Đánh thức phía tây Nha Trang

21/05/2016 08:00 GMT+7

Lượng khách du lịch đổ về Nha Trang càng nhiều khiến thành phố này có vẻ như “chật lên từng ngày”.

Để giải tỏa áp lực chật chội này, tỉnh Khánh Hòa đang mở lối thoát cho Nha Trang bằng việc hình thành khu trung tâm hành chính và đô thị mới tại khu vực phía tây thành phố.
Bắt đầu quá tải
Mật độ dân số của Nha Trang so với diện tích (251 km²/400.000 người) không phải là quá cao, nhưng hầu như tất cả cơ quan, công sở, trường học, chợ búa đều dồn về phía đông nên lượng người cùng lúc đổ về một hướng nên có cảm giác như TP đang quá tải. Sự quá tải ấy được tăng lên vào mỗi mùa du lịch hoặc những ngày lễ, tết khi mà lượng du khách ùn ùn đổ về. Rõ ràng cơ sở hạ tầng của Nha Trang phát triển không theo kịp với đà tăng trưởng của du lịch. Nhận ra điều này, tỉnh Khánh Hòa đã tính đến phương án “dời đô” về hướng tây TP.Nha Trang từ nhiều năm trước. Trước khi triển khai ý tưởng chuyển toàn bộ các cơ quan hành chính của Khánh Hòa về phía tây TP.Nha Trang, một vài cơ sở giáo dục như Trường chuyên Lê Quý Đôn, Trường cao đẳng Sư phạm Nha Trang và Bảo tàng Tổng hợp Khánh Hòa cũng đã lên phương án chuyển dời trong nay mai.
Giải tỏa áp lực
Hưởng ứng lời kêu gọi đầu tư của tỉnh Khánh Hòa, từ nhiều năm nay, một số nhà đầu tư đã “giải tỏa áp lực” chật chội cho Nha Trang bằng việc hình thành một loạt dự án bất động sản nhằm “chia nhỏ” lượng người vẫn thường dồn về phía đông TP. Tuy nhiên, các dự án địa ốc này chỉ có thể góp phần vào việc “giảm tải” chứ không giải quyết căn cơ câu chuyện giữa giải tỏa áp lực chật chội kết hợp với phát triển du lịch cho tỉnh. Với 610 cơ sở lưu trú gồm 20.000 phòng, trong đó quá nửa là đạt tiêu chuẩn 3 - 5 sao nhưng việc “cháy phòng” vẫn diễn ra vào những tháng cao điểm trong mùa du lịch.
Giải quyết câu chuyện vừa giảm tải cho TP lại vừa có thêm điều kiện để phát triển du lịch, tỉnh Khánh Hòa đã lập phương án xây dựng khu trung tâm hành chính phía tây nam TP với quy mô lên đến 126 héc ta. Vùng đất này nguyên là cánh đồng muối nhưng diêm dân đã bỏ hoang từ lâu. Việc biến hàng trăm héc ta hoang hóa thành khu trung tâm hành chính và khu đô thị mới là một ý tưởng mà tỉnh Khánh Hòa đã theo đuổi từ lâu. Mở TP về phía tây sẽ góp phần giải tỏa được áp lực chật chội cho Nha Trang vừa tạo thêm quỹ đất khá lớn để Khánh Hòa có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đất còn hoang hóa này. Đặc biệt, các cơ quan khi chuyển về trung tâm hành chính mới sẽ để lại một quỹ đất khá lớn nằm dọc trục đường Trần Phú, càng tạo điều kiện cho tỉnh Khánh Hòa phát triển tiềm năng du lịch của mình từ những khu “đất vàng” mà các công sở để lại. Ông Lê Đức Vinh - Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa - nhấn mạnh: “Việc triển khai quy hoạch trên nhằm mục đích ưu tiên tối đa không gian ven vịnh Nha Trang cho các hoạt động của đô thị du lịch, trong đó có giải pháp di chuyển các công trình hành chính nằm trong khu đô thị ven biển về phía tây để chuyển đổi các quỹ đất này sang đất dịch vụ du lịch theo đúng định hướng quy hoạch chung TP.Nha Trang đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”.
Đánh thức phía tây Nha Trang còn bao gồm cả việc hình thành tuyến đường Cao Bá Quát - Cầu Lùng, rộng 60 m, nối Nha Trang với QL1A, để từ đây đi Đà Lạt một cách thuận lợi nhất. Đây là tuyến đường ngắn nhất nối QL1A với Nha Trang, băng qua vùng đất vẫn còn khá hoang vắng. Tuyến đường này sẽ góp phần giải quyết tình trạng quá tải cho đường 23 Tháng 10 vừa tạo điều kiện để các nhà đầu tư triển khai các dự án, hình thành các khu dân cư để giảm áp lực chật chội cho Nha Trang trong những năm tới. Một con đường khác sẽ cắt ngang tuyến đường này, bắt đầu từ xã Phước Đồng để hình thành một trục “chữ thập” phía tây Nha Trang.
Với tất cả những dự án trên đây, người dân đang hy vọng về một Nha Trang vạm vỡ đang dần hình thành ở phía tây TP.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.