Dân từ bỏ ‘vàng trắng’ vì rớt giá

16/03/2016 11:45 GMT+7

Do giá mủ cao su liên tục xuống thấp trong thời gian gần đây, nhiều hộ dân trồng cao su ở H.Nghĩa Đàn (Nghệ An) phải chặt bỏ loại cây đã từng được coi như "vàng trắng".

Do giá mủ cao su liên tục xuống thấp trong thời gian gần đây, nhiều hộ dân trồng cao su ở H.Nghĩa Đàn (Nghệ An) phải chặt bỏ loại cây đã từng được coi như "vàng trắng".

Chị Huỳnh Thị Diễn ngồi thẫn thờ bên gốc cây cao su vừa bị phá bỏ - Ảnh: Thủy LợiChị Huỳnh Thị Diễn ngồi thẫn thờ bên gốc cây cao su vừa bị phá bỏ - Ảnh: Thủy Lợi
Lần theo đường mòn Hồ Chí Minh chúng tôi tìm về nông trường cao su của H.Nghĩa Đàn (Nghệ An). Trong những ngày này, không khó để bắt gặp những chiếc xe tải chở đầy thân cây cao su chạy ra khỏi nông trường.
Theo nhiều hộ nông dân trồng cao su ở địa phương, thời kỳ “hoàng kim” của cây cao su trước đây không còn nữa, bởi vì bán 1 kg mủ không mua nổi 1 kg thóc. Giá mủ rớt liên tục trong thời gian qua khiến họ không tha thiết và mặn mà với thứ “vàng trắng” này. Nhiều hộ nông dân trên địa bàn đã chặt phá cao su để thay thế giống cây trồng khác.
Bán mủ không đủ tiền công
Ở Nông trường cao su 1.5 của xã Nghĩa Phú H.Nghĩa Đàn, bà Phạm Thị Mỹ Lê, Đội trưởng đội mủ cao su đội 6 cho hay: “Tính đến thời điểm này, trong 40 héc ta cao su do tôi quản lý thì đã có khoảng 20 héc ta bị phá bỏ để bán gỗ, số diện tích còn lại tuy chưa phá nhưng cũng bị bỏ mặc. Hiện giá mủ tươi thời điểm hiện này chỉ từ 3.000 - 4.000 đồng/kg, nên tiền bán mủ cũng chẳng đủ để trả cho công nhân cạo mủ”.
Bà Phạm Thị Mỹ Lê dẫn chúng tôi đi khảo sát vườn cao su Phú Tiến - một trong những xóm có diện tích phá bỏ cao su lớn. Vườn cao su xanh mướt ngày nào, giờ đây chẳng khác gì bãi đất hoang.
Từng đống gỗ cao su chừng 7, 8 năm tuổi đang nằm ngổn ngang bên lề đường để chờ xe đến bốc. Những gốc cây vừa bị cắt xong, mủ trắng tuôn ra thành từng dòng.
Một người phụ nữa đang ngồi thẫn thờ bên một gốc cao su vừa bị máy cưa cắt bỏ phía vệ đường. Chị Huỳnh Thị Diễn, chủ vườn cao su này chia sẻ: “Hồi những năm 1995, chúng tôi nhận khoán để trồng cây cao su. Kể từ đó, cây cao su được phát triển rộng khắp. Mọi nguồn chi tiêu của chúng tôi đều nhờ vào cây cao su. Bây giờ giá thấp quá, chỉ trông chờ vào giá mủ cao su như hiện nay thì gia đình không đủ ăn, chúng tôi phải chặt bỏ chứ chẳng còn cách nào khác”.
Theo chị Ngô Thị An, một chủ hộ trồng cao su ở xóm Phú Tiến (xã Nghĩa Phú), khoảng 3 - 4 năm về trước, giá mủ là 50.000 đồng/kg nên đời sống của gia đình cũng có “của ăn của để” nhưng hiện nay giá mủ xuống quá thấp, nên gia đình chị gặp khó khăn, không thể tiếp tục đầu tư được nữa”.
Do trồng tự phát?
Lý giải nguyên nhân của tình trạng trên, ông Trương Minh Hoài, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Nghĩa Đàn cho biết: “Diện tích đất trồng cao su trong toàn huyện khoảng 2.700 héc ta. Hiện nay, đã có khoảng 400 héc ta đã bị chặt bỏ. Những diện tích chặt bỏ này chủ yếu là do người dân trồng tự phát, giống cây không đảm bảo cùng với giá mủ xuống quá thấp, không mang lại thu nhập”.
Ông Trương Công Thắng, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Phú cũng cho biết: hiện tượng chặt phá cây cao su trong thời gian gần đây là do giá mủ quá thấp. Bên cạnh đó còn do chất lượng giống và kỹ thuật chăm sóc không đảm bảo, nên cao su không mang lại hiệu quả kinh tế.
“Trước tình trạng người dân phá bỏ cao su trên quy mô rộng, hiện nay chính quyền xã cũng đã định hướng cho bà con nên phát triển có định mức các loại cây có múi như cam, quýt để tránh việc sản xuất ồ ạt. Bên cạnh đó cũng vận động bà con duy trì diện tích mía đường ổn định và phát triển một số loại nông sản ngắn ngày như sắn, ngô...”, ông Thắng nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.