Dân Venezuela vượt biên giới sang Colombia mua thức ăn

15/07/2016 19:39 GMT+7

Thực trạng thiếu hụt hàng loạt khiến hàng ngàn người Venzuela phải vượt biên sang Colombia mua sắm.

Omar Torres đầy cảm xúc khi băng qua cây cầu Simon Bolivar nối Colombia và Venezuela với vợ và con gái: “Chúng tôi gần như đã khóc khi bước vào Colombia, và chúng tôi nhận ra cuối cùng, mình cũng có thể mua thực phẩm thiếu hụt ở Venezuela”.
Gia đình ông Torres là vài trong số khoảng 35.000 người Venezuela đổ vào Colombia hôm 10.7, sau khi chính quyền Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro cho phép người dân đi qua trong 14 giờ để mua nhu yếu phẩm giữa lúc quê nhà đối mặt tình trạng thiếu hụt trầm trọng. Ông Maduro đóng cửa biên giới hồi cuối tháng 8.2015 với lý do chống tội phạm và buôn lậu.
Giới quan sát nhìn nhận sự việc này là cảnh tượng báo trước cuộc khủng hoảng nhân đạo ở quốc gia Nam Mỹ, nếu nước này không làm gì để kết thúc vòng xoáy lao dốc của họ. Nhiều quan chức Colombia cho hay đã có kế hoạch đón những người tị nạn nếu nước láng giềng gặp phải vấn đề lớn. Venezuela là nơi có 3 triệu người Colombia sinh sống.
Dòng người kéo qua Colombia hôm 10.7 đến sau một sự việc xảy ra hồi tuần trước. 500 phụ nữ Venezuela mặc áo trắng bất chấp việc biên giới đóng cửa, đẩy lùi binh lính Venezuela để qua Colombia tìm hàng hóa cơ bản cho gia đình.
Tại thành phố Cucuta của Colombia hôm 10.7, người Venezuela đến từ khắp nơi trên cả nước chen chúc trong các siêu thị, bình tĩnh mua càng nhiều gạo, dầu ăn và bột ngô càng tốt. Những loại thực phẩm này hoặc thiếu nguồn cung, hoặc đang được bán với giá “trên trời” tại quê nhà.
“Có một số dấu hiệu cho thấy tình hình cung cấp lương thực đang trở nên nghiêm trọng và một phần lớn dân số đơn giản là không tìm ra đủ thức ăn. Dù Venezuela chưa đối mặt với nạn đói, nước này có một số dấu hiệu điển hình của một quốc gia đang bước vào giai đoạn khủng hoảng lương thực”, nhà phân tích cao cấp Phil Gunson của International Crisis Group ở thủ đô Caracas (Venezuela) cho hay.
Các dấu hiệu nói trên bao gồm tỷ lệ suy dinh dưỡng gia tăng, nạn cướp bóc lương thực phổ biến. “Tôi nhìn thấy người chết vì thiếu thuốc, trẻ em bị suy dinh dưỡng”, y tá Isley Marquez ở thành phố San Cristobal cho hay.
Hơn 80% nhu yếu phẩm hiện vắng mặt trên các kệ hàng siêu thị ở Caracas. Chính phủ quốc gia Nam Mỹ hiện nợ các nhà cung ứng và nhập khẩu tư nhân 30 tỉ USD, theo hãng tư vấn Ecoanalitica.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.