Đặc sản tết xuất ngoại

09/01/2009 11:34 GMT+7

Lá dong, nếp cái hoa vàng, dưa muối, bánh tét nhân đậu xanh, dưa hấu, mứt nhiều màu sắc… là những thực phẩm không thể thiếu trong ngày tết cổ truyền được các doanh nghiệp khẩn trương xuất khẩu để phục vụ bà con Việt kiều trong những ngày tết sắp đến.

Đem hương vị quê nhà cho những người con xa xứ, các đặc sản truyền thống xuất khẩu còn đem theo cơ hội mở rộng thị trường, xúc tiến thương mại cho những doanh nghiệp trong nước.

Từ dưa hành đến bánh mứt

Bà Vương Kim Hà - giám đốc Công ty Đồng Tháp Expending, doanh nghiệp chuyên xuất khẩu hàng đặc sản VN sang thị trường châu u - cho biết từ tháng chín những chuyến hàng tết đầu tiên mang theo bánh kẹo, trái cây, mứt tết, thực phẩm khô đã xuất phát để kịp cập bến vào tháng mười, sau đó phân phối cho các siêu thị thuộc khu vực châu u. Ngoài bánh kẹo chủ lực do chính công ty sản xuất, nhiều loại trái cây đặc sản như xoài, chôm chôm, bưởi, dưa hấu đều được công ty đưa hàng sang bằng container lạnh.

Các mặt hàng đặc trưng hương vị quê nhà từ bánh da lợn, bánh ít, bánh bò đến các loại bánh cổ truyền trong dịp tết âm lịch như bánh tét, bánh chưng, mứt tết... lần lượt xuất hiện trên các kệ siêu thị ở châu u. “Dịp cuối năm, chúng tôi còn xuất thêm loại bánh tét nhân đậu xanh, bánh tét nhân hột vịt muối, chả giò sôcôla, chả giò trái cây... để da dạng hóa món ăn cho kiều bào trong ngày Tết” - bà Hà cho biết.

Từ nhiều năm nay, công ty đều đặn mang những hương vị truyền thống đến cộng đồng Việt kiều ở châu u, đặc biệt trong những dịp lễ tết cổ truyền. Hàng hóa đa số được vận chuyển bằng container lạnh và container thường, nhưng để kịp cho những ngày tết các món ăn có hạn sử dụng ngắn ngày đã được đơn vị vận chuyển bằng máy bay.

Miến dong, dưa muối đắt hàng

Các mặt hàng xứ Bắc như miến dong, măng lưỡi lợn, bánh đa cua... cũng được nhiều khách hàng mua đem sang nước ngoài. Chị Kim Thanh - chủ cửa hiệu chuyên bán đồ Hà Nội tại quận 3, TP.HCM - cho biết năm nay miến dong là mặt hàng được nhiều người chọn mua để ”xuất ngoại” nhất.

Tính đến thời điểm này, cửa hàng đã bán cho những mối quen đem hàng sang châu u khoảng 10 tấn miến dong các loại. “So với thời điểm này năm ngoái thì lượng miến dong bán cho người đem qua nước ngoài tăng tới 30%” - chị Thanh cho biết

Còn theo anh Thành - Công ty PC (TP.HCM), chỉ riêng mùa tết năm nay anh đã xuất khẩu sang thị trường Đông u khoảng 500 thùng dưa muối các loại và đang có kế hoạch xuất thêm bằng máy bay nếu nhu cầu tiếp tục tăng.

Tương tự, những ngày này tại Công ty CP chế biến hàng xuất khẩu Cầu Tre (quận Tân Phú, TP.HCM), các công nhân ở đây cũng đang tất bật sản xuất cho kịp đơn hàng dịp cuối năm. Theo ông Quang Huy - phó phòng kế hoạch đầu tư, thời điểm gần tết nhu cầu các mặt hàng phục vụ cho người châu Á ăn tết như: xôi mặn hộp lá dừa, há cảo, bánh xếp... tăng đột biến. Đặc biệt, khách hàng từ Mỹ, Úc, châu u và Hong Kong đặt hàng gấp đôi số lượng các tháng trước đó. Theo ước tính, chỉ riêng các mặt hàng thực phẩm chế biến xuất sang thị trường Mỹ trong tháng 12- 2008 kim ngạch đạt trên 1 triệu USD, gấp đôi so với hồi tháng mười.

