Đất nước có 1.000 sàn giao dịch

03/04/2017 19:00 GMT+7

Nếu bạn có thể mua hoặc bán món gì đó, Trung Quốc cung ứng sẵn một sàn giao dịch cho món đó. Nước này đang có hơn 1.000 sàn giao dịch, tăng từ mức chỉ 300 sàn hồi năm 2011.

Theo Bloomberg, sàn giao dịch lừa China Donkey Exchange là ví dụ mới nhất cho việc mọi hàng hóa ở Trung Quốc đều có sàn giao dịch riêng. Từ các sàn giao dịch chứng khoán lớn tầm quốc gia như ở Thượng Hải, Thâm Quyến đến các sàn hoạt động nhỏ hơn, chỉ bao gồm phần mềm kết nối người mua và người bán, Đại lục có hơn 1.000 nền tảng giao dịch.
Hiện tại, các điểm giao dịch khu vực đang ngày càng đóng vai trò quan trọng. Các sàn này giúp định giá nhiều sản phẩm nông nghiệp, kim loại, hóa chất và hiện có mặt tại 32 trong tổng số 34 khu vực cấp tỉnh của Đại lục. Đơn cử, một sàn giao dịch hoa lan bắt đầu hoạt động tại tỉnh Vân Nam hồi tháng 9.2016, còn thị trường dành cho cổ phiếu doanh nghiệp nhỏ thì mở ở Ningbo vào tháng 5.2016.
Các sàn giao dịch được vận hành tốt “có lợi cho sự phát triển của các thị trường Trung Quốc”, chuyên gia kinh tế Hao Hong thuộc Bocom International Holdings ở Hồng Kông cho hay. Dù vậy, sự gia tăng nhanh chóng và số lượng lớn của các sàn giao dịch cũng làm dấy lên lo ngại về việc sơ suất. “Nhiều sàn giao dịch bắt đầu với tư cách một điểm phòng ngừa rủi ro, song đã phát triển thành nơi đầu cơ vốn chẳng mang lại lợi ích rõ ràng cho nền kinh tế thực”, ông Hong nhận định.
Sàn giao dịch lừa ra đời cũng với lý do tương tự như chuyện sàn giao dịch lợn và đậu nành mọc lên trên thế giới. Lừa ở Đại lục không chỉ là con vật vác được đồ nặng mà còn là hàng hóa ''hot''. Ở nước này có cách trị bệnh thiếu máu truyền thống “e’jiao” có dùng da lừa. Nhu cầu “e’jiao” tăng lên trong thập niên qua khi tầng lớp trung lưu Đại lục đi lên.
Số lượng sàn giao dịch tại từng tỉnh của Trung Quốc Ảnh: Bloomberg
Giá lừa tăng gấp bốn lần trong cùng giai đoạn, lên mức 8.000 nhân dân tệ, tương đương 1.160 USD/con. Một phần lý do của việc này là các nhà gây giống thất bại trong việc bổ sung đàn gia súc. Lừa là loài rất khó gây giống, có thời gian mang thai dài đến 14 tháng.
Nhu cầu của Trung Quốc cũng lan ra quốc tế. BBC cho hay Niger vừa cấm xuất khẩu lừa và Burkina Faso cấm xuất khẩu da lừa để bảo vệ động vật nước này. Tại một số nơi, nhu cầu “bơm căng giá lừa đến mức nhiều gia đình phụ thuộc vào loài vật này không thể mua con mới”, chuyên gia Mike Baker thuộc Donkey Sanctuary, tổ chức từ thiện ở Anh, cho biết.
Tại Trung Quốc, nhiều nhà máy “e’jiao” gặp khó trong việc tìm nguồn cung da lừa. Liu Guangyuan, người giám sát dự án của hãng nhà nước Dong-E-E-Jiao, công ty lập sàn giao dịch vào tháng 12.2016, cho hay động thái này là để thúc đẩy ngành công nghiệp nuôi lừa trên toàn quốc. Sàn giao dịch lừa đặt trụ sở tại một vùng nông thôn thuộc tỉnh Sơn Đông, xử lý giao dịch mua - bán qua điện thoại.
Một nông dân có thể gọi đến sàn nói rằng anh ta muốn bán vài chú lừa, sàn giao dịch sẽ chạy một chương trình để xác định rằng số lừa muốn được bán có thật và bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng. Sàn này giúp anh nông dân tìm mức giá mà cả bên mua và bên bán đều đồng thuận, trước khi sắp xếp hoạt động giao nhận giữa hai bên.
Số lừa có giá trị hơn 370 triệu nhân dân tệ đã được giao dịch trên China Donkey Exchange từ khi sàn mở cửa. Hãng Dong-E-E-Jiao cho hay con số trên có thể đạt 1,5 tỉ nhân dân tệ cuối năm nay. Hãng dự định bắt đầu giao dịch trên nền tảng trang web và ứng dụng từ tháng 4. Ông Liu cho hay Dong-E-E-Jiao không giao dịch trên thị trường bình thường vì nó không xử lý lừa sống. Sàn chỉ mua da sau khi lừa đã được giết mổ.
Sự phổ biến của các sàn giao dịch như sàn giao dịch lừa kể trên khiến Bắc Kinh lo ngại rằng chính quyền địa phương không đủ khả năng để giám sát chúng một cách hợp lý. Hồi tháng 1, một nhóm giới chức chịu trách nhiệm giám sát các thị trường khu vực cho hay một số nền tảng giao dịch tham gia vào hoạt động bất hợp pháp, cho biết rằng nhiều điểm giao dịch tem, đồng xu và thẻ sưu tầm đang đối mặt với cáo buộc thao túng thị trường.
Đây là một câu chuyện minh họa cho rủi ro của các sàn giao dịch. Năm 2015, cảnh sát Đại lục cáo buộc chủ sở hữu China Gold & Silver Trade Center, sàn giao dịch hàng hóa ở khu tự trị phía bắc Nội Mông bỏ trốn sau khi nhận tiền từ nhiều người dùng. Trang web và số điện thoại công khai của China Gold & Silver Trade Center không hoạt động. Hãng cũng không trả lời yêu cầu bình luận. Một quan chức tại sở cảnh sát địa phương, đơn vị đưa ra cáo buộc trên tài khoản Weibo chính thức của họ, cho hay vụ việc trên đã được chuyển đến Bắc Kinh mà không cung cấp thêm thông tin.
Dù vậy, vẫn có nhiều câu chuyện thành công trong xứ sở 1.000 sàn giao dịch. Một trong những cái tên đáng chú ý nhất là sàn giao dịch thép không gỉ China Stainless Steel Exchange, mở cửa năm 2016 và hiện có tất cả các dấu hiệu của một thị trường tương lai chủ chốt. Họ có giao dịch tập trung, hợp đồng tiêu chuẩn, kho bãi và đối tác thứ ba. Việc trao đổi đang diễn ra hầu như liên tục vào các ngày trong tuần và sàn được so sánh với Shanghai Futures Exchange với tư cách nhà cung ứng giá chuẩn cho Niken.
Giới chuyên gia cho rằng nhiều sàn giao dịch Đại lục xuất hiện vì nhu cầu thực, song thách thức của chúng là tiếp tục trụ vững trong tương lai.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.