Đào rừng... lên ngôi

13/02/2007 16:54 GMT+7

Trước ngày đưa ông Táo về trời ba ngày, tôi có việc đi ngang qua đường Hoàng Minh Giám và thật bất ngờ, nơi đây vốn được người dân Hà Nội biết đến với những khu đô thị, trung cư cao tầng... thì nay như được “thay da đổi thịt” bởi mùa xuân hiện hữu vừa theo vài trăm cây số về xuôi. Khoảng đất trống chờ để xây lên những tòa nhà, ngay lập tức được mấy người thuê làm nơi tập kết đào rừng - đào mốc. “Vườn đào” ngay lập tức thu hút được không ít người tới trả giá.

Luôn miệng chỉ đạo số nhân viên đang dùng xe cẩu... hạ thổ mấy gốc đào quý Tây Bắc xuống hố, trên tay lăm lăm chiếc máy ảnh kỹ thuật số thời thưọng, hòng ghi lại những thế đào đẹp để giới thiệu cùng khách hàng, ông Nguyễn Đức Cường - chủ hàng trăm gốc đào rừng, phân trần với hết lượt khách này đến lượt khách nọ về giá trị cũng như vẻ đẹp tự nhiên thuần khiết vốn có của loài đào “ta”.

Nổi bật giữa vườn đào là năm gốc đào mốc Sơn La cổ thụ, cao hơn 3m, thân cây mốc meo - to cỡ vòng đùi cầu thủ bóng đá, điểm xuyến những nụ phớt hồng cùng vô khối chồi xanh lộc biếc, với bảng giá được niêm yết trên thân cây từ 18 tới 20 triệu đồng cây. Cây đẹp là vậy, với những cành đào rừng có thế đơn giản, giá cũng không dưới 300-400 nghìn đồng.

Nhưng để có được cả một vườn đào rừng đẹp tới vậy, bày bán giữa lòng Thủ đô vào đúng dịp Tết cổ truyền cũng là cả một vấn đề. Giới buôn đào đất Hà thành không còn lạ lẫm khi nhắc tới hai cái tên Nguyễn Đức Cường và Nguyễn Văn Được. Vì có ai như hai ông, khi quyết định bỏ ra cả một đống tiền để mua 50ha đất tại Loong Sập, Mộc Châu (Sơn La), lập trang trại trồng đào. Tết Định Hợi này đã là năm thứ 3 hai ông về Hà Nội bán đào, “Trung bình mỗi ô tô tải loại lớn có thể vận chuyển được khoảng 40 cành đào lớn, còn với những gốc đào cổ thụ - mọc trên núi đá, có hàng trăm năm tuổi thì chất được cỡ mươi gốc. Giá cước xe vận chuyển mỗi chuyến như vậy là 6 triệu đồng”, ông Được cho biết.

Không mang được nhiều vẻ mới lạ, hoang dã, tự nhiên như đào rừng Tây Bắc, thêm vào đó là “sự cố” úng ngập, đào Nhật Tân chết hàng loạt. Nên dịp tết năm nay, một số tay chơi đào có hạng đã liệt đào Nhật Tân vào hàng “chiếu dưới”, sau đào mốc Tây Bắc. Tại bãi đào của chị Hải, những gốc đào được coi là “hàng khủng” nhất, có thế đẹp như “Anh em”, “Tình phu tử”, “Quần tụ gia đình”... cũng chỉ dám “chém” với giá 10 triệu đồng, bằng phân nửa so với những gốc đào rừng Sơn La. Đấy là mua “đứt” gốc (gốc đào thuộc về người mua), còn với giá 7 triệu, thì người bán vẫn có quyền “xin” lại gốc nếu người chơi không có nhu cầu chơi tiếp.

Đào rừng còn đánh dấu việc lên ngôi của mình khi liên tục thu hút được người mua, cùng những dịch vụ cũng như mức giá khá “chát”. Đơn cử, với dịch vụ cho thuê đào chơi ngày tết, bạn chỉ cần bỏ ra 9 triệu tiền thuê cây, thêm vài triệu tiền đặt cọc và địa chỉ rõ ràng (sau khi đã được xác minh), sau vài tiếng đồng hồ, trong nhà bạn đã xuất hiện cây đào rừng Tây Bắc đẹp hết ý, để chơi qua rằm, thay vì phải bỏ ra 18 đến 20 triệu để được sở hữu. Còn với công ty đào mốc (đào rừng) Bình An, những quý khách mua hàng trị giá 3 triệu đồng trở lên còn được tặng một suất tư vấn thiết kế miễn phí phòng khách, sân vườn theo luật phong thủy.

“Tiếng là người đi bán đào thật đấy, nhưng mình cũng chỉ mong người ta thuê gốc chơi mấy ngày xuân, ra giêng mình lại rước về chăm sóc”, ông Cường tâm sự. Có lẽ do vậy mà phần lớn những gốc đào rừng cổ thụ - đắt tiền, sau khi bán, qua giêng, người mua lại “alô” nhờ ông tới “rước” chúng về chăm bón “hộ”, với giá bằng 1/2 giá gốc đào đó được bán vào tết sang năm. u cũng là một cách bảo tồn, gìn giữ giống đào tự nhiên, quý hiếm vậy!

Minh Sang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.