Lệ. P.Hòa Xuân vốn là vùng có địa hình thấp trũng, thường xuyên bị ngập lụt, do vậy cần phải quy hoạch nâng cao cốt nền xây dựng khu đô thị mới, di chuyển dân cư lên khu vực cao hơn để đảm bảo các yêu cầu của một khu đô thị hiện đại, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản.
“Hiện tại, bộ mặt đô thị người dân khang trang, đường điện, trường học, trạm y tế, công trình công cộng được xây mới, đường nhỏ nhất là 5,5 m, Hòa Xuân đặc biệt là phường duy nhất cả nước không có kiệt hẻm vì giải tỏa trắng và làm dự án từ đầu” - ông Lê Văn Sơn, chủ tịch UBND quận nói.
Được biết, P.Hòa Xuân với quy mô bằng một quận lân cận, với con số 98% người dân đồng tình giải tỏa, bố trí tái định cư, cho thấy chủ trương mở rộng không gian TP về phía nam và phù hợp, tạo nên diện mạo đô thị mới khang trang, cơ cấu kinh tế, nghề nghiệp chuyển từ nông nghiệp sang kinh doanh dịch vụ thương mại, đời sống người dân khấm khá hơn.
“Con em được học hành tốt hơn, đời sống tinh thần được nâng cao nhờ các thiết chế văn hóa trung tâm thể thao, sân bóng, các dịch vụ khác mở ra, các doanh nghiệp về kinh doanh đầu tư” - ông Lê Văn Sơn khẳng định.
Theo UBND quận Cẩm Lệ, dự án có quy mô 437,2 ha, di dời và giải tỏa đi hẳn trên 2.000 hộ dân với 7.010 hồ sơ. Đến nay, đã bàn giao mặt bằng 6.876 hồ sơ (đạt 98%), chỉ còn 134 hồ sơ chưa bàn giao mặt bằng, trong đó, khu vực Cồn Dầu 2.043 hồ sơ, đã bàn giao mặt bằng 1.921 hồ sơ (94%).
Khu vực Trung Lương 2.980 hồ sơ, đã bàn giao mặt bằng 2.968 (đạt 99,6%), hiện chưa bàn giao mặt bằng 12 hồ sơ (6 hồ sơ đất ở, 6 hồ sơ đất nông nghiệp). các khu vực Cẩm Chánh, Lỗ Giang, Tùng Lâm tổng cộng 1987 hồ sơ, đã bàn giao 100%.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.