Cũng xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Úc... nhưng Công ty TNHH Hải Minh (Củ Chi, TP.HCM) chọn mặt hàng thuần Việt như củ kiệu, cà mắm, bánh tráng... Chỉ riêng dịp tết năm nay công ty xuất khẩu được tám container hàng hóa phục vụ bà con Việt kiều ăn tết. “Công ty chỉ xuất cho một số đối tác quen thuộc, sau đó họ sẽ phân phối ra hệ thống siêu thị, chợ để bán cho Việt kiều” - ông Nguyễn Văn Vui, đại diện công ty, cho hay. Năm nay, mặt hàng bánh tráng đặc biệt hút hàng nên để có đủ bánh tráng xuất khẩu, Công ty Hải Minh phải huy động thêm nhiều cơ sở khác mới kịp giao hàng cho các đối tác.

Khách hàng: không chỉ là người Việt

Không chỉ giải quyết vấn đề “thời vụ”, các doanh nghiệp xuất khẩu còn tính đến chuyện lâu dài ở những thị trường này như một kênh xúc tiến thương mại hiệu quả để các doanh nghiệp đưa hàng thâm nhập các nước sở tại. Chính vì vậy, một trong những yếu tố quan trọng là chữ tín.

Phần lớn các mặt hàng đặc sản tết đều là các mặt hàng thực phẩm, do đó vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm được đặt lên hàng đầu. Bà Vương Kim Hà cho hay hàng vào thị trường châu u, ngoài đáp ứng các thủ tục hải quan, giấy tờ, nếu người bên đó kiểm tra thấy dư lượng vi sinh sẽ lập tức hồi hàng ngay. Vì vậy, để duy trì mối làm ăn lâu dài phải đảm bảo chất lượng sản phẩm ngay từ đầu vào.

Theo bà Phạm Ngọc Thúy - chủ cơ sở mứt khéo Thành Long (TP.HCM), đơn vị vừa ký được hợp đồng xuất khẩu mứt gừng sang Đức, toàn bộ chất phụ gia để làm trắng, làm dẻo mứt hoàn toàn không được sử dụng. Do đó yếu tố gia truyền trong khâu chế biến mứt trở thành nét đặc sắc riêng của cơ sở khi sản xuất mứt.

Điều làm bà Thúy tự hào là khách mua mặt hàng đặc sản này có cả người nước ngoài. “Khách hàng cũng nói thẳng trước đây họ đặt mua bên Trung Quốc nhưng sau sự cố melamine họ chuyển sang VN và theo tìm hiểu, họ tìm đến Thành Long. Đây là một dịp rất tốt để cơ sở trực tiếp giới thiệu đặc sản truyền thống của VN với các nước” - giọng bà Thúy phấn khởi.

Giữ được chữ tín nên nhiều doanh nghiệp đã ký được hợp đồng xuất khẩu không chỉ trong dịp tết mà sau tết hàng vẫn được xuất đều đặn. Bên cạnh đó, theo ông Trần Quang Hiền - phụ trách xuất nhập khẩu Công ty Cầu Tre, các mặt hàng đặc sản tết giờ đây không chỉ dành riêng cho những người VN ở nước ngoài mà đang trở thành những mặt hàng hấp dẫn đối với nhiều khách nước ngoài. Ông Hiền cho biết hiện công ty đã có các đơn hàng xuất khẩu đi nước ngoài tới tháng ba. Riêng trong tháng 2-2009, sản lượng xuất khẩu dự kiến gần 300 tấn.

Tuy nhiên, vấn đề mà hàng VN chưa làm được là việc xây dựng thương hiệu tại thị trường nước ngoài. Hầu hết các mặt hàng sản xuất trong nước đưa ra nước ngoài đều ở quy mô nhỏ lẻ và mang tính thời vụ. Ngay cả tại Cầu Tre, đơn vị có số đơn hàng khá đều đặn, nhưng chỉ ở thị trường Hong Kong và Úc, thương hiệu Cầu Tre mới được đưa trên sản phẩm, còn tại các thị trường khác chỉ xuất thuần túy dưới nhãn mác của khách hàng.

Theo Nhóm PV KT (Tuổi Trẻ)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.